Chiến thắng Phan Rang, mở đường cho chiến dịch thống nhất đất nước
Thị xã Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) nằm trên ngã ba đường số 1 và đường số 11 đi Đà Lạt, là một địa bàn quan trọng nối liền Trung bộ với nam Tây nguyên và miền Đông Nam bộ.
Biết được điều này, quân địch đã cho lực lượng đến các vị trí quan trọng để bố trí thế phòng thủ. Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu nhận định tình hình: “Quân Bắc Việt giải phóng Đà Nẵng rồi, phải mất hai, ba tháng mới điều quân được vào Nam Bộ. Phải tranh thủ phòng thủ, ngăn chặn cho được cuộc tiến công đó. Bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ từ Ninh Thuận trở vào. Nếu cần có thể đem hết lực lượng đánh xả láng ở đó” (Tạp chí Sự kiện và Nhân chứng, số 76 (4/2000).
Về phía quân ta, thực hiện mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương, sáng ngày 7 tháng 4 năm 1975 trước khi xuất phát Quân đoàn 2 nhận được điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút. Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”. Với tinh thần đó, cánh quân Duyên Hải gồm Quân đoàn 2 (trừ Sư đoàn 324 ở lại bảo vệ Huế, Đà Nẵng) và Sư đoàn 3 của Quân khu 5 cùng các đơn vị binh khí kỹ thuật, xuất phát từ Đà Nẵng bắt đầu cuộc hành quân thần tốc về phía Nam và từ ngày 14-4-1975 bắt đầu tiến đánh Phan Rang-tuyến phòng thủ từ xa của quân đội Sài Gòn.
Để đập tan sự phản kháng của địch, nhanh chóng mở đường tiến vào Sài Gòn, sau nhiều ngày hành quân chuẩn bị, ngày 16-4-1975, một bộ phận lực lượng của Quân đoàn 2 vừa hành quân tới Phan Rang được lệnh bước vào chiến đấu giải phóng toàn tỉnh Ninh Thuận.
Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) tổ chức thành mũi nhọn thọc sâu binh chủng hợp thành, xuất phát từ vị trí bàn đạp của Sư đoàn 3, tiến theo đường số 1 đánh thẳng vào thị xã. Dẫn đầu đội hình tiến công là Tiểu đoàn 1 bộ binh ngồi trên 20 xe tăng và thiết giáp. Tiểu đoàn 2 và 3 ngồi trên xe bánh hơi đi tiếp sau. Một số khẩu pháo nòng dài 85mm và cao xạ 37mm cơ động trong đội hình sẵn sàng ngắm bắn trực tiếp vào các mục tiêu trên mặt đất và bắn máy bay địch. Lữ đoàn 164 pháo binh đi phía sau làm nhiệm vụ chi viện hỏa lực cho đội hình thọc sâu. Phối hợp với mũi chính diện, Sư đoàn 3 và Trung đoàn 25 tiến công một số mục tiêu trong thị xã và sân bay Thành Sơn. Trước đòn tiến công mãnh liệt của bộ đội ta, quân địch hoảng loạn, không đủ sức chống cự.
Sau hai giờ chiến đấu, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ thị xã. Một bộ phận lực lượng nhanh chóng tiến ra chiếm cảng Tân Thành và cảng Ninh Chữ, bịt chặt đường rút chạy của địch ra hướng biển. Một bộ phận phát triển theo đường số 1 đánh chiếm cầu Đạo Long và quận lỵ Phú Quý, khóa chặt đường bộ, không cho địch chạy về phía nam. Quân địch đã huy động hàng chục chiếc máy bay ném bom vào phía sau đội hình quân ta trên đường số 1; đồng thời đưa quân dù từ sân bay Thành Sơn ra phản kích. Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) và Sư đoàn 3 đã anh dũng đánh lui các đợt phản kích của địch, chiếm sân bay Thành Sơn (cách thị xã Phan Rang 10km). Toàn bộ quân địch ở Phan Rang gồm hơn một vạn tên bị tiêu diệt và tan rã. Hai tướng ngụy Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Ngọc Sang cùng nhiều sĩ quan, binh lính bị bắt. Bộ đội ta thu 36 máy bay, 37 khẩu pháo lớn.
Lúc 9 giờ 30 phút ngày 16-4-1975 cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên nóc nhà Toà hành chính – cơ quan đầu não chính quyền Sài Gòn tại Ninh Thuận, đánh dấu tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Trận tiến công Phan Rang được tiến hành bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, kết hợp giữa các binh đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang nhân dân địa phương đã thắng lợi giòn giã.
Thắng lợi này đã đập tan âm mưu của địch trong việc tuyến phòng ngự từ xa và để củng cố thế trận của chúng ở Sài Gòn – Gia Ðịnh. Ðại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ đã chiến thắng tại Phan Rang.
Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi khi bị ta bắt đã cho rằng sở dĩ Phan Rang bị thất thủ nhanh như vậy bởi 3 lẽ: “Một là, binh lính mất tinh thần không chịu chiến đấu. Hai là, họ thiếu tiếp liệu, vũ khí, đạn dược cần thiết. Ba là, thiếu thời gian”. Như vậy, trong trận này, các lực lượng tham gia chiến đấu của quân ta đã thể hiện thành công cách đánh thần tốc, táo bạo bất ngờ, khiến địch hoàn toàn bị rối loạn không kịp ứng phó đúng như chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thất thủ ở Phan Rang, tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn của địch đã bị đập tan, tạo thế quân ta thừa thắng xông tới phá tan các tuyến phòng thủ khác của địch, nhất là với chiến thắng Xuân Lộc (21-4) đã đẩy chính quyền Sài Gòn lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng chính trị và đó là dấu hiệu báo trước Sài Gòn sẽ thất thủ.
Với chiến thắng quan trọng này đã tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc. Thắng lợi này như một điểm son chói lọi mãi mãi được ghi dấu trong bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam.
Tùng Lâm