Khi nào “tự ứng cử” mới thôi bình mới rượu cũ?
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã được Quốc hội quyết định vào chủ nhật, ngày 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một số thủ đoạn phá hoại cuộc bầu cử
Điều gì đến cũng đã đến, các đối tượng như Hội Anh em dân chủ, Nhà báo độc lập v.v.. đã tung các bài xuyên tạc câu chuyện tự ứng cử và bầu cử Quốc hội nói chung. Trong đó, một số đối tượng chống phá bày trò “tự ứng cử đại biểu Quốc hội”.
Mạng xã hội của “Hội Anh em dân chủ” có bài viết với nội dung xuyên tạc, rêu rao Đảng “ôm trọn mọi quyền” trong việc lãnh, chỉ đạo chủ trương, đường lối chính sách, rằng: “Thực tế ở Việt Nam chỉ có một Đảng Cộng sản cầm quyền…”, “Đảng muốn ai vào là vào, ai không là không”, “Đảng nói sao Quốc hội nghe vậy”…
Kế tiếp, trên mạng xã hội cá nhân của một số nhà “dân chủ” cũng đu theo thể hiện sự “bất đồng chính kiến”, nhưng kỳ thực đó là những đối tượng có tư tưởng chính trị đối nghịch, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chẳng hạn:
Trên trang cá nhân hôm 2/3, Lê Dũng Vova cũng “nổ” khi nói đã hoàn thành hồ sơ ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15: “Theo thông báo của Ban phụ trách bầu cử thì ngày 14/3/2021 mới là hạn chót nộp hồ sơ, vậy tha hồ thời gian. Bà con nào ứng cử thì còn thoải mái nhé!”
Facebook Ngô Đồng cũng đu theo: “Lâu này Quốc hội Việt Nam không có thực quyền. Có khoảng 95% số thành viên tại cơ quan này là đảng viên cộng sản. Vai trò của Quốc hội thường chỉ xoay quanh việc bấm nút đồng ý thông qua các quyết định của Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Công An,…”
Hoặc, trong bài “Cần chấm dứt tình trạng lãnh đạo đưa con vào vị trí lãnh đạo”, nhà “dân chủ” Nguyễn Ngọc Chu xuyên tạc chế độ bầu cử thế này: “Ở nhiều nước, vì bầu cử tự do nên bất cứ ai cũng có thể trở thành thị trưởng, tổng thống- miễn là tài năng, được cử tri cả tỉnh, cả nước nước lựa chọn. Họ có muôn ngàn con đường để trở thành chính khách. Nhưng ở Việt Nam, chỉ có vài con đường để đi đến đỉnh cao quyền lực. Trong số ít ỏi những con đường đó – là con đường tiến thân qua đoàn thanh niên”.
Thực tế trên cho thấy, tất cả cũng chỉ là “nỗ lực” của các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền chống phá Việt Nam, cũng như âm mưu phá hoại cuộc bầu cử. Các thủ đoạn họ tập trung sử dụng có thể kể: lập các trang web phê phán cuộc bầu cử qua đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; trả lời “phỏng vấn” với nội dung xuyên tạc cuộc bầu cử trên các trang mạng chống phá; “kêu gọi” người dân không đi bỏ phiếu để phản đối điều mà họ gọi là “Đảng cử dân bầu”, “Quốc hội chỉ là hội nghị mở rộng của Đảng”; giới thiệu, quảng bá cho những thành phần “nhà dân chủ”, “nhà đấu tranh nhân quyền”… tham gia tự ứng cử; tuyên truyền, vận động bỏ phiếu cho một số người mà chúng gọi là “ứng cử viên tự do”…
Nói cách khác, những luận điệu xuyên tạc, kích động, phá hoại bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp về cơ bản vẫn là những luận điệu cũ rích, chiêu trò “bình mới rượu cũ”, điệp khúc cứ lặp đi lặp lại trong chuỗi thời gian qua. Mục đích cơ bản nhất của các nhà “dân chủ” thực chất cũng chỉ là tự đánh bóng tên tuổi bản thân trong giới “dân chủ”, mà tùy theo thời điểm, sẽ chọn cho mình “công cụ” đánh bóng phù hợp. Và thời điểm này thì tất nhiên “công cụ đánh bóng” hợp thời nhất chính là trò phá hoại cuộc bầu cử tại Việt Nam.
