Chọn người tài làm việc nước, Hàn Quốc phát triển bứt phá
Hàn Quốc có giai đoạn phát triển bứt phá thần tốc là do nhà nước tuyển chọn được người tài ra làm việc nước từ những người giỏi nhất ở các đại học danh tiếng nhất.
LTS: Những năm qua, Chính phủ kiến tạo đã tạo nên những chuyển biến rất mạnh mẽ trong điều hành và đạt được kết quả ấn tượng trên nhiều mặt, đặc biệt có được sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục.
Tuy vậy, những hạn chế về cán bộ, chính sách cán bộ và bộ máy hành chính khiến cho sự vận hành của Chính phủ kiến tạo chưa được trơn tru, thông suốt và do đó, “mặt trời tỏa nắng nhưng không đồng đều”.
Trên tinh thần tìm kiếm bài học cho Việt Nam, bài viết phân tích các chính sách nổi bật của Hàn Quốc trong phát triển đội ngũ công chức tài năng để vận hành hiệu quả bộ máy hành chính thúc đẩy Nhà nước phát triển tạo nên “Kỳ tích sông Hàn”.
Tác giả từ đó rút ra một số gợi mở cho Việt Nam trong việc thiết kế chính sách phát triển đội ngũ công chức tài năng làm nòng cốt để vận hành hiệu quả bộ máy hành chính thúc đẩy Chính phủ kiến tạo tạo nên “Kỳ tích sông Hồng”, hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2030, trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Hàn Quốc tạo nên “Kỳ tích sông Hàn” trở thành nước phát triển chỉ sau một thế hệ. Quá trình phát triển bứt phá thần tốc của Hàn Quốc khởi đầu khi chính quyền quân sự của cố Tổng thống Park lên cầm quyền từ cuộc đảo chính quân sự năm 1961. Với quyết tâm phát triển đất nước, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển, chính quyền của cố Tổng thống Park đã đặt mục tiêu ưu tiên lớn nhất cho phát triển kinh tế, theo đó, Nhà nước phát triển ra đời để hiện thực hóa mục tiêu đó.
Song, bộ máy chính quyền và đội ngũ công chức khi đó rất tồi tệ. Phần lớn quan chức cấp cao đều tham nhũng, trình độ học vấn thấp, chỉ có 2/3 cán bộ cấp trung trong Chính phủ tốt nghiệp phổ thông trung học và không được đào tạo lại, 80% cán bộ cấp cao được đề bạt do thâm niên công tác. Họ không có ý chí, thiếu tinh thần đổi mới. Mọi thứ đã có từ trước đều được coi là tập quán, thông lệ phải theo. Người dân mất niềm tin và xa rời bộ máy chính quyền.
Thanh lọc cán bộ tham nhũng
Nhằm làm trong sạch, tươi mới hình ảnh đội ngũ công chức, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, chính quyền của cố Tổng thống Park đã nhanh chóng thanh lọc cán bộ tham nhũng, cán bộ không đủ năng lực, thay thế họ bằng những nhân sự mới có tài thông qua cơ chế thi tuyển quốc gia nghiêm ngặt, cạnh tranh, công khai và cơ chế tuyển dụng đặc biệt, không qua thi tuyển.
Hàn Quốc thực hiện một loạt cơ chế, chính sách đột phá tạo động lực to lớn cả về vật chất và tinh thần, xây dựng môi trường làm việc thuận lợi để thu hút người tài vào bộ máy hành chính và động viên họ làm việc, cống hiến vì sự phát triển của đất nước.
Kết quả là Hàn Quốc nhanh chóng có được đội ngũ công chức tài năng, chuyên nghiệp để vận hành hiệu quả bộ máy hành chính thúc đẩy Nhà nước phát triển, tạo nên sự phát triển bứt phá thần tốc, giúp Hàn Quốc nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển. Học giả Evans (1995), chuyên gia nghiên cứu về Hàn Quốc, cho rằng Hàn Quốc có được sự phát triển bứt phá thần tốc là do nhà nước tuyển chọn được người tài ra làm việc nước từ những người giỏi nhất ở các đại học danh tiếng nhất.
Tuyển chọn nhân tài vào hệ thống công chức cấp cao
Khủng hoảng tài chính năm 1997 đã bộc lộ sự lạc hậu, sơ cứng của các phương thức cũ trong điều hành bộ máy nhà nước và do vậy, đòi hỏi những thay đổi cơ bản để vực lại nền kinh tế. Nền công vụ và hệ thống công chức được Chính phủ Hàn Quốc chú trọng cải cách nhằm gia tăng cạnh tranh, minh bạch và công khai trong tuyển chọn công chức, nhất là công chức cấp cao.
Năm 1999, hệ thống chức danh cạnh tranh mở (Open competitive position system) được ban hành để tuyển chọn nhân tài và chuyên gia từ cả khu vực tư nhân và khu vực công vào hệ thống công chức cấp cao. Các bộ phải dành 20% các chức danh từ bậc 4 trở lên là chức danh cạnh tranh mở, theo đó, có 142 chức danh trong 40 cơ quan chính phủ được chọn là chức danh cạnh tranh mở. Khi có chức danh trống thì tiêu chuẩn tuyển chọn chức danh đó phải được thông báo công khai trên báo chí. Bất cứ ai đáp ứng tiêu chuẩn đều có thể đăng ký và được tuyển chọn công bằng.
Ngày nay, Hàn Quốc có đội ngũ công chức tinh nhuệ và bộ máy hành chính với hệ thống thông tin hiện đại bậc nhất thế giới. Tại thời điểm 31/3/2018, nước này có 1.057.223 công chức, trong đó có 1.030.645 công chức hành pháp, chiếm tới 96,12%, 4.064 người thuộc ngành lập pháp, 19.357 thuộc ngành tư pháp, 306 người thuộc Tòa án Hiến pháp, 2.851 người thuộc ủy ban bầu cử quốc gia.
Trong số hơn 1 triệu người thuộc ngành hành pháp như trên, có 646.443 người thuộc cơ quan Trung ương (chiếm 63,4%), gồm công chức hành chính 99.918 người, giáo viên 335.375 người… Cảnh sát, giáo viên cũng là công chức. Tính cả các đối tượng này thì tỷ lệ công chức trên dân số là khoảng 1/50.
Bộ máy hành chính của Hàn Quốc có mạng lưới hạ tầng thông tin thuộc loại tốt nhất thế giới, với hệ thống điện tử xử lý công việc hành chính nội bộ kết nối các cơ quan hành chính, các dịch vụ công, kể cả dịch vụ hành chính được cung cấp thông qua mạng Internet và điện thoại di động, việc xử lý, giải quyết các vấn đề của người dân, doanh nghiệp được công khai trên mạng Internet…
TS Phạm Mạnh Hùng – Viện Kinh tế và Chính trị thế giới.