‘Chính phủ chỉ cấm chặt đào rừng tự nhiên’

26/12/2020 20:41

Thủ tướng yêu cầu cấm chặt đào rừng tự nhiên mang về thành phố chơi Tết, chứ không cấm mua bán đào do người dân miền núi hoặc miền xuôi trồng.

Ngày 26/12, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giải thích như trên về chỉ đạo của Thủ tướng cấm chặt đào rừng chơi Tết.

Ông nói chỉ đạo của Thủ tướng nhằm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên mang về thành phố chơi Tết. “Còn người dân miền núi hay miền xuôi trồng được đào để bán dịp Tết thì cần khuyến khích, vì vừa để người dân có cây đẹp chơi Tết, vừa góp phần tăng thu nhập cho người trồng”, ông Dũng nói và cho rằng việc nghiêm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên không khó, chỉ cần các địa phương, bộ ngành vào cuộc nghiêm túc sẽ có hiệu quả.

Ông Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP
Ông Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP

 

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng đánh giá thực hiện “không khó”. Theo ông Tuấn, các văn bản pháp luật đã quy định chặt chẽ việc chặt phá cây rừng nói chung, trong đó có đào rừng và các loại cây khác. “Khó như cấm đốt pháo còn thực hiện được hiệu quả thì việc cấm chặt phá đào rừng cổ thụ không khó”.

“Luật đã có nhưng lâu nay, việc quản lý chặt phá đào rừng, cây rừng chơi Tết còn chưa đúng mức. Vì vậy, các đơn vị cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng để chấm dứt tình trạng chặt phá đào rừng mang về thành phố chơi Tết, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan”, ông Tuấn nói.

Chỉ đạo của Thủ tướng là một bước hướng tới việc trồng mới một tỷ cây xanh, tăng cường bảo vệ rừng, trong đó có cấm chặt phá, vận chuyển, kinh doanh đào rừng tự nhiên. Ông cũng đề nghị các địa phương phải có giải pháp ngăn chặn việc này từ sớm, trước Tết, đợi đến khi đào rừng đã được mang về thành phố mới xử phạt thì không có hiệu quả.

Trước thông tin Thủ tướng lệnh cấm chặt đào, buôn bán đào rừng, anh Nguyễn Văn Kiên (quận Ngô Quyền), người buôn đào rừng, đào vùng cao có thâm niên chục năm, thừa nhận việc buôn bán đào rừng chơi Tết trong những năm qua đã làm biến mất nhiều vạt đào rừng, đặc biệt những cây đào cổ thụ ở Tây Bắc.

Việc tàn phá đào rừng, theo anh Kiên, xuất phát từ thú chơi “ngông” của một số “đại gia” và do người dân miền núi còn khó khăn nên sẵn sàng cùng dân buôn trèo đèo lội suối vào rừng sâu, lên núi cao săn đào. Đội quân buôn đào thậm chí còn cưa cả cây lớn, sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng thuê trai bản đào.

Những năm qua, nhiều cây đào rừng được dân buôn đào chặt ngang thân, thậm chí búng cả gốc đưa về bày bán tại chợ hoa Tết Hải Phòng. Ảnh: Giang Chinh
Những năm qua, nhiều cây đào rừng được dân buôn đào chặt ngang thân, thậm chí búng cả gốc đưa về bày bán tại chợ hoa Tết Hải Phòng. Ảnh: Giang Chinh

Trước lệnh cấm của Thủ tướng, anh Kiên tán thành và sẵn sàng chuyển nghề khác khác vì cho rằng buôn bán đào rừng cũng chỉ là chốc lát, nhất thời, không phải là nghề nuôi sống bản thân và gia đình. Anh cũng mong Chính phủ sớm có quy định, tiêu chí cụ thể để tránh trà trộn đào rừng với đào vườn; đồng thời giúp người dân vùng cao trồng đào vẫn có thể bán cành cho người chơi đào dưới miền xuôi, tăng thêm thu nhập.

Giang Chinh – Viết Tuân/VE

Tags :
Đọc nhiều