425
category
332527

Chống bệnh thành tích – Khó khăn đến mấy cũng phải làm!

19/11/2019 17:12

Căn bệnh chạy theo thành tích và kèm theo nó là bệnh hình thức đã vắt kiệt sinh lực các thầy cô giáo, khiến nhiều người bất lực vì khó lòng làm khác được. Muốn dẹp bỏ được căn bệnh thành tích phải tìm ra căn nguyên dẫn đến tình trạng ấy. Đó là việc đề ra chỉ tiêu thi đua quá cao, không phù hợp với khả năng thực tế có thể đạt được.

Vượt qua căn bệnh ngụy thành tích, không để học sinh ngồi nhầm lớp

Trong năm học 2018-2019, Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) có 22 trường hợp học sinh phải ở lại lớp (19 học sinh lớp Một; 2 học sinh lớp Hai và 1 học sinh lớp Ba).

Để làm được điều này, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thái Phong đã cùng các thầy cô thực hiện đổi mới rất nhiều từ trong cách nghĩ, cách làm. Thầy Nguyễn Thái Phong từng có nhiều năm đi dạy rồi được bổ nhiệm vào vị trí quản lý giáo dục, sau đó được điều động phụ trách quản lí chuyên môn bậc Tiểu học của phòng giáo dục quận Hải Châu. Những cơ chế cũ kỹ, những căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục khiến thầy day dứt.

Thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng trường tiểu học Võ Thị Sáu.

Từ câu chuyện trên ta thấy, lối quản lí chất lượng giáo dục theo chỉ tiêu thành tích trong những năm trước đây của các cấp quản lí còn khá phổ biến. Theo đó, tỉ lệ phần trăm học sinh lên lớp, tỉ lệ học sinh khá giỏi, tỉ lệ học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi đều tính vào thành tích thi đua của nhà trường.

Thậm chí có nơi còn xét thi đua của giáo viên theo tỉ lệ số điểm 9, 10 mà học sinh của lớp đạt được qua các kì kiểm tra, có thời kì còn chỉ đạo không cho phép để học sinh ở lại lớp…

“Thà để học sinh chậm một năm còn hơn để học sinh chậm một đời” là quan điểm đánh giá chất lượng giáo dục được thầy đưa ra trong cuộc họp Hội đồng sư phạm nhà trường.

Thầy Phong luôn động viên giáo viên phát hiện và báo cáo những học sinh học yếu, chậm tiếp thu, hoặc có biểu hiện bất thường về sức khỏe… Sau đó, nhà trường cùng với cha mẹ học sinh phối hợp rà soát để hoàn thiện hồ sơ cá nhân và lập phương án kèm cặp thêm.

“Đây là việc làm hoàn toàn tự nguyện của giáo viên chứ không ép buộc, nhà trường cũng không áp công việc này vào thành tích thi đua nên giảm gánh nặng cho giáo viên.

Các thầy cô của trường hầu hết đều trẻ, nhiệt tình và yêu nghề đã làm rất tốt công việc này trong suốt thời gian qua”, thầy Phong nói.

Học sinh lớp 4,5 không viết nổi tên mình, học sinh lớp 7,8 đọc còn ê a, học sinh lớp 12 không thể giải nổi bài toán nhân chia đơn giản… Chuyện học là thế, chuyện hạnh kiểm thì sao? Nhiều học sinh vô lễ với thầy cô, bạo hành bạn, nghỉ học không phép cả thời gian dài, quậy phá lớp học… không phải là chuyện hiếm ở các trường học hiện nay.

Bệnh thành tích giáo dục khiến thầy không ra thầy, trò không ra trò

Có thể nói chính “bệnh thành tích” trong giáo dục là nguyên nhân dẫn đến “thầy không ra thầy, trò không ra trò”, thậm chí thầy phải đồng lõa với cái xấu trong nghề. Vì vậy, những câu chuyện xót xa mới xuất hiện như phụ huynh xin cho con ở lại lớp vì học kém cũng không được. Bởi lẽ, giáo viên bị ép duy trì sĩ số, phải đảm bảo tỷ lệ lên lớp và đỗ tốt nghiệp 100%.

Không những thế, giáo viên phải chịu áp lực từ phía phụ huynh, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh. Họ được phụ huynh ủy thác và chịu trách nhiệm chính trong việc dạy dỗ với quan điểm “trăm sự nhờ thầy cô”. Nhưng nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra với con em họ (bị đánh, phạt), giáo viên sẽ bị chỉ trích, lên án, thậm chí bị đánh hay“ném đá” dữ dội từ gia đình, xã hội. Không ít người bị kỷ luật hoặc thôi việc.

