2
category
396586

Chính sách “mở” của Chính phủ đón “đại bàng” đến Việt Nam làm tổ

Thái Thanh 27/05/2020 19:27

Hậu Covid-19, kinh tế của toàn cầu trong những ngày qua đã có những bước chuyển dịch mạnh mẽ, đặc biệt là khi Tổng thống Trump tuyên bố dịch chuyển các doanh nghiệp Mỹ ra khỏi Trung Quốc. Từ sự chủ động của Việt Nam trong việc tạo ra môi trường an ninh, chính trị ổn định, bước đầu, nhiều doanh nghiệp từ Mỹ đã đến Việt Nam tìm hiểu, có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Có nhiều tín hiệu cho thấy Việt Nam là nơi “hạ cánh” của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, hứa hẹn làn sóng mới sẽ đến Việt Nam. Để đón đầu nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đến Việt Nam “làm tổ”, những ngày qua, Việt Nam đã có những sự chuẩn bị, nhiều chiến lược được đưa ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha.

Tạp chí The Politico (Mỹ) vừa đánh giá, Việt Nam đứng đầu thế giới về hiệu quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng trong chống dịch Covid-19. Điều này phần nào cho thấy về nội lực, sự phát triển kinh tế và sự ổn định của đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Chúng ta chống dịch Covid-19 bước đầu thành công nhưng phải lo phát triển đất nước thì mới đạt thắng lợi kép. Nếu như Việt Nam không đầu tư phát triển, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thì không bao giờ thành công”. Cũng có câu, nếu bạn không chuẩn bị trước mọi việc, có nghĩa là đã chuẩn bị cho sự thất bại. Để tranh thủ luồng đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam sau dịch Covid-19, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng, thì người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra các chiến lược cần thực hiện, trên tinh thần tiến công, chủ động, đón đầu.

Vị thế và tiềm năng Việt Nam phát triển kinh tế, đón các nhà đầu tư nước ngoài là vô tận. Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier cũng đã nhìn nhận: “Việt Nam hiện đang có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội đầu tư kinh doanh mới và đẩy mạnh phát triển kinh tế ổn định. Các DN Hàn Quốc sẽ cùng DN Việt Nam tạo mối liên kết mạnh mẽ để xây dựng chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh Covid-19, đồng thời cam kết đồng hành, cùng Việt Nam hồi phục nền kinh tế, phát triển trong tương lai”. Từ đây có thể thấy, Việt Nam không thiếu tiềm lực, uy tín để phát triển, hợp tác kinh tế với các nước bạn. Có chăng chỉ là, cần làm tốt hơn các chính sách thiết yếu, để rút ngắn thời gian thúc đẩy hình thành các cơ sở hợp tác giữa hai quốc gia.

Để đạt được chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, chuẩn bị sẵn mặt bằng tốt đẹp để thu hút giới đầu tư, trong chiến lược này, Thủ tướng thành lập hẳn một Tổ công tác đặc biệt, giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho Bộ này chính là phải phối hợp cùng lãnh đạo một số cơ quan, địa phương giải quyết nhanh các thủ tục, nhu cầu mà nhà đầu tư đưa ra, đáp ứng đúng điều họ cần để triển khai thành công các hợp đồng hợp tác kinh tế, mang lại lợi ích cho cả 2 phía.

Lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác về công nghiệp và thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN

Từ sự chỉ đạo của Thủ tướng: “Các nước đang cạnh tranh quyết liệt, Việt Nam phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh”. Điều đó có nghĩa, chỉ cần đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia hợp tác, Việt Nam sẽ linh động thực hiện các ưu đãi, chính sách không chỉ đến từ thuế, thủ tục pháp lý, mà còn đến từ sự chân thành của các cán bộ Việt Nam trong công tác đẩy mạnh cho hợp tác, xúc tiến đầu tư.

Giống như con tàu cần có ngọn hải đăng, chỉ cần chính sách đúng và đủ sẽ đưa vị thế, sự phát triển kinh tế của Việt Nam vươn xa. Với chủ trương, chiến lược “mở cửa”, tạo mọi điều kiện như chính sách hiện nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang theo đuổi, các ban ngành liên quan trực thuộc Chính phủ đang đẩy mạnh xúc tiến, đó chính là những điểm cộng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam, cho thời kỳ hội nhập quốc tế ở tầm cao mới. Sự hội nhập này không chỉ đến từ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mà còn đến từ “tấm vé” Việt Nam gia nhập vào các nhóm, diễn đàn quan trọng của các cường quốc – điển hình là “tứ giác an ninh”, hôm nay đã nâng tầm thành 7 nước, trong đó có sự hiện diện của Việt Nam.

Thái Thanh

Đọc nhiều