Chính sách tiền tệ của FED sẽ diễn biến như thế nào trong năm 2023?

Huy Hoàng 08/02/2023 20:46

Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%, đánh dấu một mức tăng nhỏ hơn so với các đợt tăng 0,75% trong năm ngoái. Liệu đây có được coi là tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống lạm phát?


Chủ tịch FED Jerome Powell tổ chức họp báo sau khi quyết định tăng lãi suất để đối phó lạm phát ngày 1/2.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch FED ông Jerome Powell đã cho biết rằng: “Quá giảm lạm phát đã thực sự bắt đầu. Chúng ta có thể cảm nhận điều đó và chúng ta thực sự nhìn thấy điều đó trong giá cả hàng hóa”. Tuy nhiên ông Powell cũng khẳng định nước Mỹ vẫn chưa chiến thắng hoàn toàn trong việc dập tắt lạm phát, cũng như thông báo sẽ không có ý định cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Song, có thể nói, người dân Mỹ giờ đây đã có thể phần nào nhẹ nhõm khi cơn ác mộng của họ đang dần tan biến – lạm phát sau khi leo lên mốc cao nhất 40 năm đã giảm xuống 6,5% trong tháng qua. Cơ sở này cho thấy chính sách thắt chặt của FED đã có hiệu quả trong việc kéo giảm lạm phát. Do đó, càng là bằng chứng để chúng ta tin rằng, FED sẽ sớm ngừng lại việc tăng lãi suất trong năm 2023 và chuyển sang giữ mức lãi suất cao đủ lâu để lạm phát tự trở lại mức ổn định quanh 2%.

Tuy nhiên, cũng vì vậy mà câu hỏi thị trường đặt ra giờ đây là FED sẽ giữ mức lãi suất cao như vậy trong bao lâu. Vì càng giữ lâu sẽ càng có tác động tiêu cực lên sức tăng trưởng các nền kinh tế. Đây là mối lo ngại lớn không kém vì lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn còn dai dẳng và khó đoán. Điển hình như vào tối thứ sáu theo giờ Việt Nam, Bộ Lao động Mỹ khi công bố số liệu mới đã cho thấy các nhà tuyển dụng nước này tạo thêm 517.000 việc làm trong tháng trước và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,4% – mức thấp nhất kể từ năm 1969. Thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 4,4% trong tháng 1 so với 1 năm trước đó, thấp hơn so với mức được điều chỉnh 4,8% trong tháng 12. Những số liệu này cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ, sức mua vẫn được đảm bảo, báo hiệu lạm phát vẫn có thể tăng trở lại.

Do đó, điều khó đoán định nhất trong năm 2023 là FED sẽ giữ mức lãi suất cao trong bao lâu sau khi ngừng tăng lãi suất. Hiện nay mức lãi suất liên bang đã leo lên trên 4%, dự kiến sẽ chạm mốc 5% trong năm nay. Môi trường lãi suất cao đã và đang tác động rất lớn đến sức mua của người tiêu dùng toàn cầu. Người dân khó vay và ngại đi vay, thị trường nhiều nước bị thu hẹp và ảnh hưởng lên những nước xuất khẩu là thế mạnh như Việt Nam.

Đặc biệt không chỉ kiềm hãm sức tăng trưởng mà diễn biến trên còn gây khó khăn đến nhiều tổ chức doanh nghiệp có mức dư nợ cao. Môi trường lãi suất cao sẽ khiến cho các doanh nghiệp khó vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất, song song đó là phải chịu áp lực lớn từ các khoản vay trước đây. Nhiều công ty, tập đoàn vừa qua đã buộc phải cắt giảm nhân sự quy mô rộng, cũng như thanh lý bớt tài sản để hoàn tất các khoản nợ, qua đó tạo gánh nặng lên an sinh xã hội trong nước. Có thể nói mặc dù cuộc chiến chống lạm phát ở Mỹ, nhưng nó đã trở thành thử thách đối với toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.

Việt Nam cần phản ứng ra sao trước chuyển biến mới này?

Ngân hàng Việt Nam nỗ lực hết sức để kìm hãm lãi suất

Trước tình hình mức lãi suất cao được neo trong một thời gian dài và lạm phát dai dẳng. Kinh tế Việt Nam cần nhất vẫn là sự linh hoạt trong chính sách tiền tệ và tài khóa.

Hiện nay, đáng mừng là áp lực tỷ giá vẫn sẽ tiếp tục giảm, do dư địa tăng lãi suất của FED đã không còn nhiều thê nên đồng USD cũng không còn tăng mạnh như năm 2022. Đây là lúc Ngân hàng Nhà nước cần tăng mua ngoại tệ, bổ sung dữ trự ngoại hối đã bơm ròng trong năm qua. Bên cạnh đó cần tăng tốc xử lý nợ xấu, đặc biệt đối với ngành bất động sản để thu hồi dòng vốn tín dụng đang bị ứ đọng và chuyển hướng sang cho doanh nghiệp vay sản xuất kinh doanh, cho vay tiêu dùng để giữ ổn định kinh tế trong nước. Ngoài ra, cần thúc đẩy dòng vốn FDI giải ngân, đẩy nhanh đầu tư công, khai phá những thị trường xuất khẩu mới để tạo thêm động lực cho kinh tế năm 2023 tiếp tục tăng trưởng.

Tại những cuộc họp với các ban ngành vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo kịp thời với tình hình. Như kêu gọi ngành ngân hàng trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua. Làm được điều này sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo… Hay như sáng 3/2, Thủ tướng cũng tham gia chủ trì hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng, mở rộng thị trường xuất khẩu tại Bộ Công thương.

Nhìn chung bức tranh năm 2023 sẽ không mấy lạc quan nhưng cũng không còn quá tiêu cực như năm vừa qua. Thế nên tiếp tục nỗ lực, dựa trên những thành tựu đã có, tin rằng kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng và ổn định trong tình hình mới.

Huy Hoàng

Đọc nhiều