Chính sách đối ngoại của ông Joe Biden khác ông Donald Trump thế nào?

12/11/2020 06:37

 Ông Joe Biden chủ trương sẽ đưa Mỹ quay lại với chủ nghĩa đa phương, tăng cường hợp tác với đồng minh, đối tác.

Hãng tin AP cho biết trong ngày 10-11, ứng viên tổng thống Mỹ bên đảng Dân chủ Joe Biden – người được truyền thông xác định chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3-11 – nhận một loạt cuộc điện thoại chúc mừng chiến thắng từ nguyên thủ các nước đồng minh của Mỹ. Trong số này có nhiều nguyên thủ châu Âu như Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Chia sẻ thêm trên trang Twitter cá nhân sau đó, ông Biden khẳng định đã nhân cơ hội này để đưa ra lời cam kết rằng nước Mỹ quay lại chính trường quốc tế với vai trò chủ động hơn.

Chính sách đối ngoại của ông Biden khác ông Trump thế nào? - ảnh 1
Chính sách đối ngoại của ông Biden (trái) sẽ rất khác của ông Trump (phải). Ảnh: CLIMATE-XCHANGE

Có thể thấy hầu hết đồng minh và đối tác đều kỳ vọng một sự thay đổi lớn về đường lối đối ngoại của Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Biden. Các đồng minh đang trông chờ Mỹ trở về truyền thống là siêu cường lãnh đạo thế giới.

Họ đã nói

Thành công trong chính sách đối ngoại không chỉ là giành được sự tin tưởng của đồng minh hay sự nể phục của đối thủ, mà còn phải xây dựng được niềm tin quốc tế vào mục đích chung và giá trị mà nước Mỹ đại diện. Tất cả điều này giờ đặt lên vai ông Biden.

GS OWEN JONES, ĐH Chicago (Mỹ) 

Điểm nhấn đa phương

Theo tạp chí Foreign Policy, chắc chắn một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Biden ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1 năm sau là từng bước khôi phục mối quan hệ giữa Mỹ và cộng đồng quốc tế nói chung. Đối với đồng minh và đối tác, chính sách của ông nhiều khả năng sẽ thân thiện hơn, chú trọng hợp tác cùng giải quyết những vấn đề chung mà ông Trump từng ít chú trọng như biến đổi khí hậu, môi trường hay việc thúc đẩy các giá trị tự do, dân chủ kiểu phương Tây.

Bên cạnh đó, ông cũng sẽ cần phải nối lại hoạt động các kênh tham vấn, liên lạc với đồng minh để có thể lập tức tạo ra phản ứng tập thể nhanh chóng trong kịch bản có mối đe dọa an ninh xuất hiện, cả truyền thống lẫn phi truyền thống. Một trong những điểm mà chính quyền ông Trump bị chỉ trích kịch liệt và có thể là một trong nhiều nguyên nhân khiến ông thất cử là trong suốt giai đoạn bùng phát COVID-19, ông không thể hiện được vai trò là tổng thống của một siêu cường khi để các nước đồng minh châu Á, châu Âu tự thân chống dịch mà không tổ chức bất kỳ động thái đối thoại, liên lạc chung nào nhằm hỗ trợ. Dĩ nhiên, Washington của ông Trump vẫn cho gửi viện trợ đến một số quốc gia nhất định bị dịch tác động nặng nhưng con số này vẫn rất hạn chế nếu so với các đời tổng thống trước khi đối mặt với sự xuất hiện của một đợt dịch cấp khu vực.

Ưu tiên tiếp theo của ông Biden sẽ là đưa Mỹ tái gia nhập các thiết chế và thỏa thuận mà ông Trump đã đơn phương rút khỏi trong nhiệm kỳ qua, quay về theo đuổi chủ nghĩa đa phương. Dư luận các nước hiện đang rất phấn khởi trước tuyên bố sẽ lập tức đàm phán ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của ông Biden vào tuần trước. Ông Biden cũng đã bày tỏ sẵn sàng quay lại kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran nếu Tehran tiến hành các bước đi tuân thủ cam kết đã ký với nhóm P5+1.

