Mỹ sẽ thử hạt nhân đầu tiên sau nhiều thập niên?
Bước đi thử hạt nhân của Mỹ có thể hữu ích trong đàm phán một thỏa thuận ba bên nhằm kiểm soát kho vũ khí của ba nước Mỹ – Nga – Trung Quốc.
Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc khả năng thực hiện một vụ thử hạt nhân, báo Washington Post ngày 22-5 dẫn một số nguồn tin quan chức chính phủ Mỹ cho biết.
Theo các nguồn tin quan chức đề nghị không nêu tên, việc bàn bạc này diễn ra trong một cuộc họp ngày 15-5 giữa các quan chức cấp cao từ nhiều cơ quan an ninh quốc gia. Cuộc họp diễn ra sau các cáo buộc rằng Nga và Trung Quốc thử hạt nhân cấp độ thấp dưới lòng đất, vi phạm tiêu chuẩn “zero yield” (thử hạt nhân không xuất hiện phản ứng nổ dây chuyền). Mỹ không có chứng cứ chắc chắn về các cáo buộc này. Phần mình, Trung Quốc và Nga bác bỏ.
Đã bắt đầu bàn từ năm 2017
Một nguồn tin của Washington Post cho biết cuộc họp không đi tới kết luận về khả năng thực hiện một vụ thử hạt nhân. Một nguồn tin khác thì lại nói cuối cùng hội nghị vừa rồi đã có quyết định có các biện pháp khác trong đối phó với “các đe dọa từ Nga và Trung Quốc”, và tránh khôi phục thử hạt nhân.
Theo một nhà báo từ tạp chí Time, phía Mỹ đã bắt đầu có những bước đi đầu tiên tiến tới khôi phục thử hạt nhân từ năm 2017. Thời điểm đó, một quan chức Cơ quan An ninh hạt nhân Quốc gia Mỹ có nói với nhà báo này rằng chuyện thử hạt nhân có thể sẽ được thực hiện vì “mục đích chính trị”.
Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là vụ thử hạt nhân đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1992, và động thái này sẽ đảo ngược một lệnh cấm thử hạt nhân kéo dài nhiều thập kỷ qua. Thử hạt nhân bị cấm thể theo Hiệp ước cấm thử hạt nhân một phần (PTBT) do Liên bang Xô Viết, Mỹ và Nga ký năm 1963. Sau đó, 123 nước đã lần lượt tham gia hiệp ước. Năm 1974, Liên bang Xô Viết và Mỹ ký một thỏa thuận thêm cắt giảm các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất.
Muốn kéo Trung Quốc vào hiệp ước New START
Thông tin Mỹ tính thử hạt nhân đến trong bối cảnh Mỹ đang muốn đưa Trung Quốc vào hiệp ước kiểm soát vũ khí mới (New START) với Nga và mình. Hiệp ước New START sẽ hết hạn vào tháng 2-2021.
Nga đã nhiều lần lên tiếng mời Mỹ tham gia bàn việc gia hạn mà không cần thêm điều kiện, nhưng Mỹ hiện vẫn khăng khăng phải đưa cả Trung Quốc vào hiệp ước.
Ngày 22-5, đặc phái viên Mỹ về kiểm soát vũ khí – ông Marshall Billingslea cho biết Mỹ sẽ theo đuổi thành lập một thể chế kiểm soát vũ khí mới bao gồm cả Nga và Trung Quốc. Theo ông, đây là “cách tốt nhất để tránh một cuộc chạy đua vũ trang ba bên khó lường”.
Cũng trong ngày 22-5, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien có phát ngôn rằng Mỹ có thể sẽ không gia hạn hiệp ước New START.
Phần mình, Nga vẫn nói sẵn sàng thương lượng và con đường tiến tới thỏa thuận là “mở” nếu Mỹ muốn.
Về phía Trung Quốc, nước này tới thời điểm này vẫn từ chối tham gia một thỏa thuận ba bên với Mỹ và Nga. Trung Quốc nói chuyện tuân thủ các nghĩa vụ và giảm lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới là tùy vào Nga và Mỹ.
Một trong số các nguồn tin chính phủ Mỹ cho rằng bước đi thử hạt nhân của Mỹ có thể hữu ích trong đàm phán một thỏa thuận ba bên nhằm kiểm soát kho vũ khí của ba nước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại bước đi này có thể phát đi tín hiệu tiêu cực đến các nước như Triều Tiên, và tác động không tốt đến việc tuân thủ ngưng thử hạt nhân.
“Nó sẽ là một lời mời các quốc gia hạt nhân khác làm theo. Nó sẽ là một phát súng khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang chưa có tiền lệ. Cuộc đàm phán với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người có thể không còn cảm thấy phải tuân thủ việc hoãn thử hạt nhân, cũng sẽ bị ngưng” – chuyên gia Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, nói với Washington Post.
Theo giới chuyên gia, Mỹ đang theo đuổi chiến lược phát triển đầu đạn hạt nhân “hiệu suất thấp” (tức có lượng phóng xạ hạn chế) để tiến hành tấn công quy mô nhỏ, gây ra ít thiệt hại hơn nhằm tránh nguy cơ bùng phát chiến tranh hạt nhân toàn cầu.
Hoài Nam (t.h)