3
category
546668

Chọn bất cứ bên nào cũng khiến Việt Nam trở thành “con rối” trên bàn cờ chính trị

Hải Anh 28/08/2021 20:10

Chuyến công du của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến Việt Nam đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây là một trong những minh chứng cho thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang có những bước tiến hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên, một số đối tượng dân chủ lại lợi dụng vấn đề này để đưa ra yêu sách đòi Việt Nam phải “nghiêng về bên này”, “ngả về bên kia” trong các mối quan hệ song phương. Đây là điều không thể chấp nhận.

Tại buổi làm việc với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bà Kamala Harris đã đề cập việc nâng cấp quan hệ Việt – Hoa Kỳ từ đối tác toàn diện hiện nay lên đối tác chiến lược. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy mối quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng tốt đẹp, dựa trên sự hợp tác hai bên cùng có lợi và tôn trọng sự khác biệt về thể chế chính trị của nhau. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và sẵn sàng là đối tác tin cậy, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển khu vực cũng như trên thế giới.

Trái ngược với sự thành công ngoại giao như trên, một số đối tượng cơ hội chính trị, phản động, chống đối đã rêu rao nhiều thông tin, luận điệu sai trái nhằm mục đích phá hoại mối quan hệ giữa hai quốc gia. Những kẻ này tung ra luận điệu cho rằng, Việt Nam phải chọn “nghiêng về bên này”, “ngả về bên kia” trong mối quan hệ với các nước trên thế giới; phải “nghiêng” về phía Hoa Kỳ và “bài trừ” Trung Quốc. Song song với đó, các đối tượng “dân chủ” cũng ra sức xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam, rêu rao rằng Việt Nam đang “đi dây” trong quan hệ với các nước lớn, cho rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam là không phù hợp, đòi Việt Nam phải “dựa vào một cường quốc”…

Cần phải khẳng định rõ, Việt Nam đang thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, trên cơ sở tôn trọng những khác biệt về chính trị, bảo đảm lợi ích của nhau. Mục đích của Việt Nam là bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Việc thiết lập, xây dựng các mối quan hệ giữa trên việc xác định rõ đối tượng và đối tác. Cụ thể, “những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác”, “bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”. Đồng thời, chúng ta cũng xác định: “trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”. Như Henry Temple Palmerston, một chính khách Anh đã nói: Giữa các nước không có đồng minh vĩnh viễn và không có kẻ thù truyền kiếp, chỉ có quyền lợi dân tộc là lâu dài mà thôi. Do đó, luận điệu cho rằng Việt Nam phải “chọn bên” trong quan hệ ngoại giao, “dựa vào một cường quốc để bảo vệ đất nước” là điều không thể chấp nhận.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh việc song phương hoá, đa phương hoá các mối quan hệ quốc tế. Tuỳ từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử nhất định, những nội dung, hình thức và mức độ hợp tác có sự khác nhau với mỗi quốc gia. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam là phải bảo đảm tính độc lập, tự chủ, không phụ thuộc vào bất cứ nước lớn hay nhóm nước nào. Và rõ ràng, chỉ có việc giữ vững thế trung lập, không “nghiêng bên này”, “ngả bên kia” mới giúp Việt Nam đứng vững và duy trì mối quan hệ hợp tác với các quốc gia trong bối cảnh quan hệ quốc tế đang có những xoay vần nhanh chóng như hiện nay.

Liên quan đến quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ, hiện nay chúng ta vừa tăng cường quan hệ với Trung Quốc, vừa làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Hoa Kỳ trên cơ sở mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước này ngày càng trở nên tốt đẹp, thực chất và hiệu quả hơn. Việc tăng cường, đẩy mạnh mối quan hệ song phương với Hoa Kỳ và Trung Quốc là đúng đắn, phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Nếu chúng ta “nghiêng” về bất cứ quốc gia nào trong hai quốc gia trên cũng sẽ khiến Việt Nam lâm vào tình cảnh bất lợi, có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Và hơn hết, khi “chọn bên”, quyết định “nghiêng” về một phía cũng đồng nghĩa với việc chúng ta trở thành phụ thuộc, mất độc lập, tự chủ, thậm chí là trở thành “con rối” trên bàn cờ chính trị và có thể bị “hi sinh” bất cứ khi nào.

Hải Anh 

Tags :
Đọc nhiều