Chống chạy chức, chạy quyền: Ngăn tình trạng cả họ làm quan!

26/09/2019 10:15

“Việc chạy chức chạy quyền diễn ra rất nhiều, biến tướng và nhiều tệ hại. Bản thân những người chạy chức, chạy quyền đã lộ diện thì cũng lâm vào những cảnh không sung sướng gì, bị lên án, chỉ trích…”, ông Vũ Quốc Hùng nói.

Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương 

Giúp cán bộ không lâm vào cảnh suy thoái

Đánh giá việc Bộ Chính trị ra Quy định 205 xuất phát từ tình hình thực tế, là rất kịp thời, rất cần thiết, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Việc chạy chức chạy quyền diễn ra rất nhiều, biến tướng và nhiều tệ hại. Bản thân những người chạy chức, chạy quyền đã lộ diện thì cũng lâm vào những cảnh không sung sướng gì, bị lên án, chỉ trích…”.

Do đó, “thông qua việc ngăn chặn này để chúng ta có thể tuyển chọn được những cán bộ tiêu biểu vào các cấp lãnh đạo mới, đây là một tín hiệu đáng mừng”.

Theo ông Hùng, đây cũng là điều rất nhân văn, để cho đảng viên, cán bộ không lâm vào cảnh suy thoái, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ trẻ tự tin phấn đấu, nâng cao năng lực, phẩm chất mà không phải lo đến việc chạy chọt, quan hệ tiêu cực. Điều này, cũng thấy được quyết tâm của Đảng và Nhà nước ngăn chặn việc này, làm thế nào chọn được cán bộ tốt và loại được những cán bộ hư hỏng.

Thực tế đã chứng minh, vụ Trịnh Xuân Thanh đã  khiến cho 7 cán bộ bị kỷ luật, gồm cả những cán bộ cấp cao ở Ban, Bộ, Cơ quan Trung ương, dù có người đã về hưu. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là do yếu kém, khuất tất trong công tác cán bộ.

“Chính vì Trung ương thấy những hệ lụy của việc công tác cán bộ không chuẩn, nên đã ra quy định, đây là việc rất quan trọng. Cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện thì mới có hiệu quả”, ông Vũ Quốc Hùng bày tỏ.

Ngăn tình trạng cả nhà làm quan

Đặc biệt, tại quy định 205 nêu rõ “không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, Phó Bí thư, Trưởng ban tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị…”.

Bình luận về nội dung này, ông Vũ Quốc Hùng cho hay: “Những quy định này cũng là rào cản để không có chuyện “một người làm quan cả nhà được hưởng” hay “cả họ làm quan”, làm mất uy tín của Đảng và chính quyền. Cứ thực hiện và khi thực hiện xong thì tổng kết, rút kinh nghiệm, xem cần bổ sung thêm điều gì cho rõ hơn thì sẽ bổ sung…”.

Do đó, ông Hùng nhấn mạnh, việc tuyển chọn cán bộ là nhiệm vụ của tất cả các cấp ủy và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, những người cán bộ phải thật trong sáng.

“Quan trọng nhất vẫn là phải tổ chức thực hiện như thế nào cho thật tốt, kiên quyết trong vấn đề chống chạy chức, chạy quyền. Cho nên, chúng ta hoan nghênh những quy định ấy, còn việc tổ chức như thế nào, những người đứng ra tổ chức thực hiện ra sao thì còn phải chờ xem ở phía trước”, ông Hùng nhấn mạnh.

(Theo Infonet)

Tags :
Đọc nhiều