Chính sách tuyệt vời của Thủ tướng dành tặng cho các nữ cầu thủ sau khi giải nghệ
Tin giành được giải vô địch Sea Games năm 2019 của đội tuyển nữ bóng đá Việt Nam làm người dân thật sự xúc động và cảm kích. Họ đúng là những chiến binh dũng cảm, chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Họ đã đối đầu với đội tuyển Thái Lan từng tham gia giải World Cup, giành chiến thắng và mang vinh quang về cho đất nước. Họ là những ngôi sao đẹp, toả sáng. Những lời ngợi khen, ca tụng và cơn mưa tiền thưởng hoàn toàn xứng đáng với những cô gái quả cảm.
Thương quá khi thấy những cầu thủ bị chấn thương mà vẫn nỗ lực đến phút chót. Đọc báo thấy họ phải sống trong điều kiện vật chất nghèo nàn trong mùa thi đấu mà đau lòng. Họ lao động, hy sinh, đánh đổi cả tuổi thanh xuân cho vinh quang tổ quốc. Thế nhưng, phía sau ánh hào quang, chiến tích ấy là biết mấy đắng cay. Mới đây chia sẻ với cánh báo chí, HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ, ông Mai Đức Chung đã tiết lộ mức lương thấp đến kinh ngạc của các cô gái quần đùi áo số chỉ rơi vào khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Với mức lương này tính ra chỉ đủ ăn sáng, chi tiêu lặt vặt thôi chứ sao có thể giúp đỡ được gia đình!
Có lẽ ít ai biết được rằng, các cô gái hàng ngày phải mưu sinh bằng những nghề khác nhau bởi bóng đá chưa đủ khả năng nuôi sống họ và gia đình. Trụ cột của tuyển nữ Việt Nam một thời Nguyễn Thị Liễu phải ngồi bán rau lề đường; trung vệ Quách Thanh Mai phụ gia đình sửa xe; thủ môn Nguyễn Thị Kim Hồng hay hậu vệ Nguyễn Hải Hòa phải đẩy xe bán bánh mì dạo; rồi có người dịp Tết bán hoa, phụ làm nhiều công việc khác nhau để có thêm tiền xài Tết … Chẳng ai nhận ra những người hùng mang vinh quang về cho bóng đá nước nhà cả.
Đối lập với bóng đá nam, bóng đá nữ không nhận được sự quan tâm, ưu ái nhiều từ người hâm mộ và các nhà tài trợ. Người dân có thể bỏ ra mấy triệu, thậm chí 10-20 triệu đồng từ chợ đen để sở hữu tấm vé xem các cầu thủ nam đá, nhưng với các trận đấu của bóng đá nữ được mở cửa tự do thì chẳng có bóng dáng nào! Sự thiệt thòi của các nữ cầu thủ kéo dài từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác!
Vậy nên, hành động kịp thời biểu dương và quyết định thưởng cho mỗi nữ cầu thủ một chiếc xe máy loại tốt từ huy động xã hội hóa cho những cô gái vàng; hay khởi xướng các thành viên Chính phủ đóng góp ủng hộ thêm cho đội tuyển nữ thi đấu; kêu gọi các doanh nghiệp, nhà tài trợ ủng hộ thưởng cho các cô gái. Hay như trong bức công văn mời những “chiến binh sao vàng” dùng bữa cơm thân mật, không hề phân chia nam/nữ, chỉ gọi chung một đội… của người đứng đầu Chính phủ đã nhận được sự đồng tình từ phía dư luận. Chính những hành động quan tâm, ghi nhận của Thủ tướng như nhắc nhở cho nhiều cơ quan, nhà tài trợ và người dân thấy rằng các cô gái xứng đáng hơn với sự đầu tư, đãi ngộ, bình đẳng như các cầu thủ nam.
Mặc dù, sau chức vô địch Sea Games 30, tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã liên tiếp nhận được cơn mưa tiền thưởng từ các doanh nghiệp và nhà tài trợ. Thế nhưng đây cũng chỉ giải pháp giúp các cô gái vượt qua khó khăn, nhọc nhằn tạm thời mà thôi. Đời cầu thủ ngắn, sau này giải nghệ, giã từ sân cỏ, được theo nghiệp HLV thì quá tốt rồi nhưng nếu không được thì sao đây? Khi những đam mê lại nặng gánh với mưu sinh, những lo toan của cuộc sống. Có người thất nghiệp, có người lại quay về với thúng rau, xe bánh mì, cửa hàng sửa xe, hay về quê làm ruộng!
Rất mừng là tại buổi gặp mặt đội tuyển bóng đá Việt Nam, Thủ tướng đã thông báo tin vui rằng “Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam sẽ tiếp nhận tất cả các vận động viên nữ sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đội bóng đá, có việc làm ổn định không để tình trạng tham gia bóng đá nữ xong không có việc làm”. Sau lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ, giờ đây các cô gái đã được hỗ trợ nhiệt tình, tạo điều kiện, có một công việc ổn định cuộc sống, không phải vật lộn, “trầy vi trốc vẩy” tìm kiếm việc làm nữa.
Từ hành động của Thủ tướng cũng nên nghĩ về hành động của chúng ta. Đã đến lúc người hâm mô cần làm gì thiết thực hơn, đến khán đài cổ vũ, quan tâm, ủng hộ các cô gái nhiều hơn. Bởi các nữ chiến binh sao vàng xứng đáng nhận được điều đó.
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam bắt đầu tham dự các giải đấu khu vực kể từ SEA Games 19 ở Indonesia năm 1997. Từ đó đến nay, đội đã 5 lần vô địch SEA Games vào các năm 2001, 2003, 2005, 2011 và 2017, 3 lần vô địch Giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á (2006, 2012 và 2019). Trên đấu trường khu vực, thành tích tốt nhất của đội là lọt vào Bán kết Asian Games 2014.
Thế Khoa