419
category
451359

Chọn Mỹ hay Trung Quốc, câu trả lời đã rõ ràng

23/11/2020 15:25

Ngày 20/11 vừa qua, phía Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đăng tải ý kiến của ông David R. Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương nói về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc có mối quan hệ thù địch và không tôn trọng chủ quyền với các nước láng giềng. Gần như ngay lập tức, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng “phản pháo” và cho rằng phía Mỹ công kích, quy chụp và không nhận định đúng vai trò của Trung Quốc đối với quốc tế.

Điều đáng nói ở đây, là hai bài “rap battle” này đều được viết bằng tiếng Việt, do sứ quán hai quốc gia đăng tải và người dùng Việt Nam đang lao vào cuộc hỗn chiến này, đa phần, người ta ủng hộ Mỹ và bài trừ Trung Quốc.

Mục đích của các bài đăng là gì? Là muốn “kẹp” Việt Nam vào giữa, bắt Việt Nam vào thế phải chọn lựa. Một là Mỹ nêu ra việc Trung Quốc áp đặt tư tưởng bá quyền với các quốc gia láng giềng – trong đó có Việt Nam. Hai, Mỹ và đồng minh đang chống Trung Quốc, Việt Nam có theo Mỹ không? Lý do, có vẻ như rất đúng và chính đáng.

Không ít lần, chính quyền Mỹ thẳng thừng chê bai chủ nghĩa xã hội, ví chủ nghĩa xã hội như những “bóng ma”, bao phủ và phá hủy các quốc gia, không tạo ra công lý, không nêu cao sự bình đẳng. Nếu nghe qua, ai cũng biết nhắm vào Trung Quốc, nhưng ngoài Trung Quốc, đó như là một “phát súng” tín hiệu đến các quốc gia khác theo chủ nghĩa cộng sản hoặc chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, trong đoạn phát biểu tại Liên Hợp Quốc, ông Trump còn lồng ghép các yếu tố như phá giá tiền tệ, kiểm soát thị trường, thao túng giá cả hàng hóa… Nghe như là đang phê phán cả Việt Nam, chứ không phải chỉ nhắm vào Trung Quốc.

Việt Nam và người anh em Lào là hai quốc gia theo chế độ xã hội chủ nghĩa có mối quan hệ được cho là “nhàn” trong mối quan hệ với Mỹ. Còn các quốc gia còn lại, như Triều Tiên, Trung Quốc, Cuba hay một số các nước Mỹ Latinh đều có thù địch, đối đầu, tranh chấp ít hay nhiều với Mỹ.

Là một quốc gia nhỏ bé, chịu sự ảnh hưởng của nhiều phe phái và cường quốc, Việt Nam phải thật khôn khéo, không ngả về ai. Với lịch sử hào hùng, người Việt dĩ nhiên sẽ không chọn ngả về phía Trung Quốc, nếu ngả về phía Trung Quốc, thì Mỹ cũng sẽ không để yên. Còn chọn Mỹ, thì gã hàng xóm ồn ào sẽ phản ứng như thế nào?

Nhiều người Việt Nam thực sự ngây thơ, là một quốc gia độc lập tự chủ không muốn, lại muốn trở thành một kẻ nô lệ, trở thành một bình phong chống Trung Quốc. Mỹ sẽ ở bên Việt Nam à? Dám chắc không? Đã bao nhiêu lần ảo tưởng, đã bao nhiều lần thất vọng, vậy mà cứ đứng núi này, trông núi nọ.

Máu thịt của người Việt, dòng máu Lạc Hồng, phải dành để phục vụ nước Việt và người Việt, phải để chống ngoại xâm, thân thể và mồ hôi của người Việt dùng để làm giàu, phát triển kinh tế, xây dựng Tổ Quốc. Chứ không phải là món quà để các cường quốc mặc cả.

Ngược về quá khứ xa hơn, năm 1974, Mỹ đã bỏ mặc cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa để đổi lại việc người Trung Quốc đứng về phía người Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô. Mỹ ra lệnh ngầm cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa không được tái chiếm Hoàng Sa. Trong khi lực lượng hải quân, không quân của Việt Nam Cộng Hòa, theo lời của chính họ, thời điểm đó đang là mạnh thứ tư thế giới. Hay mới đây thôi, chiến tranh thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nổ ra, cả hai đều mong Mỹ trở thành trung gian hòa giải nhưng Mỹ hành động như thể muốn nói: “Việc này không phải của Mỹ”. Mặt khác, Mỹ tuyên bố, tăng gấp 5 – 10 lần tiền phí để quân đội Mỹ đồn trú giữ gìn hòa bình tại hai quốc gia này, nếu không thì kiểu gì Triều Tiên cũng sẽ bắn tên lửa lượn qua bầu trời Nhật Bản.