Bầu cử ở Việt Nam ngày càng tiến bộ và dân chủ
Ở Việt Nam hiện nay, việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được thực hiện theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (Luật Bầu cử). Nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam được luật quy định là: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quyền bầu cử và quyền ứng cử của công dân được quy định: Mọi công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Về điểm này, quyền ứng cử ở Việt Nam còn tiến bộ, thông thoáng hơn ở nhiều nước khác.
Thực tế trong thời gian qua, ở tất cả các địa phương trong cả nước, từ việc lựa chọn người ứng cử, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác đến việc tổ chức các vòng hiệp thương để ra được danh sách ứng cử viên chính thức đều được tiến hành dân chủ, đúng luật, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Quá trình vận động bầu cử của các ứng cử viên cũng được thực hiện rất công bằng, dân chủ và công khai. Ứng cử viên là lãnh đạo cấp cao ở Trung ương hay người tự ứng cử, người là đảng viên, người không phải là đảng viên… cũng đều phải vận động bầu cử với thời lượng và hình thức như nhau.
Thế nhưng những đối tượng, thế lực thù địch vẫn cho rằng “nguyên nhân của việc một số người tự ứng cử và người ngoài đảng không trúng cử là do việc vận động bầu cử không công bằng”. Thậm chí, chúng so sánh việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp ở Việt Nam với một số nước và “phán quyết” rằng, “việc tổ chức bầu cử ở Việt Nam đã lỗi thời”. Các nhà “dân chủ” luôn cố tình phớt lờ những quy định của pháp luật về quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp.
Hơn nữa, càng vô lý hơn khi so sánh chế độ bầu cử của Việt Nam với một số nước tư bản. Bởi vì tất cả các nước đều có các quy phạm pháp luật về bầu cử. Mỗi quốc gia có cách thức tiến hành bầu cử khác nhau, tùy theo chế độ chính trị, truyền thống, văn hóa, kinh tế của mình. Việc giới thiệu ứng cử viên ở hầu hết các nước đều do các đảng phái chính trị thực hiện.
Thí dụ, ở Cộng hòa Liên bang Đức, việc giới thiệu ứng cử viên vào Nghị viện là độc quyền của các đảng chính trị. Ở Mỹ, việc lựa chọn ứng cử viên để bầu cử Tổng thống, Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ, chủ yếu chỉ có đảng Cộng hòa hoặc đảng Dân chủ luôn cạnh tranh nhau, hầu như chẳng có yếu tố “ngoài đảng” nào…
Ngoài việc giới thiệu ứng cử viên do các đảng phái tiến hành, các ứng cử viên tự do cũng có quyền tự ứng cử, các ứng cử viên tự do muốn được ghi tên vào danh sách ứng cử viên chính thức đòi hỏi phải được một số lượng cử tri nhất định ủng hộ và đề cử, đồng thời phải nộp một khoản tiền bảo đảm. Nếu ứng cử viên không đạt được một tỷ lệ phiếu bầu thích hợp thì khoản tiền này phải sung công quỹ.
Từ thực tiễn Việt Nam cho thấy, việc Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là điều cần thiết để củng cố, đoàn kết thống nhất sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tạo nền tảng cho việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Nếu không có sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, về mọi mặt của Đảng, chắc chắn nhiều vấn đề bất ổn sẽ nảy sinh, là mầm mống cho sự suy yếu của đất nước.
Sông Trà
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.