419
category
402036

Chống dịch an toàn hay không, người dân Việt Nam tự biết!

Hải Anh 18/06/2020 09:08

Tổ chức Deep Knowledge Group (DKG) đã công bố 250 trang báo cáo “Đánh giá mức độ an toàn các khu vực trong đại dịch Covid–19”. Trong đó, DKG chia 200 quốc gia và vùng lãnh thổ thành 4 nhóm khi đánh giá mức độ an toàn nói chung. Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 20, cuối cùng của nhóm 1 theo thang đánh giá của DKG, với số điểm 637.

Xét theo từng nhóm của DKG, Việt Nam có vị trí tốt nhất ở nhóm chỉ số “Hiệu quả cách ly” với 128 điểm, đứng thứ 9/100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, chúng ta đứng thứ 21 ở “Hiệu quả trong quản lý rủi ro của Chính phủ” với 149 điểm; đứng thứ 15 ở hai nhóm chỉ số “Giám sát và phát hiện” với 124 điểm và “Chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp” với 101 điểm. Tuy nhiên, với hai nhóm “Sự sẵn sàng về chăm sóc y tế” và “Khả năng chống chọi”, theo đánh giá của DKG, Việt Nam chỉ đứng lần lượt ở vị trí thứ 65 (63 điểm) và 86 (72 điểm). Số điểm thấp trong hai nhóm này là nguyên nhân chính khiến Việt Nam chỉ đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng đánh giá mức độ an toàn nói chung của DKG.

Vị trí của Việt Nam trong báo cáo của DKG đã gây tranh cãi trên mạng xã hội. Đa số đều không hài lòng khi cho rằng nhiều nước với số ca nhiễm lớn, số người chết cao, liên tục có thêm ca nhiễm mới lại được xếp trên Việt Nam – không có ca tử vong, số ca nhiễm thấp, kiểm soát dịch tốt.

Báo cáo dựa trên 130 thông số định lượng và định tính và hơn 11.400 điểm dữ liệu trong các danh mục như hiệu quả kiểm dịch, theo dõi và phát hiện, sẵn sàng cho sức khỏe và hiệu quả của chính phủ. Đó là bởi Deep Knowledge Group, một tập đoàn gồm các công ty và tổ chức phi lợi nhuận thuộc sở hữu của Deep Knowledge Ventures, một công ty đầu tư được thành lập vào năm 2014 tại Hồng Kông.

Được biết, bảng xếp hạng này là do Deep Knowledge Group (DKG) thực hiện và Forbes chỉ là đơn vị đăng tải lại. Sau khi công khai, Forbes đã nhận được rất nhiều câu hỏi tại sao Việt Nam và các quốc gia ở khu vực Caribe lại không được xếp hạng cao dù tỷ lệ nhiễm và tử vong thấp hoặc không có ai tử vong vì Covid-19 (Việt Nam).

Trước tình hình đó, Forbes đã đem thắc mắc này đi hỏi tổ chức Deep Knowledge Group – cha đẻ của bảng xếp hạng này (Forbes chỉ là người đăng lại). Theo dịch lại từ Forbes, đơn vị đưa ra bảng xếp hạng các quốc gia an toàn nhất trong đại dịch Covid-19 đã ‘đe dọa’ sẽ đánh tụt bậc Việt Nam sau khi có những thắc mắc về tính chính xác của báo cáo cũng như cách tính điểm.

Theo bài viết của Forbes đăng tải, DKG cho rằng họ có thể đã sai khi xếp Việt Nam ở nhóm 1 (nhóm 20 quốc gia an toàn nhất) và trong bảng xếp hạng tiếp theo có thể chuyển Việt Nam sang nhóm 2. DKG cho biết họ nghi ngờ Việt Nam che giấu một số trường hợp nhiễm bệnh. Với trường hợp các quốc gia thuộc Caribe, họ có hạ tầng y tế yếu kém, thiếu sự quản lý của chính phủ trong việc giải quyết khủng hoảng. DKG cũng nói thêm trong tháng 7, tổ chức này sẽ cập nhật bảng xếp hạng mới.