Do đó, hầu hết giáo viên phải cố kìm nén, không dám kỷ luật nghiêm khắc với một số học trò được coi như “ông trời con”.

Người dân lên án những người dán cái mác làm thầy, cô nhưng còn quá bản năng trong hành xử với học trò. Khi truy tìm căn nguyên, người ta đổ lỗi cho bệnh thành tích, một căn bệnh “mãn tính” khó chữa của giáo dục Việt Nam ở chốn học đường.

Bệnh thành tích đang làm giáo dục Việt Nam xuống cấp

Cô giáo cho học sinh tát vào mặt bạn vì lo sợ học sinh nói tục, lớp sẽ mất điểm thi đua. Hiệu trưởng nghi dâm ô các nam sinh, đến khi bi lộ ra, giáo viên trong trường và các nhà chức trách địa phương mãi mới lên tiếng cũng vì ngại ảnh hưởng đến bộ mặt giáo dục tỉnh nhà. Tuy nhiên, tại các trường học của Việt Nam, câu chuyện không chỉ nằm ở bệnh thành tích, còn một “bệnh” nữa cũng rất nghiêm trọng, đó là bệnh “sợ”.

Từ khi trường học khống chế bằng các chỉ tiêu để xếp loại trường, đánh giá giáo viên thì mọi chuyện đã đổi khác. Càng trường nào có danh hiệu trường chuẩn quốc gia, trường điểm…càng nhiều bệnh thành tích. Bởi các chỉ tiêu cũng vì thế cao hơn nhưng thực tế chất lượng học tập của học sinh vẫn thế.

Trò sợ thầy cô, điều đó còn có thể lý giải, nhưng ở các trường học, giáo viên sợ lãnh đạo lại là chuyện cần phải được bàn đến. Bởi nỗi sợ đó rất dễ tạo ngoại ứng xấu đến cách dạy, cách học, cách hành xử của cả thầy và trò trong môi trường giáo dục.

Tại các trường học, quyền lực của lãnh đạo rất lớn, nhất là với người đứng đầu. Họ hoàn toàn có thể chi phối đến từng vấn đề chuyên môn, vấn đề nhân sự từ ở cấp Khoa, Bộ môn (nếu là trường đại học, cao đẳng), các tổ chuyên môn (nếu là trường phổ thông). Nói cách khác, người đứng đầu các trường học ở Việt Nam được quyền tự quyết mọi việc.
Quyền ấy cộng với cái “uy” mà họ biết cách tạo lập đủ khiến nhân viên, cấp dưới phải e dè, phải “biết sợ”. Nỗi sợ khiến ngay cả những người mạnh mẽ, hiểu biết nhất cũng bị tê liệt ý chí, biết rõ sai phạm của hiệu trưởng vẫn im lặng và bất lực. Nỗi sợ triệt tiêu tinh thần, ý chí đấu tranh. Nỗi sợ khiến người ta không dám phản ứng ngay cả khi có những kẻ tranh thủ “cáo mượn oai hùm” thao túng, làm lệch các chuẩn giá trị trong giáo dục.

Không nghề nào không có áp lực. Nhưng có lẽ nghề giáo viên với những đặc thù là liên quan đến đào tạo con người nên được nhiều người quan tâm, góp ý. Người thầy, đứng trước phong ba bão táp như thế, trước hết là phải tự mình nỗ lực vượt qua.

Song hành cùng với họ, nhà trường phải tạo điều kiện cho người thầy phát huy hết nội lực của mình. Những quy định của ngành phải “cởi trói” cho người thầy với việc bỏ bớt những điều không phù hợp, cho họ những quyền nhất định khi đứng lớp chứ không chỉ có xử phạt, nghiêm cấm…

Giáo dục không chỉ là câu chuyện của riêng nhà trường mà cả xã hội trong đó mỗi gia đình cần có sự cảm thông, chia sẻ và quan trọng hơn là phối hợp cùng thầy cô rèn giũa học sinh để giúp các em ngày càng tiến bộ. Đừng chỉ “trăm sự nhờ thầy cô” sẽ khiến gánh nặng trên vai người thầy trở nên quá nặng đến mức thầy cô không thể… kham nổi.

Bên cạnh đó là những chính sách đãi ngộ, tiền lương tương xứng với công sức lao động bỏ ra và cơ hội thăng tiến… để những người thầy yên tâm bám trụ với nghề. Chỉ khi nào những hoạt động thi đua mang tính hình thức, không cần thiết được hạn chế thì giáo viên mới giảm áp lực và tạo động lực tốt hơn cho họ trong dạy học.

Hồng Đinh

Đọc nhiều