86
topics
581690

Chiêu trò “mượn gió bẻ măng”, chê trách Cát Linh- Hà Đông đá xoáy Phó Thủ tướng

Đinh Thảo 11/01/2022 17:55

Kỳ lạ thay, khi tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông đã đi vào hoạt động và nhận được phản ứng tích cực của người dân, một số đối tượng lại luôn ăn mày quá khứ, trực chờ thời cơ để xuyên tạc, đưa tin kích động.

Mới đây, đối tượng Pham Pham đã chia sẻ bản tin về dự án đường cao tốc Tân Phú- Bảo Lộc trên nhóm “Luật sư Nguyễn Văn Đài và bạn bè”. Đây là thông tin hết sức bình thường, bàn về cam kết và quyết tâm thực hiện tốt dự án cao tốc của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, để giật tít, các trang báo lại gán ghép sự kiện này với phát biểu của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, “Trước đây, mỗi năm hoàn thành 60-70km cao tốc, thì tới đây, mỗi năm phải hoàn thành 450km”. Và một số đối tượng như Pham Pham đã chia sẻ một cách thiếu thiện chí, “mượn gió bẻ măng”, đá xéo sang dự án Cát Linh- Hà Đông rằng, “Nói thôi nha, nhìn Cát Linh- Hà Đông thì hiểu”.

Thử hỏi Pham Pham, đối tượng đang muốn hiểu cái gì? Hiểu rằng dự án cao tốc lần này, Phó thủ tướng sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, kết quả thành công như Cát Linh- Hà Đông? Hay phải chăng, đối tượng đang muốn ám chỉ về tiến độ chậm trễ của dự án đường sắt trên cao? Nguy hiểm hơn, bài chia sẻ này của đối tượng đã thu hút nhiều lượt like và bình luận tiêu cực, có cái nhìn phiến diện, không chính xác.

Đây không phải là lần đầu tiên các đối tượng lợi dụng dự án Cát Linh- Hà Đông để kích động, tiêu cực hóa dư luận. Âm mưu các đối tượng thể hiện rõ ở chỗ: Khi công trình gặp sự cố, “như cá gặp nước”, các đối tượng ra sức thổi phồng, chống phá. Tuy nhiên, khi dự án hoạt động bình thường, nhận được sự đón nhận tích cực của người dân thì lại âm thầm tức tối. Thậm chí còn “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng những sự kiện khác để đá xéo, day dứt vào quá khứ.

Một minh chứng khác là mới đây, tài khoản mạng xã hội Ho Hai Duy đã chia sẻ bản tin: Đường sắt Việt Nam thua lỗ do ảnh hưởng bởi đại dịch với dòng trạng thái: “Bình thường không dịch nó cũng tàn phá rồi.”

Thử hỏi, việc day dứt vào quá khứ, ôm suy nghĩ tiêu cực rồi truyền bá cho người khác thì có làm đất nước đi lên được hay không? Trong khi đó, Việt Nam đang rất nỗ lực để giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Thẳng thắn nhìn nhận rằng, quá trình triển khai dự án Cát Linh- Hà Đông còn nhiều thiếu sót do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tiến độ dự án bị chậm trễ và đội vốn hơn gấp đôi so với ban đầu. Tuy nhiên, với những khó khăn, khúc mắc của dự án, chúng ta vẫn có kết luận rõ ràng. Bộ Giao thông vận tải và UBND TP. Hà Nội đã công khai giải trình từng vấn đề mà báo chí, người dân có ý kiến, nêu trách nhiệm cụ thể với từng thiếu sót. Nếu có bất kỳ sai phạm nào, Đảng và Nhà nước sẽ xử lý nghiêm minh.

Chủ trương xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông là đúng. Và trong suốt những năm qua, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã đưa ra những chỉ đạo rất quyết liệt để hiện thực hóa dự án vào đời sống. Kết quả, tháng 11/2021, tuyến tàu Cát Linh- Hà Đông đã chính thức được bàn giao và vận hành sau 10 năm. Trong một tháng đầu chạy miễn phí, người dân Hà Nội đã hưởng ứng nhiệt tình. Người dân đi làm dọc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông thì vô cùng vui mừng vì có phương tiện đi làm mới. Các bạn trẻ thì coi đây là biểu tượng mới của Hà Nội.

Rõ ràng, dự án càng thành công, Việt Nam càng tốt đẹp, các đối tượng càng trở nên cay cú. Bởi, những đối tượng chống phá này đâu muốn đất nước trở nên tốt đẹp, văn minh hơn? Những gì họ muốn chỉ là đất nước thụt lùi, các tuyến đường sắt trở thành “phế tích” để còn ra sức chống phá Đảng, Nhà nước. Âm mưu lớn nhất của chúng là lật đổ chế độ, còn tiền bạc, nỗi khổ đi lại của người dân chỉ là cái cớ.

Trước những thông tin xuyên tạc, thiếu chính xác tràn lan trên mạng xã hội, người dân cần hết sức cảnh giác. “Bình mới rượu cũ”, dù có đổi mới giọng điệu, âm mưu lớn nhất các đối tượng vẫn là kích động người dân, bạo loạn xã hội. Chính vì vậy, người dân cần tỉnh táo, tránh vô tình trở thành công cụ kiểm soát của các đối tượng xấu.

Đinh Thảo

Đọc nhiều