Chiến thuật khó đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây khó Trung Quốc

29/08/2019 06:06

Chiến thuật đàm phán cũng như những quyết định thương mại khó đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy Trung Quốc vào thế bị động cũng như phần nào gây sự chia rẽ quan điểm trong nội bộ Trung Quốc.

ảnh 1
Chiến thuật khó đoán trong vấn đề thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dẫn tới những quan điểm khác nhau trong nội bộ Trung Quốc lẫn quyết sách của Chủ tịch Tập Cận Bình

Không khỏi ngạc nhiên khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong trả lời báo chí ngày 27-8 đã nói Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nắm được thông tin về bất cứ cuộc điện đàm nào gần đây giữa Bắc Kinh và Washington về vấn đề thương mại. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-7 tại Pháp đã cho biết, phía Trung Quốc đã liên lạc với giới chức thương mại Mỹ vào tối 25-8, trong đó bày tỏ mong muốn quay lại bàn đàm phán.

Việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói không hay biết về cuộc điện đàm giữa giới chức nước này với Mỹ về vấn đề thương mại đã phần nào cho thấy sự lúng túng, thiếu nhịp nhàng của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại đầy gay cấn và quyết liệt với Mỹ. Điều này, theo nhìn nhận của giới phân tích, thể hiện sự bị động của Trung Quốc trước sự khó đoán, khó lường, “thay đổi chóng mặt” trong chiến thuật đàm phán và đối phó thương mại với Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump “khai hỏa” căng thẳng thương mại với Trung Quốc hơn 1 năm trước bằng việc áp thuế nhập khẩu cao với hàng hóa của Trung Quốc, Bắc Kinh dường như rất khó nắm bắt chính xác ý đồ và chiến thuật của ông chủ Nhà Trắng xuất thân từ một tỷ phú chứ không phải một chính khách truyền thống. Chiến thuật lúc cương lúc nhu, đảo chiều, thay đổi tới chóng mặt của Tổng thống Donald Trump đã khiến cho Trung Quốc phải lúng túng, bị động trong những quyết sách ứng phó, dẫn tới những quyết định có khi được cho “đổ dầu vào lửa”.

Mới đây nhất, giới chức Trung Quốc có lẽ đã phán đoán, đánh giá không đúng việc Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản đã đồng ý với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc “đình chiến” thương mại để tạo điều kiện cho đàm phán nên đã tiến hành trả đũa thương mại, nâng thuế với 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Quyết định này của Trung Quốc lập tức bị Tổng thống Donald Trump đáp trả bằng việc tăng thuế lên 30% với 250 tỷ USD và 15% với 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.

Song ngay khi đưa ra quyết định được cho là có thể đẩy Mỹ và Trung Quốc vào cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn, Tổng thống Donald Trump lại tuyên bố ngỏ cánh cửa đàm phán với Bắc Kinh. Đích thân Tổng thống Donald Trump khi được hỏi ngày 26-8 về cách tiếp cận không nhất quán liên quan đến vấn đề thương mại với Trung Quốc đã nói thẳng đó là “cách đàm phán” của ông.

Chiến thuật khó lường trong vấn đề thương mại của ông chủ Nhà Trắng đã gây ra nhiều lúng túng, khó khăn trong ứng phó của Trung Quốc, trong đó đáng chú ý nhất là việc dẫn tới những quan điểm khác nhau trong nội bộ quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Theo đó, có hai quan điểm được cho là đối lập nhau, một số muốn hai bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận để cứu nền kinh tế Trung Quốc, nhưng lại có số khác thuộc phía cứng rắn muốn tiếp tục đối đầu với Mỹ và tránh nhượng bộ bằng mọi giá.

Quan điểm khác nhau của giới chức Trung Quốc chắn chắn ảnh hưởng không nhỏ tới quyết sách cuối cùng trong vấn đề thương mại với Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Hoàng Hà/ An Ninh Thủ Đô

Đọc nhiều