Chính sách tài khóa năm 2023: Những điểm cần lưu ý

Diệu Hương 30/01/2023 05:47

Trước những khó khăn, thách thức được dự báo trong năm 2023, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục “vượt sóng”, chuyên gia cho rằng, chính sách tài khóa vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng…

Chính sách tài khóa vẫn là

Năm 2023, Chính phủ đã đề ra kế hoạch về những mục tiêu cho kinh tế – xã hội với hơn 10 chỉ tiêu. Trong đó có 3 mục tiêu quan trọng nhất mà các nhà đầu tư cần quan tâm đó là tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá.

Thứ nhất về tăng trưởng kinh tế, Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 8,02%, là mức khá cao trong gần 20 năm qua, con số này tiệm cận về mức của năm 2004-2006 (ghi nhận mặt bằng chung khoảng 8,4% tăng trưởng). Nhưng sau đó chúng ta lại bước vào một giai đoạn kinh tế không đạt đến đầu 7% và chỉ quay trở lại trong năm 2022. Bước sang năm 2023, dự báo kinh tế thế giới suy thoái khiến xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và huy động nguồn lực bên ngoài của Việt Nam khó khăn hơn và chậm lại. Do vậy, động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% chỉ có thể là đầu tư công. Dự kiến đến năm 2023 kế hoạch đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đối kỉ lục so với năm 2022 và có thể nền kinh tế sẽ được hấp thụ khoảng 200 – 3.00.000 tỷ đồng từ đầu tư công, là vốn mồi được bơm trực tiếp có thể làm cung tiền tăng lên tới 500 – 600.000 tỷ đồng. Ngay cả khi dự báo tỷ lệ đầu tư công chỉ đạt khoảng 70 – 80% thì con số thực hiện cũng tăng gần gấp rưỡi so với con số thực hiện của năm 2022. Nghĩa là với những hành động mà chúng ta đang thấy từ thực hiện của năm 2022, cộng với kế hoạch đề ra và những chính sách đưa ra ngay đầu năm, thì năm 2023 sẽ là năm đặc biệt của giải ngân đầu tư công từ kế hoạch cho đến thực thi. Do đó, chúng ta hoàn toàn có sự kỳ vọng vào đầu tư công, đây cũng là chìa khóa chính để đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra.

Thứ hai về vấn đề lạm phát, những năm trước đây, Quốc hội thường đặt mục tiêu lạm phát ở mức 4% hoặc dưới 4%. Tuy nhiên, năm 2023, Quốc hội đặt lạm phát mục tiêu ở mức 4,5%. Nhìn lại năm 2022, chu kỳ tăng giá của năm 2022 chia làm hai đợt gồm đợt thứ nhất là vào tháng 2-3 đến từ áp lực giá xăng dầu và giá nhà ở, còn đặt thứ hai là tháng 7-8 đến từ giáo dục và nhà ở. Thì đến năm 2023 áp lực lạm phát sẽ đến từ giá thực phẩm do người Việt càng ngày càng có xu hướng ăn ở bên ngoài nhiều và bán hàng thì cần mặt bằng, trong khi mặt bằng cho thuê nhà trong năm 2022 đã tăng rất cao nhưng chưa kịp thẩm thấu vàogiá thực phẩm. Chính vì vậy từ năm 2023 chi phí này sẽ được phản ánh rõ nét hơn.

Thứ ba, áp lực lãi suất, tỷ giá tăng vẫn còn lớn và đang là thách thức đối với điều hành kinh tế vĩ mô; thu ngân sách cũng sẽ khó khăn do doanh nghiệp còn gặp khó… Những chính sách, giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và bất động sản ít nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường và nhà đầu tư.

Nhìn tất cả các yếu tố về tăng trưởng kinh tế, lạm phát và ổn định tỷ giá sẽ thấy, tất cả đều ngược so với năm 2022, do vậy chính sách cũng sẽ đảo ngược. Đầu tiên là chính sách tiền tệ mở rộng ở mức vừa phải, nên không thể kỳ vọng việc bơm tiền ào ạt như giai đoạn năm 2018-2020, nhưng có thể kỳ vọng là chính sách không thắt chặt nữa. Còn về tài khóa, chính sách thuế sẽ thu hẹp nhẹ. Đặc thù của chính sách tài khóa là vẫn có thể bơm tiền được, ví dụ như đầu tư công, nếu giải ngân được thì sẽ trực tiếp bơm tiền ra nền kinh tế, làm cho nền kinh tế vận hành nhiều hơn mà thuế không làm được điều đó. Giống như hành động hiện nay, thuế VAT không còn giữ ở mức 8% và thuế xăng dầu cũng đã tăng lên.

Tổng thể nhìn lại, năm 2023 sẽ là một chính sách mở rộng cả về tiền tệ và tài khóa, từ đó cung tiền sẽ được hưởng lợi nhiều. Do vậy, nhà đầu tư cần bám sát diễn biến của thị tường tài chính để chủ động đưa ra giải pháp cho cả trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng nên tái cấu trúc mạnh mẽ, đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm chi phí, tăng tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, quản lý rủi ro tốt hơn. Những chính sách, giải pháp này vừa là liều thuốc điều trị vừa giúp tăng năng lực tự cường, sức đề kháng của nền kinh tế và doanh nghiệp để năm 2023 sẽ khả quan hơn.

Diệu Hương

Đọc nhiều