Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Ông Trump thắng hay thua?

27/10/2020 17:05

Cho tới lúc này, ông Trump không có nhiều bằng chứng để chứng minh rằng ông đã thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Ông Trump thắng hay thua?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump – Ảnh: Reuters.

Trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ, ông Trump đã khởi xướng một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc để điều chỉnh thứ mà ông gọi là mối quan hệ thiếu bình đẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo nhận định của hãng tin CNN, cho tới thời điểm này, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đang đến rất gần, ông Trump không có nhiều bằng chứng để chứng minh rằng ông đã thắng trong cuộc chiến thương mại vốn giữ vai trò “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của ông.

Ông Trump hứa cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, nhưng trên thực tế, thâm hụt thương mại của Mỹ không những không giảm mà thiết lập kỷ lục mới.

Ông Trump muốn Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ, nhưng số hàng hóa mà Trung Quốc mua thêm mới chỉ bằng một phần nhỏ so với những gì ông muốn. Ngoài ra, ông gần như chưa đạt được bước tiến nào trong các vấn đề lớn mang tính cơ cấu mà các doanh nghiệp Mỹ dành sự quan tâm lớn nhất.

THÂM HỤT THƯƠNG MẠI MỸ LẬP ĐỈNH MỚI

Mặc lời hứa của ông Trump về giảm thâm hụt thương mại Mỹ bằng cách mạnh tay áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, mức thâm hụt của tháng 8 năm nay vượt 67 tỷ USD – đánh dấu tháng thâm hụt cao nhất trong 14 năm. Thâm hụt thương mại Mỹ-Trung trong tháng 8 giảm khoảng 7% so với tháng 7, nhưng vẫn ở mức khoảng 26 tỷ USD, theo số liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ.

Có lẽ, biến động thâm hụt thương mại của Mỹ liên quan ít hơn đến quan hệ Mỹ-Trung, và liên quan nhiều hơn đến dịch Covid-19 – nhân tố khiến nhiều hoạt động thương mại ngưng trệ vì các quốc gia phải đóng cửa nền kinh tế.

Dù sao, việc thâm hụt thương mại Mỹ tăng cũng khiến ông Trump ít nhiều “mất mặt”, bởi ông đã trót xem giảm thâm hụt thương mại là vấn đề trọng tâm trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc cho dù giới chuyên gia lập luận rằng chỉ riêng thâm hụt thương mại chưa chắc đã là một yếu tố bất lợi cho nền kinh tế.

Thậm chí, trước khi xảy ra đại dịch, thâm hụt giữa xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ vẫn cao hơn so với trước khi ông Trump lên cầm quyền.

Nếu so với Mỹ, mọi chuyện đối với kinh tế Trung Quốc trong năm nay dường như thuận lợi hơn, dù nước này là nơi đầu tiên bùng phát Covid-19. Sau một thời gian tê liệt vì dịch, hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh trở lại ngay khi nền kinh tế mở cửa. Trong tháng 9, thặng dư thương mại Trung-Mỹ đạt khoảng 31 tỷ USD, theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc.

Ngoài ra, thương chiến lúc đầu cũng gây không ít tổn thất cho nông dân Mỹ, dù sự phục hồi gần đây của hoạt động xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc đã giảm bớt phần nào tình trạng khó khăn của các nông trại.

“Tóm lại, thuế quan đã gây ra nhiều thiệt hại cho Mỹ và không đạt được mục tiêu đề ra”, chuyên gia thương mại WilliamReinsch thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), một người từng có 15 năm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Thương mại Quốc gia Mỹ, nhận xét.

MỘT THỎA THUẬN TRÌ TRỆ

Ông Trump bước vào năm 2020 với thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 trong tay. Theo thỏa thuận một phần này, hai nước nhất trí dỡ bớt một phần thuế quan đã áp lên hàng hóa của nhau và Washington tạm gác kế hoạch áp thuế bổ sung lên khoảng 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nhất trí mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa nông sản Mỹ trong vòng 2 năm.

Đó là câu chuyện trước khi Covid-19 gây đảo lộn kinh tế toàn cầu. Đến tháng 8, Trung Quốc mới chỉ mua thêm hàng hóa Mỹ với tốc độ bằng khoảng một nửa so với đã hứa – theo phân tích từ Viện Kinh tế quốc tế Peterson. Tháng trước, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang “tốt đẹp”, nhưng các cuộc thảo luận nhằm đẩy mạnh thực thi thỏa thuận giai đoạn 1 và tiến tới ký kết các thỏa thuận tiếp theo có vẻ đã bị hoãn vô thời hạn.

“Có thể thấy rõ sự thất bại của ông Trump”, ông Reinsch nói. “Thất bại này được thể hiện qua việc ông ấy không đạt được bước tiến nào trong những vấn đề mang tính cơ cấu. Lúc đầu, những vấn đề đó mới là căn bản để chính quyền ông Trump hành động”.

Mỹ và Trung Quốc đến nay vẫn chưa thực sự giải quyết được vài trong số những lời phàn nàn quan trọng nhất mà Washington nhằm vào Bắc Kinh, vị chuyên gia nhấn mạnh. Trong số đó phải kể tới việc Trung Quốc bị Mỹ tố ưu ái các công ty quốc doanh và cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ Mỹ.

“Hai vấn đề này đều được đẩy lùi sang đàm phán thỏa thuận giai đoạn hai, cuộc đàm phán chưa bao giờ bắt đầu và có vẻ sẽ không được bắt đầu”, ông Reinsch nói thêm.

