Chiến tranh thương mại, Hồng Kông biểu tình, mâu thuẫn eo biển Đài Loan: TQ cùng lúc chịu “dày vò” của nhiều cơn đau đầu

13/08/2019 14:16

Trong cùng một thời điểm, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn cả về đối nội và đối ngoại.

Theo giới quan sát, nếu không có thay đổi, kỳ nghỉ hè thường niên của đội ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc diễn ra tại Bắc Đới Hà sẽ kết thúc vào tuần này. Trước đây, Bắc Đới Hà thường được coi là hội nghị bí ẩn nhất Trung Quốc bởi lãnh đạo nước này sẽ vừa tận dụng thời gian nghỉ ngơi vừa thảo luận các vấn đề quan trọng về nhân sự, đối nội và đối ngoại của đất nước.

Ông Tập Cận Bình sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề khó khăn để thực hiện Giấc mộng Trung Hoa. Ảnh: CNN
Ông Tập Cận Bình sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề khó khăn để thực hiện Giấc mộng Trung Hoa. Ảnh: CNN

Mặc dù những năm gần đây, Bắc Kinh đã đưa ra thông điệp rằng, hội nghị Bắc Đới Hà đã mất chức năng nghị chính truyền thống và trở thành kỳ nghỉ hè đơn thuần của các lãnh đạo nhưng điều này không làm giảm sức hút vốn có của nó đối với dư luận và truyền thông thế giới mỗi thời điểm tháng 7, 8.

Báo tiếng Hoa Đa chiều cho biết, trong kỳ nghỉ hè tại Bắc Đới Hà năm nay, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến đối nội và đối ngoại, trong đó có ba vấn đề nổi cộm như chiến tranh thương mại, biểu tình Hồng Kông và thực hiện mục tiêu 100 năm đầu tiên.

Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ

Trước hết, đó là chiến tranh thương mại Trung-Mỹ. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển như thế nào là một chủ đề không thể tránh khỏi. Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ và tăng trưởng kinh tế chững lại của Trung Quốc được cho là những vấn đề mà ban lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ không thể bỏ qua và phải thảo luận kỹ càng.

Trước hội nghị Bắc Đới Hà, Trung Quốc và Mỹ đã tiến hành vòng đàm phán thương mại mới nhất tại Thượng Hải sau một thời gian đình trệ nhưng kết quả không có gì tiến triển như mong đợi.

Trên thực tế, trước khi các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ bị đổ vỡ vào tháng 5, Bắc Kinh đã có những thay đổi nhỏ trong cuộc chiến thương mại.

Chiến tranh thương mại, Hồng Kông biểu tình, mâu thuẫn eo biển Đài Loan: TQ cùng lúc chịu dày vò của nhiều cơn đau đầu - Ảnh 1.
Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ tiếp tục leo thang sau cuộc gặp của lãnh đạo hai nước tại Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Đó là Trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung-Mỹ kiêm Phó Thủ tướng Lưu Hạc bất ngờ nhận trả lời phỏng vấn vào hai thời điểm: khi vừa đặt chân đến Mỹ và thời điểm sau khi cuộc đàm phán kết thúc. Điều này khác biệt hẳn so với các vòng đàm phán trước đây.

Vào đầu tháng 5, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có bài phát biểu công khai hiếm hoi tại Mỹ về tiến trình đàm phán thương mại song phương, bày tỏ thái độ kiên trì của Trung Quốc trước cuộc chiến thương mại với Washington.

Bắc Kinh lấy thông điệp từ phát biểu của ông Lưu Hạc làm nền tảng, bắt đầu công khai tuyên truyền và huy động dư luận trước cuộc chiến. Nội dung cốt lõi là Trung Quốc sẵn sàng đáp trả toàn diện và sẵn sàng duy trì một cuộc chiến kéo dài.

