Chính phủ đẩy mạnh phát triển đối với 20 triệu dân Đồng bằng Sông Cửu Long
Cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm kiểm điểm xem đã làm đến đâu, sẽ làm gì tiếp để người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hơn 3 năm trước, ngày 17/11/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP. Nghị quyết đề ra tầm nhìn tới năm 2100, mục tiêu tới năm 2050, các quan điểm chỉ đạo, chủ trương và định hướng chiến lược phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các giải pháp tổng thể và các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới.
Với 20 triệu người dân ĐBSCL, Nghị quyết này được coi như cam kết của Chính phủ với tương lai của vùng châu thổ trước những cơ hội và thách thức mới. Đây cũng không phải là sản phẩm ngày một, ngày hai, mà là kết quả của một quá trình nghiên cứu, “thai nghén” rất lâu dài.
Từ ngày thống nhất đất nước, trong hơn 40 năm qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội khu vực ĐBSCL. Có thể kể tới Chương trình phát triển Đồng Tháp Mười 1985-1995, Chương trình phát triển Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu, Chương trình phát triển bán đảo Cà Mau 1990-2000, các Chương trình, dự án ngọt hóa ở vùng ven biển Gò Công, Nam Măng Thít, Quản Lộ – Phụng Hiệp, Bắc Bến Tre… và nhất là Kế hoạch 5 năm 1996-2000 phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL theo Quyết định 99/TTg ngày 09/02/1996… Các chương trình, giải pháp được triển khai đã giúp vùng ĐBSCL từng bước hình thành hệ thống hạ tầng tương đối đồng bộ, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân trong vùng.
Nhưng trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mới hình thành, mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Bên cạnh những thách thức cũng xuất hiện các cơ hội phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường ở vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế này.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với VPCP, UBND TP.Cần Thơ, Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ tổ chức Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu vào tháng 9 năm 2017 nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học, người dân, các cơ quan quản lý và đối tác phát triển, làm cơ sở tổng hợp xây dựng chính sách mới chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu để trình Chính phủ xem xét, thông qua.
Từ chuyến bay đặc biệt của Thủ tướng
Tuy vậy, không nhiều người biết rằng, việc chuẩn bị cho Hội nghị này đã được Người đứng đầu Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt từ rất lâu trước đó. Thủ tướng Chính phủ đã trao đổi với Chính phủ Hà Lan lựa chọn vùng ĐBSCL để xây dựng một hình mẫu chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, con người và văn hóa trên cơ sở kết hợp khoa học công nghệ cao với kế thừa tri thức bản địa, biến thách thức thành cơ hội. Thủ tướng Chính phủ hai nước cũng đã ký bản Ý định thư về hợp tác thúc đẩy và triển khai các dự án chuyển đổi quy mô lớn nhằm mục tiêu phát triển bền vững cho vùng đồng bằng quan trọng này.
Tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm Hà Lan và một trong những mục tiêu lớn của chuyến thăm này là tìm hiểu kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác với Hà Lan trong biến đổi khí hậu. Điểm “đặc biệt nổi bật” trong chuyến thăm, theo Bộ Ngoại giao, là việc Thủ tướng đã đi thị sát, bằng trực thăng, tuyến đê biển và các công trình trị thủy nổi tiếng thế giới của Hà Lan cũng như việc quy hoạch đồng bằng của Hà Lan trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng,
Đây là bước chiến lược tiếp theo trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Hà Lan nhằm thực hiện các Thỏa thuận đối tác chiến lược giữa hai Chính phủ về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước năm 2010 và về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực năm 2014.
Ngay sau chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Hội nghị là nơi hiệu triệu các ý tưởng lớn giúp Chính phủ Việt Nam và các địa phương ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến 2100, chủ động trước những xu thế, diễn biến, biến đổi không thể đảo ngược về điều kiện tự nhiên.