Nhìn chung, chính sách đối ngoại của Mỹ thời kỳ mới sẽ tăng cường tính đa phương. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng đồng nghĩa chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ trở nên dễ đoán và truyền thống hơn – liệu đây sẽ là một bất lợi hay lợi thế cho chính quyền ông Biden sẽ còn phải chờ phản ứng và những điều chính trong chính sách đối ngoại của các đồng minh, đối tác.

Nhiều khó khăn chờ đón ông Biden

Dù đến nay kế hoạch thay đổi chính sách đối ngoại của ông Biden đã tương đối rõ ràng, việc trực tiếp triển khai những nội dung này vào năm sau có thể sẽ vấp phải một số trở ngại nhất định. Đầu tiên, lòng tin của cộng đồng quốc tế vào sự lãnh đạo của Mỹ đã suy giảm đáng kể dưới thời Tổng thống Trump, tạo ra một khoảng trống nguy hiểm mà những đối thủ như Nga hay Trung Quốc (TQ) đang tận dụng để khỏa lấp. Nếu không nhanh chóng tìm lại được niềm tin này thì ông Biden khó có thể hiện thực hóa những thay đổi ấp ủ của mình vì sẽ không nước nào chịu hợp tác để làm việc đó, trong khi chính sách đối ngoại, nhất là đối với một nước có sức ảnh hưởng như Mỹ, cần phải nhận được sự thích ứng và đồng thuận từ bên ngoài để thi hành.

Vào thời điểm tổng thống tân cử nhậm chức tháng 1-2021, nước Mỹ cũng đã đi một quãng khá xa trên con đường hướng tới sự cô lập. Ông Biden sẽ phải điều chỉnh lại khoảng cách và tốc độ mà ông cần lùi lại để tập hợp các đồng minh ủng hộ mình, nhằm đưa thế giới đi theo con đường mà ông mong muốn.

Một vấn đề quan trọng không kém mà ông Trump trước đây dành gần như toàn bộ thời gian tại nhiệm để giải quyết là sự trỗi dậy nhanh chóng của TQ. Mặc cho lúc tranh cử cả ông Trump và ông Biden đều cố gắng thể hiện quyết tâm trong việc đối phó với thách thức từ TQ, song cả hai ứng viên lại có các quan điểm khác nhau về cách thức thực hiện tốt nhất. Trong khi ông Trump đã thành công leo thang cuộc cạnh tranh quyền lực với TQ thành điểm cơ bản của chính sách an ninh và đối ngoại Mỹ, ông Biden lại bị nhiều ý kiến lo ngại là sẽ không cứng rắn được như người tiền nhiệm. Do vậy, ông sẽ phải cố gắng rất nhiều trong nỗ lực tiếp quản kết quả kiềm chế Bắc Kinh của ông Trump.

Ông Biden sẽ tiếp cận châu Á – Thái Bình Dương như thế nào?

Tạp chí The Diplomat nhận định dù là dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, hay trước đó là Tổng thống Barack Obama và hiện là ông Joe Biden thì châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực địa chiến lược của Mỹ. Do đó, việc tiếp tục tăng cường can thiệp và hợp tác với khu vực này chắc chắn vẫn sẽ là trọng tâm của Mỹ trong thời kỳ mới.

Trong chuyến thăm Úc hồi năm 2016, ông Biden từng khẳng định nước Mỹ sẽ không rời bỏ châu Á – Thái Bình Dương và nhấn mạnh Washington sẽ phối hợp cùng các đồng minh đảm bảo vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực. Những điều này cũng được ông nhắc đi nhắc lại trong suốt chiến dịch tranh cử và trong cương lĩnh của đảng Dân chủ.

Dù vậy, các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương vẫn cần phải kiên nhẫn chờ thêm một thời gian để biết ai sẽ ngồi vào các vị trí quan trọng như ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền của ông Biden. Về vấn đề Biển Đông, theo tờ The Nikkei, các nước Đông Nam Á vẫn sẽ có thể trông chờ vào sự hiện diện thường xuyên của Mỹ ở thực địa, song căng thẳng Mỹ – Trung có thể sẽ giảm xuống và duy trì ở mức dễ kiểm soát hơn.

VĨ CƯỜNG/PL

Đọc nhiều