Có thể Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì tiết tấu này trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Reuters ngày 5/8 đưa tin, giới lãnh đạo Trung Quốc tham dự cuộc họp cấp cao tại Bắc Đới Hà đang lên kế hoạch cho một hành động kinh tế, nội dung sẽ là xóa bỏ tất cả thuế quan và đơn giản hóa một loạt các thủ tục ngoại thương tại Khu vực thương mại tự do Thượng Hải.

Nếu thử nghiệm thành công, kế hoạch có thể được mở rộng ra 10 khu thương mại tự do khác ở Trung Quốc. Trong thời gian kỳ nghỉ hè của các quan chức Trung Quốc diễn ra ở Bắc Đới Hà, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ bắt đầu áp dụng mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại từ ngày 1/9. Quyết định này được cho bắt nguồn từ vòng đàm phán thứ 12 khi hai bên không đạt được thỏa thuận đáng mong đợi.

Để đối phó với các biện pháp thuế quan mới nhất tại Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đình chỉ việc mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và và hạ giá đồng Nhân dân tệ tức 1 USD đổi được 7 NDT, khiến thị trường chứng khoán lao dốc. Khoảng 10 tiếng sau, Tổng thống Trump đã đưa ra một tweet cáo buộc Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ.

Sau đó, Bộ tài chính Mỹ đã ban hành một tuyên bố chính thức công bố việc liệt Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994, Mỹ coi Trung Quốc là quốc gia túng tiền tệ.

Liên quan đến cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, đó là sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào ngày 15/7, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục chậm lại trong quý II, mức thấp nhất kể từ năm 1992. Làm thế nào để duy trì nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng liên tục trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và suy thoái kinh tế toàn cầu chắc chắn là một vấn đề quan trọng đối với đội ngũ quyết sách ĐCSTQ.

Biểu tình ở Hồng Kông

Thứ hai, làn sóng biểu tình phản đối luật dẫn độ tội phạm hình sự đang diễn ra căng thẳng tại Hồng Kông và cuộc bầu cử chính quyền địa phương sắp tới ở Đại Loan cũng như căng thẳng leo thang giữa hai bên eo biển, chủ để duy trì thực thi chính sách “một quốc gia, hai chế độ” thiết thực sẽ xuất hiện tại cuộc họp Bắc Đới Hà.

Đa chiều cho rằng, vốn được coi như “di sản chính trị” quan trọng nhất của Đặng Tiểu Bình ở Hồng Kông, chính sách “một quốc gia, hai chế độ” đã được thực hiện ở đặc khu này trong hơn 20 năm và bắt đầu gặp phải một cuộc khủng hoảng rất thực tế. Làn sóng biểu tình phản đối luật dẫn độ đang diễn khiến sự ổn định và thịnh vượng của Hồng Kông – nơi được mệnh danh là hòn ngọc phương Đông đứng bên vực thẳm, đe dọa trực tiếp đến nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” của Bắc Kinh.

Chiến tranh thương mại, Hồng Kông biểu tình, mâu thuẫn eo biển Đài Loan: TQ cùng lúc chịu dày vò của nhiều cơn đau đầu - Ảnh 3.
Sân bay Hồng Kông đang tê liệt vì biểu tình. Ảnh: AP

Nhưng bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng sẽ làm đau đầu giới chức Bắc Kinh: Chính quyền bà Thái Anh Văn bị Bắc Kinh bị cáo buộc đóng vai “kẻ đứng sau cánh gà”, thúc đẩy sự hỗn loạn ở Hồng Kông.

Ông Đổng Kiến Hoa, nguyên Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, nay là Phó Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc cáo buộc, các cuộc biểu tình và hành vi bạo lực phát sinh ở Hồng Kông gần đây là do có bàn tay phía sau hoặc thế lực nước ngoài can thiệp.

