128036
category
458770

Chiêu trò khiến hơn 68.000 người sập bẫy đa cấp Liên Kết Việt

21/12/2020 06:27

Mạng lưới lừa đảo kinh doanh đa cấp của Lê Xuân Giang lôi kéo được 170 người và thu về hơn 5 tỷ đồng trung bình mỗi ngày.

Từ ngày 21/12, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm 10 ngày, xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Liên Kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên Kết Việt), sau 5 năm từ khi khởi tố vụ án.

Ông Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Liên Kết Việt cùng 7 thuộc cấp bị VKSND Tối cao cáo buộc giả mạo doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, lôi kéo hơn 68.000 bị hại tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp, lừa đảo thu lợi hơn 2.000 tỷ đồng.

Ông Giang phục vụ trong quân đội, xuất ngũ năm 2001. Mở đầu cho kế hoạch lừa đảo, 4 năm sau, ông thành lập, đồng thời làm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP, chuyên sản xuất máy khử độc ozone, thực phẩm chức năng. Năm 2010, Giang tiếp tục thành lập Công ty Liên Kết Việt và xin cấp giấy phép kinh doanh đa cấp các sản phẩm của BQP.

Lê Xuân Giang Giang trong lễ kỷ niệm một năm công ty hoạt động đa cấp.
Lê Xuân Giang Giang trong lễ kỷ niệm một năm công ty hoạt động đa cấp.

Các loại thực phẩm chức năng giá bán 10.000-14.000 đồng/viên, được Liên Kết Việt quảng bá với nhiều công dụng thần kỳ… song thực chất “không đủ điều kiện tiêu thụ ngoài thị trường”, theo kết luận của Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.

Thời điểm đó, ngoài cháu ruột Lê Văn Tú được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Liên Kết Việt, ông Giang không có nhiều thuộc cấp. Có giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp song doanh số thấp, ông Giang nhận ra phải “chiêu mộ” một nhóm điều hành nhiều kinh nghiệm.

Tháng 3/2014, khi mở văn phòng giao dịch tại Hà Nội, ông Giang thuê ekip 5 người do Nguyễn Thị Thuỷ cầm đầu để quản lý và phát triển hệ thống đa cấp của công ty và mọi chuyện bắt đầu thay đổi.

Kế hoạch mạo danh đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng được ông Giang tiến hành ngay từ khi Liên Kết Việt chưa được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp.

Cáo trạng thể hiện, tháng 3/2013, ông Giang chỉ xin ký xác nhận ý tưởng sản xuất máy khử độc ozone với công ty Thanh Hà – Bộ Quốc Phòng mà không hợp tác sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ông chỉ đạo in trên tất cả máy khử độc ozone của BQP dòng chữ “Sản phẩm này vủa Công ty BQP hợp tác sản xuất với Công ty Thanh Hà, Bộ Quốc phòng”.

Chiêu này cũng được Giang áp dụng để lừa đảo, quảng bá cho hàng loạt thực phẩm chức năng nêu trên, là sản phẩm “liên kết hợp tác nghiên cứu khoa học” với các bệnh viện quân đội tuyến Trung ương. Thực tế, cơ quan điều tra xác định, các giấy xác nhận đều do Giang tự soạn thảo trước, nhằm gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ cho người mua.

Tháng 1/2014, Công ty BQP được chứng nhận “đạt danh hiệu sản phầm Việt Nam phát triển bền vững”. Dù không phải là doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, nhưng lợi dụng sự nhầm lẫn do tên viết tắt, Giang tiếp tục cho in bằng khen này trên khổ lớn, treo tại các chi nhánh và văn phòng đại diện.

Ngôi biệt thự 3 tầng tại phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương được thuê làm trụ sở Công ty Liên kết Việt chi nhánh Hải Dương. Ảnh: Giang Chinh
Ngôi biệt thự 3 tầng tại phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương được thuê làm trụ sở Công ty Liên kết Việt chi nhánh Hải Dương.

Nhận thấy nhiều bị hại nộp tiền tham gia mạng lưới đa cấp do nhầm tưởng công ty BQP thuộc Bộ Quốc phòng, Giang lợi dụng điều này để tạo lòng tin, lôi kéo thêm nhiều người. Giang chỉ đạo nhóm ekip của Thuỷ quảng bá các hình ảnh Giang mặc quân phục trong các buổi làm việc với bệnh viện quân đội, phân phối sản phẩm…

Trong thư ngỏ gửi các bị hại đầu tháng 1/2015, Giang viết “Công ty Liên Kết Việt là doanh nghiệp “lính”, thành lập với nhiệm vụ kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm do Bộ Quốc phòng nghiên cứu”. Để củng cố cho mác doanh nghiệp lính, ông ta mời thêm nhiều cán bộ quân đội về hưu làm các chức danh lãnh đạo trong công ty.

Thủ đoạn mạo danh này cộng với những chương trình do nhóm ekip cố vấn thực hiện đã giúp Liên Kết Việt thu cả chục nghìn tỷ đồng. Tháng 10/2014, khi Thuỷ và ekip đang cho chạy chương trình bán hàng thứ 5, Giang gặp Phạm Văn Út tại TP HCM.

Khi Út khoe có thể giúp làm giả bằng khen của Thủ tướng Giang quyết định “đặt hàng”. Nhận 31 triệu đồng, Út tới một quán photocopy ở quận Tân Bình, trả 2,7 triệu đồng nhờ đánh máy và in màu một loạt bằng khen Thủ tướng trao cho BQP, Liên Kết Việt, chú cháu Giang, Tú và các lãnh đạo khác với nội dung “có nhiều thành tích vào phát triển kinh tế vầ hoạt động từ thiện, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Các bằng khen giả này đều được Giang chỉ đạo nhóm ekip tổ chức các buổi đón nhận rầm rộ.

Liên Kết Việt xác định, chiến lược của công ty sẽ đi vào “người đầu tư, vào người lười, vào người cơ hội, vào người giàu…”. Trong quá trình điều tra, lời khai của 7.227 bị hại cho thấy, lý do họ nộp tiền cho Liên Kết Việt đều có điểm chung. Đó là “ham lãi suất cao hơn gửi ngân hàng, không phải làm gì cũng có tiền, vừa có tiền vừa có sức khoẻ”.

Đánh vào lòng tham, ham muốn làm giàu nhanh của các của bị hại, ê-kip của Thuỷ cố vấn cho Giang và Tú tổng cộng 15 chương trình khuyến mãi trong chưa đầy 2 năm, thu về hơn 2.000 tỷ đồng.

26/3/2014, ngày đầu tiên được Giang “chiêu mộ” về Liên Kết Việt, ekip của Thuỷ ngay lập tức trình và được Giang phê duyệt cùng lúc 2 chương trình Sơ đồ hỗ trợ Nhân văn tri ân khách hàng và Khởi động thành công, thu về 96 tỷ đồng sau 4 tháng.

Thuỷ thừa nhận sử dụng chương trình của các công ty đa cấp khác để chỉnh sửa và áp dụng cho Liên Kết Việt. Với chương trình đầu tiên, bị hại nộp 7 triệu đồng mua một mã sản phẩm sẽ được hưởng lãi 409 triệu đồng. Đồng thời, khi lôi kéo được càng nhiều người tham gia nộp tiền, bị hại sẽ nhận về càng nhiều % hoa hồng và nhiều loại hoa hồng khác nhau, được thăng chức, đi du lịch nước ngoài miễn phí và tặng biệt thự, ôtô…

Để mở rộng mạng lưới, tháng 7/2014, Giang mở đại lý cấp tỉnh, thành phố kèm chi tiết mức hoa hồng cho trưởng văn phòng. Cụ thể, khi lôi kéo được 1 bị hại nộp 7 triệu đồng, chi nhánh hưởng 500.000 đồng… Một năm sau, Giang có thêm 34 chi nhánh, chi lại cho họ tổng hơn 55 tỷ đồng.

Nhóm ekip, dưới chỉ đạo của Giang tổ chức các buổi trao thưởng, thăng cấp, vinh danh rầm rộ tại các địa trung tâm tổ chức sự kiện lớn, quy mô tổ chức hàng nghìn người.

VKS Tối cao két luận, các chương trình khuyến mại này đèu không được đăng ký, nội dung trái pháp luật, bản chất là kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp, lấy tiền của người sau trả cho người trước, không phải từ kinh doanh bán hàng thu lợi nhuận. Các bị hại, do đó đều được hứa hẹn, dù không mua sản phẩm vẫn có thể trở thành nhà phân phối, “đối tác” của công ty.

Khi mới đóng tiền, hằng tháng các bị hại đều được trả tiền lãi đầy đủ nên dẫn dụ, lôi kéo thêm bạn bè, người nhà tham gia. Nhưng sau đó, tiền lãi ít dần và đến tháng 11/2015 thì chấm dứt.

Kết quả điều tra, hơn 6.000 bị hại được triệu tập đến phiên xét xử đã mua khoảng 67.000 mà hàng, nộp về công ty Liên Kết Việt hơn 584 tỷ đồng, trong khi số hoa hồng nhận về chỉ 122 tỷ đồng.

Trong số hơn 2.000 tỷ đồng thu về từ 15 chương trình khuyến mại, Giang và đồng phạm khai nhận đã chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng, số còn lại chi trả hoa hồng, tiền thưởng, nuôi bộ máy.

Điểm a, khoản 4, Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: người nào phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt từ từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Thanh Lam/ VNE

Đọc nhiều