Ông Trump không tiếc lời ca ngợi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà ông đạt được với Trung Quốc. Sau khi ký thỏa thuận này vào tháng 1, ông nói với báo giớ rằng hai nước đang “sửa thành đúng những điều sai trong quá khứ, mang lại một tương lai của công lý trong kinh tế và sự đảm bảo cho công nhân, nông dân và các gia đình Mỹ”.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Ông Trump thắng hay thua? - Ảnh 3.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố gói hỗ trợ 16 tỷ USD cho nông dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi thương chiến Mỹ-Trung, tháng 5/2019 – Ảnh: ABC News.

Từ đó trở đi, ông luôn khẳng định thỏa thuận đang “diễn ra rất tốt đẹp”, ngay cả khi Washington gây sức ép đối với Bắc Kinh trong những lĩnh vực khác, chẳng hạn siết hạn chế đối với các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và TikTok, hay đe dọa áp thêm trừng phạt.

Ông Joe “Biden đã dành toàn bộ sự nghiệp của ông ta để mặc cho Trung Quốc đánh cắp việc làm và tấn công các nhà máy của chúng ta”, ông Trump phát biểu tại một cuộc tiếp xúc cử tri ở Florida mới đây khi nói về ứng viên tổng thống Mỹ 2020 của Đảng Dân chủ. “Tôi xin nói với các bạn một điều: nếu ông ta thắng, Trung Quốc sẽ sở hữu nước Mỹ”.

KINH TẾ TRUNG QUỐC PHỤC HỒI MẠNH

Trong khi đó, Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ từ những thiệt hại mà Covid-19 gây ra cho nền kinh tế nước này. Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn duy nhất có được sự phục hồi chắc chắn.

Trong quý 2, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý tăng trưởng thứ 2 liên tiếp, nhờ kiểm soát tốt Covid-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 1,9% trong năm nay, trái ngược với dự báo suy giảm của kinh tế Mỹ và châu Âu.

Ngoài ra, căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc không hề ngăn doanh nghiệp Mỹ tìm cách phát triển kinh doanh với Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ vào Trung Quốc tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc mới đây huy động được 6 tỷ USD trong một cuộc phát hành trái phiếu quốc tế. Đây là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ qua mà Trung Quốc hướng trực tiếp đến nhà đầu tư Mỹ.

Dù vậy, các nhà phân tích thuộc ngân hàng JPMorgan Chase cũng cho rằng xung đột thương mại sẽ có những hệ quả lâu dài đối với Trung Quốc.

“Sự bấp bênh mà cuộc chiến này gây ra đang dẫn tới việc dịch chuyển năng lực xuất khẩu khỏi Trung Quốc, mà dẫn đầu là các nhà sản xuất đến từ các quốc gia bên thứ ba”, JPMorgan Chase nhận định trong một báo cáo. Theo báo cáo này, đại dịch toàn cầu đã giúp Trung Quốc giữ lại được một phần hoạt động sản xuất mà lẽ ra nước này đã bị mất, nhưng rốt cục sẽ có một “chuỗi cung ứng da dạng hơn ở tầm khu vực, khi các quốc gia châu Á khác trở thành những điểm đến thay thế hấp dẫn hơn”.

SAU THÁNG 11 THÌ SAO?

Giữa lúc quan hệ thương mại Mỹ-Trung không có thêm bước tiến nào mới, căng thẳng giữa hai nước lại gia tăng ở những lĩnh vực khác, đặc biệt là công nghệ. Hai bên cũng chỉ trích lẫn nhau về cách thức xử lý và ứng phó với Covid-19.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Ông Trump thắng hay thua? - Ảnh 4.
Theo một số chuyên gia, dù ông Donald Trump hay ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử 3/11/2020, thì Mỹ vẫn sẽ theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc – Ảnh: BBC.

Theo CNN, thành công của ông Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là ông đã thay đổi được cách nhìn nhận của Washington về Bắc Kinh. Ý nghĩ cho rằng cần phải có phương pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc giờ đây đã nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng. Các nghị sỹ Cộng hòa và Dân chủ đều đang xem xét tất cả mọi khía cạnh của quan hệ Mỹ-Trung bằng một thái độ nghiêm khắc hơn trước.

“Sau bầu cử, diễn biến của xung đột Mỹ-Trung có lẽ sẽ đa dạng trong các lĩnh vực khác nhau, gồm thương mại, công nghệ và tài chính”, JPMorgan Chase nhận xét. Báo cáo của ngân hàng này cho rằng căng thẳng vẫn sẽ tiếp diễn ngay cả khi ông Biden đắc cử.

Trong kịch bản đó, theo JPMorgan Chase, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục có sự đụng độ ở các vấn đề như mạng 5G, điện toán định lượng, trí tuệ nhân tạo, và công nghệ sinh học.

“Với nỗ lực giành sự thống lĩnh trong những lĩnh vực này, Mỹ và Trung Quốc đã tìm cách phân ly, giảm hợp tác, hạn chế chia sẻ công nghệ, thậm chí ngừng giao dịch thương mại trong một số trường hợp”, báo cáo viết.

Chuyên gia Reinsch của CSIS đưa ra dự báo tương tự, nói thêm rằng ông Trump hay ông Biden, dù ai trở thành Tổng thống, đều có thể buộc phải theo đuổi các chính sách khuyến khích sự phân ly với Trung Quốc. “Thực tế là Trung Quốc sẽ không đáp ứng các đòi hỏi của Mỹ”, ông Reinsche nói.

An Huy/VNE

Đọc nhiều