Các y, bác sỹ lan tỏa thông điệp cả nước chung tay quyết tâm chống dịch COVID-19.

So sánh với các nước xếp hạng đầu, Việt Nam có an toàn hay không?

Trong bảng xếp hạng các quốc gia an toàn trong đại dịch Covid-19 tháng 6 của DKG, Thụy Sĩ và Đức là 2 quốc gia đứng đầu. Tiếp theo là Israel, Singapore và Nhật Bản. 5 quốc gia còn lại trong top 10 gồm Áo, Trung Quốc, Úc, New Zealand và Hàn Quốc. Việt Nam đứng cuối trong nhóm 1 các quốc gia an toàn trong đại dịch Covid-19 khi đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng, dưới cả Hà Lan, Hungary, Saudi Arabia. Điều đáng nói là tất cả các quốc gia đứng trên Việt Nam đều bùng phát dịch bệnh lớn hơn nước ta và đều có nhiều người chết vì Covid-19.

Báo cáo của DKG được cho là dựa trên 130 thông số. Theo Forbes, Deep Knowledge Group là một tập đoàn lớn, thuộc sở hữu của Deep Knowledge Ventures – một đơn vị được thành lập năm 2014 tại Hong Kong. Ngay sau khi ra đời bảng xếp hạng các quốc gia an toàn trong đại dịch Covid-19, DKG đã bị phản đối bởi nhiều người cho rằng nó thiên vị cho quá nhiều nước.

Hiện nay, Việt Nam mới có tổng cộng 334 ca nhiễm Covid-19 và 323 ca phục hồi, chưa có người nào tử vong. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất thế giới. Thậm chí, tờ Politico khi lập biểu đồ hiệu suất của 30 quốc gia đi đầu trong công tác phòng chống dịch đã đưa Việt Nam đứng đầu.

Việt Nam được đánh giá có tình hình sức khỏe cộng đồng và tình hình kinh tế tốt nhất trong công tác chống dịch.

Việt Nam được đánh giá có tình hình sức khỏe cộng đồng và tình hình kinh tế tốt nhất trong công tác chống dịch. Nước ta cũng là quốc gia đông dân nhất chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào tử vong vì Covid-19. Ngay cả phóng viên của hãng thông tấn Reuters không tin vào sự thật này cũng đích thân đến nhà tang lễ để điều tra nhưng kết cục họ phải chấp nhận Việt Nam đã làm rất tốt công tác dập dịch.

Vậy, xếp hạng này có thực sự chính xác? Bảng xếp hạng của DKG được nhiều chuyên gia đánh giá là quá thiên vị cho các nước phát triển và đánh tụt hạng thê thảm nhiều quốc gia đang phát triển. Ví dụ, Singapore (xếp hạng 4) lại có đến 38.296 ca nhiễm và 25 ca tử vong, còn Trung Quốc (xếp hạng 7) đang là ổ dịch lớn thứ 17 thế giới với 83.040 ca nhiễm và 4.634 trường hợp tử vong. Ngoài ra, Trung Quốc liên tục bị các cường quốc phương Tây, dẫn đầu là Mỹ và Đức, cáo buộc phản ứng chậm trễ với dịch bệnh và che đậy số liệu chính xác về tình hình Covid-19 tại nước này.

Việc Việt Nam xếp hạng thứ 20, khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, Việt Nam có an toàn hay không, nhân dân Việt Nam tự biết, người nước ngoài đang sống ở đây tự biết. Việt Nam không quan tâm nhiều đến những cái bảng xếp hạng này nhưng cũng sẽ không chấp nhận để cho ai đó vu khống bôi xấu mình. Xin hỏi DKG bảo thông tin Việt Nam dấu dịch là bắt nguồn từ các chuyên gia y tế châu Á? Vậy đó là những ai? Họ ở đâu? Họ có uy tín hơn CDC, WHO không?

Hải Anh

(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)

Đọc nhiều