Đài Loan cũng đã từng “thấm đòn” đồng minh giả tạo của Mỹ. Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Mỹ và Trung Quốc “ngoại giao bóng bàn” có qua có lại với nhau. Nghị quyết 2758, xác định Liên Hợp Quốc tuyên bố Trung Quốc là thành viên sáng lập Liên Hợp Quốc, bàn giao ghế Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo An cho phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), đại diện của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) rút lui khỏi Liên Hợp Quốc và đến nay vẫn không xin gia nhập lại. Thậm chí, phía Mỹ từng có nghị quyết riêng yêu cầu trục xuất các đại diện của phía Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) ra khỏi Liên Hợp Quốc mặc dù trước đó mối quan hệ giữa hai phía rất nồng nàn.

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, phía Trung Quốc, Nga, Cuba đều có ý định đưa quân chiến đấu trực tiếp tại chiến trường miền Nam Việt Nam, nhưng Việt Nam nói không, có thể tiếp nhận vật lực, hỗ trợ, nhưng Việt Nam khước từ lời đề nghị quân đội quốc gia khác tham gia trực tiếp chiến đấu tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Bài học về số phận của bán đảo Triều Tiên để cho phía Trung Quốc và Mỹ quyết định luôn rất đắt giá.

Thứ hòa bình được ban phát thì cũng có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào.

Mỹ đã từng thất bại tại Việt Nam vì người Mỹ không hiểu người Việt Nam và không biết đến lịch sử Việt Nam. Đến giờ, thất bại tại Việt Nam vẫn là thất bại cay đắng nhất trong lịch sử của quốc gia siêu cường này. Trung Quốc từng là một miếng bánh ngọt được chia bởi các cường quốc và giờ đây, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một miếng bánh như vậy – nếu chúng ta không khôn khéo.

Và nếu Việt Nam chọn một phe để theo, phe phương Tây hay phương Đông, phe Mỹ hay phe Trung Quốc thì chắc chắn phe còn lại sẽ không để chúng ta được yên phận. Bài học Ukraine khi rũ bỏ Nga, ngả về phương Tây rồi hậu quả mà quốc gia này phải chịu là kinh tế ngày càng yếu kém, quyền tự quyết không có, phương Tây không chấp nhận để Ukraine gia nhập EU, bán đảo Krym thì bị Nga thu hồi.

Việt Nam đã đánh nhau với Trung Quốc cả ngàn năm nay, Việt Nam rất hiểu Trung Quốc và Trung Quốc cũng rất hiểu Việt Nam. Bực mình thằng hàng xóm thì có thể bán đất để chuyển nhà, nhưng làm sao mà bốc cả đất nước Việt Nam di chuyển đi chỗ khác được? Gần như mọi thế hệ tương lai của chúng ta đều phải sống cạnh Trung Quốc, vì thế, phải khéo.

Mới cách đây mấy chục năm thôi, Mỹ cũng đã gây ra bao thương đau cho người Việt. Nhưng giờ đây, Mỹ – Việt đang trải qua những năm tháng khá là nồng ấm, nhưng dù thế nào, thì không được quên quá khứ, phải gác lại để hướng đến tương lai,

Tuy mềm nhưng vẫn cứng, nghèo chứ không hèn. Bản thân là một nước nhỏ bé, lại đang phát triển, lực còn yếu thì phải nhịn, chứ không thể nói đánh là đánh, giờ nếu mà đòi đánh Trung Quốc, đến cả Mỹ hay Nga còn chưa dám nói phần thắng trước Trung Quốc nữa là. Mấy anh xăm trổ hay ba que thì nói cái gì cũng hay, chiến tranh có phải đơn giản như việc oai cóc tía trên Youtube đâu?

Người nào muốn Việt Nam theo Mỹ thì cứ nhìn bài học của Philippines hay Ukraine đấy. Người anh em hàng xóm Philippines, theo Mỹ, tự tin rằng Mỹ sẽ giúp giữ đảo, tuyên bố rõ ràng là sẽ gọi cho Mỹ nếu bị Trung Quốc xâm phạm. Nhưng rồi, ngoài những lời ca ngợi “Chính phủ dũng cảm”, thì đảo không giữ được, tiếng nói cũng vô vọng. Năm nào, Mỹ cũng lượn lờ ở Biển Đông bằng lý lẽ tự do hàng hải, tự do thương mại và để thực thi quyền và lợi ích quốc tế. Thậm chí, Mỹ còn dàn xếp hẳn một chiến dịch liên quan là FONOPs (Freedom Of Navigation Operations). Động thái của Mỹ không khác gì việc nhắc nhở mấy nước nhỏ nhỏ rằng: Ở Biển Đông, ngoài Trung Quốc ra còn có Mỹ đấy, liệu mà chọn phe.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói đại ý rằng, người Việt không sợ hãi trước người Mỹ hay người Pháp và người Việt sẵn sàng chào đón người Pháp thông qua ngoại giao bình đẳng. Bác cũng thẳng thắn nói rằng, việc Việt Nam nhận sự trợ giúp của anh em các nước XHCN nhưng không gây ra xung đột ý thức hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc. Và khi được hỏi, liệu Bắc Việt có trở thành một vệ tinh của Trung Quốc không? Câu trả lời là: Không.

Tương tự, liệu Việt Nam có chấp nhận gia nhập một liên minh chống Trung Quốc không? Câu trả lời cũng là: Không.

Tifosi

Đọc nhiều