Chiến thuật “tiền hậu bất nhất” đối phó Trung Quốc của ông Trump
Khi được hỏi về cách tiếp cận không nhất quán liên quan đến vấn đề thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26-8 xác nhận đó là cách đàm phán của ông.
Ông Trump nói thêm: “Cách đàm phán này giúp tôi rất nhiều trong những năm qua và thậm chí còn giúp ích cho nước Mỹ”. Nhà lãnh đạo nền kinh tế hàng đầu thế giới đưa ra lời giải thích nói trên không lâu sau khi gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “kẻ địch” cuối tuần qua rồi lại đổi giọng khen ngợi vào ngày hôm sau.
Ông Trump liên tục nhấn mạnh Trung Quốc rất cần đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ vì các đòn thuế quan của ông đang làm tổn hại kinh tế Trung Quốc nặng nề. “Tôi nghĩ họ muốn đạt thỏa thuận. Tôi không chắc liệu họ có còn sự lựa chọn khác hay không” – ông Trump nói.
Đề cập đến các cuộc gọi đề nghị đàm phán từ phía Trung Quốc, ông Trump cho biết chính quyền Bắc Kinh đã có nhiều cuộc gọi đến quan chức Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.
Tuy nhiên, trong phát biểu của mình, ông Trump dường như đã nhầm lẫn về chức vụ của Phó Thủ tướng Lưu Hạc khi nói đã chấp nhận lời kêu gọi đàm phán từ nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc. “Phó chủ tịch đã đưa ra tuyên bố rằng ông ấy muốn đạt một thỏa thuận. Phó Chủ tịch Trung Quốc, còn ai cao hơn vị trí đó ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình?” – ông Trump nói.
Ông Trump đã nhầm chức vụ của Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dưới quyền của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Người giữ chức Phó Chủ tịch Trung Quốc là ông Vương Kỳ Sơn. Theo hệ thống chính trị của Trung Quốc, ông Lưu Hạc xếp ở vị trí thứ 8 chứ không phải vị trí thứ 2 như nhận định của ông Trump.
Chính sự nhầm lẫn về chức vụ của ông Lưu Hạc có thể là một trong những nguyên nhân khiến Tổng thống Trump dịu giọng đối với Trung Quốc về việc nối lại đàm phán thương mại.
Ngọc Hoàng