‘Chìm’ tới 81cm, phường An Lạc, quận Bình Tân lún nhiều nhất TP.HCM trong 10 năm qua
Với 339 điểm quan trắc do Bộ Tài nguyên – môi trường thực hiện ở TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong 10 năm qua cho thấy điểm lún nhiều nhất rơi vào khu vực phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM với tổng độ lún 81cm.
Ông Nguyễn Minh Khuyến – phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên – môi trường) – công bố kết quả quan trắc của bộ thực hiện 10 năm qua ở TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại hội thảo về sụt lún ĐBSCL tổ chức tại TP Cần Thơ sáng 22-11.
Khu vực quan trắc chủ yếu ở nơi có đường giao thông và khu vực đô thị với tổng số 339 điểm quan trắc, vùng nông nghiệp (vuông tôm, đồng lúa) không có điểm quan trắc.
Kết quả cho thấy có 306/339 điểm quan trắc lún 0,1 – 81cm; 33 điểm còn lại không lún, thậm chí được nâng thêm. Nơi lún nhiều nhất là phường An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM) với tổng độ lún 81cm. Các tỉnh An Giang, Long An… có tổng độ lún nhỏ nhất.
Trong khi đó, trong số 33 điểm không lún, TP.HCM chiếm khá nhiều với 5 điểm, còn các tỉnh Đồng Tháp, Trà Vinh… chỉ có 1 điểm.
Theo ông Khuyến, kết quả quan trắc chỉ tính được lún ít nhất và nhiều nhất, chưa tính tốc độ lún trung bình trong 10 năm qua và không phải vùng lún nhiều nhất là vùng khai thác nước ngầm lớn nhất.
Có nơi không có khai thác nước ngầm vẫn lún, thậm chí có nơi có khai thác nước ngầm còn được nâng lên.
Ông Khuyến lý giải một số nguyên nhân gây lún như ĐBSCL là vùng trầm tích trẻ, đang trong quá trình cấu kết nên bản thân đã lún. Cộng với đó là tác động khác như không có sự bồi lắng của phù sa làm cao độ bề mặt đất giảm đi, tác động của xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhà cửa tạo ra xung lực làm lún mặt đất…
“339 điểm quan trắc này chưa đủ số liệu để đánh giá việc lún do nguyên nhân nào. Nói lún do giao thông, xây dựng, khai thác nước ngầm bao nhiêu, chặn dòng không còn phù sa bao nhiêu… thì còn phải nghiên cứu dài hạn”, ông Khuyến nói.
CHÍ QUỐC
(Theo Tuổi Trẻ)