Thủ tướng Chính phủ đặt ra những yêu cầu rất cụ thể, đòi hỏi tính thực chất, khả thi đối với Hội nghị.
Hội nghị phải đưa ra được quyết sách mới, có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp.
Phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động, có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ổn định, phát triển.
Đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ và quản lý trên cơ sở các nghiên cứu thực tiễn, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy vai trò của các chuyên gia, các nhà khoa học có kinh nghiệm trong nước và quốc tế thẩm định, thẩm tra, phát biểu phản biện về những giải pháp, trình bày tại Hội nghị.
Mục tiêu thứ tư là thu hút được tối đa các nguồn lực (vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn tín dụng, nguồn vốn tư nhân…) nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
Kiểm điểm xem đã làm đến đâu, sẽ làm đến đâu và phải làm gì
Từ ngày 26 đến 27/9/2017, Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL đã diễn ra trọng thể tại TP.Cần Thơ. Ngày 26/9/2017, có 3 Hội nghị chuyên đề được tổ chức gồm: Hội nghị tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL do Bộ TN&MT chủ trì; Hội nghị về nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở do Bộ NN&PTNT chủ trì; Hội nghị về quy hoạch tổng thể, phát triển hạ tầng, điều phối vùng và nguồn lực phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL do Bộ KH&ĐT chủ trì.
Thành công lớn của Hội nghị là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL. Các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, của các tập đoàn doanh nghiệp và của cả những người dân tâm huyết với ĐBSCL đều được trân trọng, rà soát hết sức kỹ lưỡng, tổng hợp đầy đủ vào dự thảo Nghị quyết. Theo những người tham gia xây dựng dự thảo Nghị quyết, với khối lượng ý kiến đóng góp đồ sộ tiếp tục gửi đến sau khi Hội nghị đã kết thúc, công tác tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ được thực hiện rất nghiêm túc.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ về phát triển ĐBSCL: Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế.
Đáp ứng lại sự quan tâm của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu trước đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác quốc tế, các doanh nghiệp rằng “ít nhất 2 năm một lần Chính phủ sẽ mở diễn đàn ĐBSCL có quy mô lớn để bàn và thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển ĐBSCL, chứ không phải chúng ta đưa ra một số chủ trương, không kiểm tra, không giải quyết, không bố trí nguồn lực, không chỉ đạo thực hiện, không có cán bộ làm việc thì như người ta nói “nước đổ lá khoai”, chảy tuồn tuột hết. Hằng năm phải kiểm điểm vấn đề chúng ta đã nói hiện nay xem đã làm đến đâu, sẽ làm đến đâu và phải làm gì để phát triển ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”.
Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành đã tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển ĐBSCL. Ngày 13/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tại Quyết định số 417/QĐ-TTg. Sau Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ (ngày 18/6/2019), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/9/2019 nhằm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.
Nghị quyết số 120/NQ-CP đã được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với sự hưởng ứng của người dân, kết quả thực hiện Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nhìn lại hơn 3 năm triển khai, Hội nghị sắp tới sẽ là lần thứ 3 thảo luận đánh giá những việc đã làm được, đặc biệt những kết quả nổi bật, những hạn chế, khó khăn, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.
Theo dự kiến, Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng cùng Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đại diện một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trình bày báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.
Tầm nhìn, mục tiêu của Nghị quyết 120/NQ-CP
a) Tầm nhìn đến năm 2100
Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
b) Mục tiêu đến năm 2050
– Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 80%, độ che phủ rừng đạt hơn 9% (so với 4,3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển.
– Mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều. Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái, đồng thời phải có biện pháp hiệu quả phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho dân sinh và nền kinh tế khi có thiên tai xảy ra. Hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước được xây dựng đồng bộ. Hệ thống các cơ sở văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục, thể thao ở mức cao so với cả nước; kinh tế phát triển năng động và hiệu quả với cơ cấu kinh tế phù hợp.
Hà Chính