419
category
433244

Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp: Nên hay không nên?

Hải Anh 24/09/2020 17:29

Quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong trường THCS, THPT mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành để phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên đang gây ra nhiều làn sóng gây tranh cãi trong dư luận. Trong khi một số người đồng tình thì một số phụ huynh lại phản đối gay gắt.

Có thể thấy quyết định mới đây của Bộ GD&ĐT đã có một sự thay đổi lớn khi so với Thông tư 12 năm 2011, cấm học sinh dùng điện thoại di động, máy nghe nhạc trong giờ học dưới mọi hình thức. Tuy nhiên quyết định này đang vướng phải nhiều tranh cãi trong dư luận.

Chúng ta đang ở thời đại công nghiệp 4.0, khoa học công nghệ phát triển nhanh với nhiều tiện tích trên các trang mạng tìm kiếm thông tin, rất có lợi cho việc tra cứu và học tập của học sinh, sinh viên, thực tế học sinh, sinh viên đã sử dụng laptop, máy tính bảng từ lâu. Việc Bộ GD&ĐT quyết định đưa ra quy định này là do bối cảnh xã hội đang có những chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học. Khi đã dạy học qua Internet thì phải có phương tiện cho học sinh truy cập vào các nguồn học liệu như máy tính, điện thoại di động và các công cụ khác…

Nhờ những tính năng vô cùng tiện lợi của điện thoại làm cho kỹ năng sử dụng các dịch vụ của các em cũng trở nên chuyên nghiệp hơn. Phải nói thế hệ của các em là nền tảng tốt cho việc đẩy nhanh cuộc cánh mạng số mà chúng ta đang tiến hành. Tuy nhiên, nếu biết và sử dụng đúng mục đích thì sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội trên nhiều lĩnh vực nhưng nếu nhận thức chưa đầy đủ, hành động sai thì lợi bất cập hại.

Trong quyết định mới đây của Bộ GD&ĐT xét theo cách nghĩ từ 2 phía là Bộ GD và phụ huynh học sinh thì đều có phần hợp lý. Tuy nhiên, thiết nghĩ cách nghĩ của Bộ GD cái hại nhiều hơn là cái lợi. Thứ nhất nếu là phục vụ công việc học tập thì phải đồng bộ mà phải là điện thoại thông minh và phải có kết nối mạng nhưng thử hỏi trong lớp có phải ai cũng có điều kiện kinh tế để đáp ứng việc này. Điều này sẽ gây nảy sinh một vấn đề đó là nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ phải tốn thêm một khoản chi phí mua điện thoại thông minh để “bằng bạn bằng bè”. Nếu mua cho con, bố mẹ tốn khoản phí không nhỏ, đặc biệt là những gia đình vùng ngoại thành, đồng thời khó quản lý khi các em ở trường hoặc tự học buổi tối.

Nếu biết và sử dụng đúng mục đích thì sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội trên nhiều lĩnh vực nhưng nếu nhận thức chưa đầy đủ, hành động sai thì lợi bất cập hại.

Thứ hai, đối với những học sinh thực sự có tính tự giác và trách nhiệm trong học tập thì việc cho phép này là quá tốt nhưng hiện nay số học sinh như vậy không nhiều, nhất là những học sinh ở lứa tuổi trung học cơ sở, chúng còn quá nhỏ để nhận thức được cái lợi và cái hại của điện thoại thông minh. Nhìn những hình ảnh trên, chúng ta không khỏi lo lắng về cái gọi là “phục vụ mục đích học tập, rồi sẽ thế nào khi mà các cháu phụ thuộc vào google. Điều cần thiết ở học sinh là chúng ta phải tập cho chúng thói quen tư duy độc lập, không bị lệ thuộc, đặc biệt là lệ thuộc vào máy tính hay điện thoại.

Thứ ba, chúng ta hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của người giáo viên trong một lớp học 30-40 học sinh. Nhiều người lý luận là giáo viên cho phép mới được sử dụng, thế nhưng chỉ một giáo viên làm sao có thể quản lý lớp học có 40-50 em? Cấp THPT có khó quản lý nhưng dễ hơn nhiều so với sự hiếu động của học sinh THCS, tiểu học. Khi Giáo viên có đủ trăm tai nghìn mắt để kiểm soát chúng. Ngay cả khi để mắt, thầy cô cũng không biết được hết các em làm gì, liệu có dùng điện thoại để tra kiến thức hay làm việc riêng, chứ đừng nói khi đang tập trung giảng và sửa bài. Nhiều em vẫn có thể dùng trộm điện thoại để trong ngăn bàn.

Về vấn đề này ở các nước trên thế giới, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia cũng có những quy định khác, thậm chí trái chiều nhau. Chúng ta đều hiểu điện thoại thông minh có nhiều tính năng ưu việt, phục vụ tốt cho học tập. Thế nhưng, nếu giáo viên thiếu phương pháp quản lý hiệu quả, việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học sẽ lợi bất cập hại. Vậy nên, cần có những quy định sử dụng điện thoại thông minh với những lứa tuổi phù hợp. Nên dạy cho học sinh cách sử dụng điện thoại trong giờ học trước khi được dùng. Nếu không, việc này sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng như xem tài liệu giờ kiểm tra, chia sẻ các thông tin không chính thống, phim, ảnh… Chúng ta không cấm nhưng phải dạy ý thức cho các em.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều