Chọn nơi nguy hiểm còn ai khác ngoài các anh!
Hiện nay, hàng triệu trái tim người Việt Nam đang mong chờ tin 13 cán bộ, chiến sĩ trong đó có Phó Tư lệnh Quân khu 4, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, bị mất liên lạc khi tiếp cận khu vực sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 để cứu hộ công nhân gặp nạn… Lúc này đây trời đang mưa như trút nước, bão số 7 đang tiến gần hơn vào đất liền nước ta điều đó có nghĩa, công tác cứu hộ sẽ là chặng đường vô cùng gian nan khó khăn, thách thức đang chờ đợi. Thế mới thấy, chọn nơi nguy hiểm nhất, khó khăn nhất không ai khác ngoài các anh – những chiến sĩ bộ đội dũng cảm.
12 giờ ngày 12/10, một cuộc gọi thông báo việc xảy ra sạt lở núi, lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, có thể một số công nhân đã gặp nạn, rất cần sự hỗ trợ khẩn cấp. Ngay lập tức, đoàn công tác gồm 21 người trong đó có lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng các đồng chí cán bộ Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu), Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh, UBND huyện Phong Điền, Ban CHQS huyện Phong Điền và một số cơ quan liên quan nhanh chóng cơ động vào khu vực thủy điện Rào Trăng 3 để kiểm tra, xác minh và có phương án cứu hộ-cứu nạn.
Đoàn xuất phát lúc 14 giờ ngày 12/10 từ Huyện ủy Phong Điền, đến 16 giờ cùng ngày thì đến ngầm tràn 71, ô tô không thể qua được. Vì vậy, đoàn để lại ô tô và đi bộ vào thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13km. Đến 21 giờ cùng ngày, đoàn đến Tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm Sông Bồ. Theo thông tin báo cáo về UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế lúc 22 giờ ngày 12/10, đoàn dừng nghỉ tại nhà kiểm lâm, có 4 gian gồm 3 gian nghỉ và 1 gian bếp.
Đến 0 giờ ngày 13/10 thì có tiếng động lớn, sạt núi vào tòa nhà đoàn đang nghỉ. Theo thông tin ban đầu, 8 người đã thoát được ra ngoài, trong số 13 người đang mất liên lạc có thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4. Một nhóm bốn nhân viên kiểm lâm của rừng phòng hộ Sông Bồ đã đến nhà kiểm lâm, cho biết đất đá trên sườn núi sụp xuống vùi lấp cả dãy nhà của trạm, không còn nhìn thấy một dấu vết gì của đoàn cứu hộ.
Thế mới thấy, chỉ một cuộc gọi kêu cứu từ người dân thôi, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng đồng đội và đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ngay lập tức sẵn sàng lao vào chốn hiểm nguy để tìm kiếm cứu hộ những người gặp nạn. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man trước khi được điều động về Bộ Tư lệnh Quân khu 4, là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, địa phương có nhiều thiên tai bão tố, lũ lụt. Lúc còn ở Quảng Bình, trong các mùa mưa bão, ông luôn là người xông xáo, đi đầu đưa bộ đội xuống giúp dân gồng gánh chạy lũ vùng nội địa dọc sông Gianh hoặc vùng trũng 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Nhiều người dọc sông Gianh từng nói rằng, trong thiên tai thấy lính của ông là coi như được cứu. Và giờ đây, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man một lần nữa lao vào nơi nguy hiểm nhất nằm giữa rừng sâu, lũ xiết để tìm kiếm cứu hộ những người gặp nạn.
Hiện, công tác cứu hộ cứu nạn 13 người đang mất liên lạc đang gặp nhiều khó khăn do trời mưa, đường đi có nhiều điểm bị sạt lở. Việc tiếp cận hiện trường chưa thể thực hiện, lực lượng chức năng đang cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 10km. Nạn chồng lên nạn, thiên tai hung dữ đã đe dọa đến tính mạng của nhiều người. Nhưng cũng chính thiên tai đã ngăn chặn hoạt động của các đoàn cứu nạn, đường đi bị chia cắt do nước lũ, khó tiếp cận được khu vực bị sạt lở vùi lấp công nhân cũng như đoàn cứu hộ.
Thế mới thấy ở những nơi xung yếu, tình huống khó khăn, nguy hiểm, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn có mặt, xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Hình ảnh đó đã tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ; thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt quân-dân. Thời chiến họ sẵn sàng ra trận, coi cái chết nhẹ như lông hồng để đánh đuổi thực dân, đế quốc và bè lũ bành trướng. Thời bình thì ngày đêm canh giữ biển trời của tổ quốc, cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả của thiên tai… Điều đó chỉ có ở Quân đội nhân dân anh hùng!
Cả nước đang mong có một phép màu với tất cả những người đang mất tích, những người lính trong đoàn cứu hộ cứu nạn và công nhân đang làm việc ở thủy điện Rào Trăng 3. Tất cả đang hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với những người chiến sĩ dũng cảm.
Qua sự việc này, chúng ta có thể thấy được trong mùa mưa bão, tai nạn, sự cố sạt lở không chỉ gia tăng về số vụ, quy mô mà còn phức tạp về tính chất, diễn biến khó lường. Trong khi phương tiện, thiết bị tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng còn mỏng. Tình hình khẩn cấp, phải nói là mạng người tính từng phút, không thể chậm trễ. Các loại phương tiện bình thường không thể vượt qua được những địa hình phức tạp và nguy hiểm. Nếu chỉ cứu hộ cứu nạn bằng những phương tiện thô sơ, thì không chỉ không hoàn thành nhiệm vụ, mà còn gây nguy hiểm, tổn thất thêm. Để cứu sự sống người gặp nạn, tinh thần trách nhiệm, sự tinh nhuệ, dũng cảm của các lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn là một yếu tố rất quan trọng, nhưng việc trang bị điều kiện, phương tiện cứu hộ tốt hơn để giữ an toàn cao nhất tính mạng con người – cho lực lượng cứu hộ lẫn người bị nạn – cũng cần được ưu tiên.
Giờ đây, những tiếng gọi của lực lượng cứu hộ ngay khi đặt chân đến nơi 13 chiến sĩ của ta mất tích. Không còn dấu vết căn nhà mà các anh đã nằm nghỉ lại, tất cả đã bị vùi lấp bởi đất đá. Cả 1 trạm kiểm lâm mà bây giờ chỉ còn là khoảng bùn đất mênh mông, mọi người gọi hỏi: “Có ai không…” hy vọng nhận được lời hồi đáp dù là nhỏ nhất. Nhưng không, chỉ có tiếng mưa, tiếng gió vọng về.
Chúng ta vẫn cầu nguyện và hy vọng vào sự may mắn hay phép màu nào đó cho những chiến sĩ của ta, những người đồng chí, đồng đội sẵn sàng xả thân vào nơi hiểm nguy nhất vì đồng bào.
Cả nước đang ngóng về công trình thủy điện Rào Trăng 3, nơi có nhiều người lâm nạn chưa biết sống chết ra sao, tất cả đều chờ đợi vào sự dũng cảm, tài trí của lực lượng cứu hộ. Gửi ngàn lời chúc bình an đến các anh và cả những người đang tiếp nối hành trình ấy.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả