Thượng tướng đâu phải là để “cân bằng vùng miền”
Ngày 19/02/2021, Bộ Chính trị đã phân công Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Trước thông tin này, một số trang mạng xã hội đã cố tình thêu dệt, bóp méo sự việc nhằm gây nhiễu loạn đến dư luận.
Trước thông tin Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa giữ chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, các tổ chức, cá nhân chống phá như Việt Tân, RFA, VOA, Lê Nguyễn Hương Trà… đã đăng tải nhiều bài viết với những thông tin, luận điệu sai trái, tiêu cực, mang tính chất xuyên tạc. Có thể nhìn nhận âm mưu của các đối tượng dưới 2 thủ đoạn hướng lái dư luận mà chúng đang ra sức tuyên truyền.
Một là, các đối tượng vu cáo việc bổ nhiệm Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương là nhằm “quân sự hóa các vị trí chủ chốt”, “lấy lực lượng vũ trang ra để răn đe người dân”. Định hướng tuyên truyền thông tin dạng này cho thấy một nhận thức hạn hẹp với tính chất xuyên tạc trắng trợn và vô căn cứ.
Bộ Quốc phòng là một cơ quan thuộc Chính phủ trong khi Ban Tuyên giáo là cơ quan Đảng. Do đó, nói Đảng, Nhà nước đang “quân sự hóa” các vị trí chủ chốt, trong đó có vị trí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương là một sự thiển cận, sai lệch về nhận thức. Hẳn là có nhiều kẻ vẫn chưa phân biệt được rạch ròi trong cách thức tổ chức, hoạt động giữa các cơ quan Đảng với các cơ quan Nhà nước.
Hơn nữa, cách dùng từ ngữ “quân sự hóa” ở đây cũng là một lối nói mang hàm nghĩa tiêu cực. Ngành Quân đội có đặc thù mang tính kỷ luật, nghiêm khắc trong mọi tổ chức, hoạt động. Tuy nhiên, sự kỷ luật, nghiêm khắc ấy không hề tiêu cực mà thậm chí có thể áp dụng trong các ngành, lĩnh vực khác nhằm xây dựng một môi trường hoạt động, làm việc có hiệu quả, có trật tự, thống nhất cao.
Tất nhiên, một tướng Quân đội được điều động làm Trưởng Ban Tuyên giáo không có nghĩa là hoạt động của Ban Tuyên giáo sẽ thay đổi, áp đặt máy móc những kỷ luật trong Quân đội. Ở vị trí là một Thượng tướng, từng kinh qua rất nhiều vị trí trong Đảng, Nhà nước, ông Nguyễn Trọng Nghĩa chắc chắn sẽ đảm đương tốt được những nhiệm vụ mới, mà trong đó sẽ có những thay đổi để phù hợp nhất với môi trường làm việc tại Ban Tuyên giáo Trung ương.
Mặt khác, Quân đội nhân dân nói riêng hay Lực lượng Vũ trang nói chung là lực lượng bảo vệ Tổ quốc. Quân đội nhân dân Việt Nam “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ”. Vì vậy, một tướng Quân đội giữ vị trí chủ chốt trong bộ máy Đảng sẽ càng nhận được sự ủng hộ, tin yêu của quân chúng nhân dân. Sự thật này hoàn toàn trái ngược với sự suy diễn cho rằng Đảng đang “lấy lực lượng vũ trang để răn đe người dân”. Nếu có răn đe, đây chính là lời cảnh báo cho những kẻ chống phá trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng.
Hai là, các đối tượng tiếp tục lợi dụng việc sắp xếp vị trí Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương nhằm thêu dệt câu chuyện “phe cánh”, cơ cấu vùng miền,… Định hướng thông tin dạng này cho thấy bộ mặt tráo trở, thủ đoạn của những kẻ cơ hội chính trị.
Trong những năm qua, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đã đảm nhận những nhiệm vụ trọng yếu như Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân… cho thấy việc bổ nhiệm thượng tướng Nghĩa là hoàn toàn có cơ sở, dựa trên chính năng lực, sở trường, kinh nghiệm, kết quả quá trình công tác của ông. Điều này hoàn toàn không phải do sự sắp xếp chủ quan hay do vấn đề “cân bằng tương quan vùng miền” như những lời lẽ thêu dệt.
Rõ ràng, luận điệu xuyên tạc xoay quanh việc bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Nghĩa là một thủ đoạn chính trị thâm độc nhằm cố gắng đến cùng sự phá hoại đối với Đại hội XIII của Đảng, gây nhiễu loạn dư luận hòng làm suy giảm niềm tin của người dân. Việc xuyên tạc như trên cũng hòng hạ thấp uy tín, bôi nhọ hình ảnh của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa. Các đối tượng cố tình phủ nhận khả năng, năng lực của Thượng tướng Nghĩa với âm mưu có thể nhằm tấn công, xuyên tạc vào hoạt động của Ban tuyên giáo trong thời gian sau.
Với những luận cứ rõ ràng nêu trên, bản chất dối trá của những kẻ chống phá, cơ hội chính trị đã bị phơi bày. Bám víu dai dẳng vào công tác cán bộ của Đảng, các đối tượng tạo cớ xuyên tạc bất chấp đó là những nhìn nhận sai lệch, chủ quan và tiêu cực. Những hành động như vậy chắc chắn không phải vì “dân chủ”, “nhân quyền”, vì “quốc gia”, “dân tộc” như vỏ bọc mà chúng đang khoác lên người. Chúng ta phải thật sự cảnh giác, đồng thời cần phải kiên quyết vạch trần, đấu tranh với các luận điệu xảo trá, xuyên tạc mà những kẻ này tung ra để chặt đứt hoạt động chống phá mà các đối tượng đang tiến hành.
Komi
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.