Chính phủ quyết tâm kiểm soát CPI mức dưới 4% là khả thi

05/07/2019 07:15

Theo chuyên gia, việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát 2019 cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có các diễn biến quá bất thường, dự báo CPI bình quân năm 2019 ở mức khoảng từ 3,3% – 3,9%.

Theo chuyên gia, việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát 2019 cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có các diễn biến quá bất thường, dự báo CPI bình quân năm 2019 ở mức khoảng từ 3,3% – 3,9%.

Phát biểu tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2019”, PGS.TS Nguyễn Vũ Việt, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng; kinh tế – xã hội trong nước có những thuận lợi từ kết quả phát triển tích cực trong năm 2018 nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng; sự tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực…

Trước bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong ổn định kinh tế đất nước. Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Báo cáo gửi đến hội thảo, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát 2019 cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có các diễn biến quá bất thường, dự báo CPI bình quân năm 2019 ở mức khoảng từ 3,3% – 3,9%.

PGS. TS Nguyễn Bá Minh – Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính nhận định, trong 6 tháng cuối năm, thị trường giá cả có những nhân tố làm tăng CPI như: giá các mặt hàng thực phẩm tiếp tục tăng, đặc biệt là thịt lợn có khả năng tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; giá nhiều nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại sau một năm có xu hướng giảm.

Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính dự báo, giá các mặt hàng thực phẩm tiếp tục tăng, nhiều khả năng nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng giá học phí, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình; đặc biệt từ 1/7/2019, mức lương cơ sở tăng lên mức 1,49 triệu đồng… sẽ là những yếu tố gây áp lực làm tăng CPI cuối năm.

Tuy nhiên, ông cho hay, cũng có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI như: dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng giảm tốc làm cho giá nguyên nhiên vật liệu khó phục hồi như kỳ vọng; tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn; việc tích cực triển khai các biện pháp bình ổn giá của cả hệ thống chính trị, kiên định điều hành chính sách tiền tệ ổn định… Do đó, Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính dự báo, CPI trong năm 2019 tăng ở mức từ 3,0% – 3,5%.

Đồng quan điểm với các chuyên gia trên, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho biết, các yếu tố tác động đến CPI, ngoài yếu tố thị trường, còn yếu tố điều hành của Chính phủ.

Do đó, với tinh thần chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, tính toán điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ công y tế, giáo dục theo tín hiệu của thị trường, minh bạch và cung cấp thông tin kịp thời cho xã hội thì việc kiểm soát lạm phát năm 2019 ở mức từ 3,6 – 3,9% là điều khả thi.

Theo ông Long, Chính phủ theo dõi sát sao những diễn biến thị trường, giá cả trong nước và quốc tế; Ban điều hành giá cũng theo dõi để kịp thời đưa ra các kịch bản về lạm phát nhằm tham mưu cho Chính phủ trong điều hành giá cả nhằm kiểm soát lạm phát.

“Ngay từ đầu năm và hàng tháng đều có kịch bản và rà soát lại sau mỗi tháng, cập nhật các biến động để tham mưu điều chỉnh chính sách kịp thời. Chính phủ quyết tâm kiểm soát CPI ở mức dưới 4% là có khả thi, có thể thực hiện được, nhưng cũng không thể chủ quan….”, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.

(Theo Infonet)

Đọc nhiều