“Trong các cuộc hỗn loạn ở Hồng Kông, chính phủ đã phát hiện ra rằng phần lớn các quỹ ủng hộ các nhóm biểu tình được chính quyền đảng Dân chủ Tến bộ Đài Loan của bà Thái Anh Văn tài trợ, mục đích là phối hợp với Washington làm rối loạn Hồng Kông, sau đó tấn công vào chính sách ‘một quốc gia hai chế độ’, kích động lôi kéo người dân Đài Loan bỏ phiếu để liên nhiệm”, ông Đổng nói.

Ông này cho biết, Bắc Kinh sẽ tiến hành các hành động “trừng phạt” Đài Loan, trước đó là việc ngừng cấp phép cho công dân đại lục tự túc du lịch Đài Loan.

Vào ngày 31/7, do liên quan đến tình hình quan hệ hai bờ eo biển nên Bắc Kinh quyết định ngừng cấp phép cho công dân ở 47 thành phố Trung Quốc sang Đài Loan du lịch theo diện tự túc. Sau đó vào ngày 7/8, Cục Điện ảnh Quốc gia Trung Quốc cấm diễn viên và phim của đại lục tham gia Giải thưởng Kim Mã Đài Loan năm 2019. Hai lệnh cấm chỉ cách nhau một tuần nữa và đây có thể không phải là hành động cuối cùng của Bắc Kinh.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh hiện nay, Bắc Kinh chắc chắn sẽ còn thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn với Đài Loan khi có nhiều dấu hiệu cho thấy việc giải quyết vấn đề eo biển đã trở thành ưu tiên hàng đầu cho tương lai của Bắc Kinh, bởi trong tiến trình phục hưng dân tộc Trung Hoa thì thống nhất Đài Loan là một phần không thể thiếu.

Về mặt thời gian, khẳng định về Giấc mộng Trung Hoa – thực hiện “phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”, Đại hội khóa 19 ĐCSTQ tuyên bố kế hoạch 30 năm tức đến năm 2035 sẽ hoàn thành hiện đại hóa xã hội sơ bộ và trong 15 tiếp theo tức đến 2050 sẽ hiện đại hóa toàn diện.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đối với ĐCSTQ, vấn đề Đài Loan có thể được giải quyết càng sớm thì sẽ cố gắng giải quyết sớm, thậm chí có thể không để kéo dài đến năm 2049 khi Bắc Kinh kỷ niệm 100 năm nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập. Theo đó, năm 2035 là một thời điểm nhưng cũng không loại trừ bất kỳ năm nào trong khoảng thời gian này, Bắc Kinh sẽ thống nhất Đài Loan.

Trong bối cảnh như vậy, làm thế nào để Bắc Kinh có thể tiếp tục thực hiện “một quốc gia, hai chế độ” tại Hồng Kông và giải quyết thách thức từ Đài Loan chắc chắn sẽ nằm trong phạm vi thảo luận của các lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Đới Hà cũng như trong các đối sách trong tương lai.

Hoàn thành mục tiêu 100 năm đầu tiên

Ngoài ra, năm nay là năm kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCSTQ. Đây cũng là giai đoạn cuối cùng trong tiến trình xây dựng toàn diện xã hội thịnh vượng trong mục tiêu 100 năm đầu tiên của Trung Quốc. Trên cơ sở thực hiện mục tiêu 100 năm thứ nhất, kế hoạch của mục tiêu 100 năm tiếp theo có thể cũng được Bắc Kinh thảo luận tới.

Việc hoàn thành mục tiêu 100 năm đầu tiên tất nhiên là “dự án hàng đầu” của ĐCSTQ. Bước vào năm 2019, chương trình xóa đói giảm nghèo đã được triển khai mạnh mẽ và trở thành một vấn đề ngày càng quan trọng đối với Bắc Kinh. Đặc biệt, Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 4 đã triệu tập một cuộc họp quy mô lớn tại Trùng Khánh nhằm thúc đẩy chiến dịch thoát nghèo, nâng cao dịch vụ y tế, giáo dục v.v…

Ngọc Hoàng

Đọc nhiều