Mạnh tay với thị trường tài chính sẽ giúp đất nước tránh được tác động từ FED như thế nào?

Huy Hoàng 20/04/2022 16:18

Mạnh tay với các đại gia thao túng thị trường, yêu cầu hàng loạt các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, hoàn thiện khung khổ pháp lý để có chế tài xử lý mạnh mẽ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. yêu cầu các ngân hàng thương mại siết tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro đầu tư như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… Việc giám sát và xử lý các hành vi vi phạm từ Chính phủ vào thị trường tài chính sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tránh được tác động xấu từ việc tăng lãi suất của FED như thế nào?

Rủi ro từ FED?

Chúng ta đều biết, rủi ro lớn nhất khi FED tăng lãi suất chính là làm chênh lệch tỷ giá với những nước đang phát triển như Việt Nam. Ở Việt Nam, đồng nội tệ đã có tỷ giá rất thấp so với đồng USD. Nếu tỷ giá VNĐ-USD lại tiếp tục bị chênh lệch vượt ra ngoài mức quy định, thì hậu quả các doanh nghiệp sẽ phải chi nhiều tiền hơn để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Giá cả nguyên liệu mà tăng, thì hàng hóa trong nước cũng sẽ bắt đầu nhảy múa, lạm phát sẽ theo đó mà leo thang.

Nhưng tác động thì không chỉ có mỗi FED, mà cuộc xung đột Nga-Ukraine, Covid-19 cùng các lệnh Zero Covid ở Trung Quốc đều đang đẩy giá cả hàng hóa nhập khẩu lên mức rất cao. Như nguồn cung dầu khí, phân bón, dầu cọ, lúa mì, … những nguyên liệu sản xuất cơ bản đều đang trở nên đắt đỏ. Chưa kể, FED vẫn còn nhiều đợt nâng lãi suất từ đây cho đến năm sau.

Các nước đã làm gì?

Vừa qua, Hàn Quốc và Singapore đã bắt đầu mạnh tay để thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ so với đồng USD. Nhưng ở Việt Nam, việc này là không nên, bởi việc siết tín dụng sẽ gây tình trạng trì trệ cho nền kinh tế, trong bối cảnh đà tăng trưởng đang tăng trở lại và xã hội cần nhiều tiền hơn để vận hành. Giải pháp thắt chặt nguồn cung tiền tệ không phù hợp với nền kinh tế Việt Nam lúc này. Chính sách đó dù bảo vệ được tỷ giá nhưng sẽ hãm phanh đà tăng trưởng của cả nước.

Giải pháp dùng dự trữ ngoại hối

Để bình ổn chiều nhập khẩu, dự trữ ngoại hối sẽ được dùng để trợ giá. Như trợ giá phân bón để ổn định thị trường ngũ cốc, trợ giá nguyên liệu chăn nuôi để bình ổn thị trường thịt, trứng, sữa.

Mặc dù hiện nay, FED đã tăng lãi suất thêm 0.25% vào tháng 3, nhưng các chuyên gia ở Việt Nam cho rằng vẫn chưa đến lúc phải lo ngại vì dự trữ ngoại hối Việt Nam vẫn ở đang mức rất cao, đó là một tấm đệm an toàn bảo vệ tỷ giá VNĐ so với đồng USD. Sẽ không có một cuộc khủng hoảng tiền tệ nào xảy ra ở Việt Nam. Bởi lượng dự trữ ngoại hối hiện có sẽ đảm bảo khả năng thanh toán của quốc gia trong những trường hợp xấu nhất.

Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối cũng có giới hạn. Nó được cấu thành bởi các thành phần như xuất khẩu, kiều hối, dòng vốn FDI đổ vào thị trường Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu là đóng góp quan trọng nhất, đem về nguồn thu ngoại tệ chính yếu cho quốc gia. Nhưng để xuất khẩu mạnh mẽ, thì các lĩnh vực sản xuất trong nước phải phát triển mạnh mẽ. Phải tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa thì mới tăng thu được ngoại tệ, bảo vệ an toàn cho nền kinh tế trước tác động của FED và những bất ổn khác.

Và vì lẽ đó nên chính phủ mới giám sát và xử lý các hành vi vi phạm mạnh mẽ để ổn định thị trường tài chính như vừa qua. Không thể có một nền sản xuất hiệu quả nếu dòng tiền trong xã hội bị các đại gia thao túng và thâu tóm hết về một nơi. Và tương tự, không thể để dòng tiền chảy hết về các lĩnh vực không thuộc sản xuất như bất động sản.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu có Đại Gia Trịnh Văn Quyết, trái phiếu có Chủ Tịch Tân Hoàng Minh. Mạnh tay với hành vi thao túng thị trường, chính là cách để dòng tiền được lưu thông, tạo ra của cải vật chất, chứ không bị ứ đọng trong tay một số người.

Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước đã ra kế hoạch yêu cầu ngân hàng thương mại siết vốn đối với lĩnh vực bất động sản, tập trung cho doanh nghiệp vay sản xuất. Mới đây, Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết Sacombank sẽ hạn chế cho vay bất động sản để tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, … Và ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cũng cho biết ngân hàng sẽ ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chỉ đáp ứng nhu cầu thật về nhà ở như mua nhà, xây, sửa nhà của người dân một cách bình thường.

Nghiêm trị thao túng thị trường; ngăn dòng tiền đổ vào các lĩnh vực không tạo ra của cải vật chất cho xã hội; yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, theo dõi sát sao thị trường; đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; … Những hành động quyết liệt của chính phủ sẽ tạo nền móng bền vững cho nền kinh tế hơn 90 triệu dân.

Huy Hoàng

Đọc nhiều