Chiến lược hồi sinh ngành công nghiệp không khói

03/04/2021 15:55

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã “thổi bay” 1.300 tỷ USD doanh thu của ngành Du lịch toàn cầu. Mặc dù chương trình tiêm vắc xin phòng ngừa vi rút SARS-CoV-2 đang được đẩy mạnh, song, dự kiến đến năm 2023, hoạt động đi lại trên thế giới mới có thể trở lại bình thường. Trong điều kiện đó, nhiều quốc gia đang tăng cường thúc đẩy du lịch nội địa để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Xinh tươi Việt Nam

Nếu trước đây, những danh thắng nổi tiếng thế giới luôn trong trạng thái “chật như nêm” bởi du khách thì sự xuất hiện của vi rút SARS-CoV-2 đã khiến những nơi này rơi vào cảnh đìu hiu. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã gọi năm 2020 là năm tệ hại nhất trong lịch sử ngành Du lịch. Số lượt du khách quốc tế giảm 1 tỷ lượt, tương đương 74%, gây ảnh hưởng tới khoảng 100 – 120 triệu việc làm trực tiếp trong ngành Du lịch. Trong lúc chờ đợi thế giới hoàn tất chương trình tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19 để mở cửa biên giới, nhiều quốc gia đã đưa ra chương trình kích cầu du lịch nội địa để giảm thiểu thiệt hại cho nền “công nghiệp không khói”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) Yuthasak Supasorn cho biết, năm 2021, đơn vị này ít tập trung khai thác thị trường khách nước ngoài mà chú trọng đến khách du lịch trong nước. Xứ sở Chùa Vàng đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.188 tỷ baht (38,8 tỷ USD) từ chiến lược phát triển du lịch nội địa. Một trong những điểm đáng chú ý của chiến lược này là khuyến khích người dân đi du lịch vào những ngày làm việc. Ngoài ra, TAT cũng tổ chức các cuộc thảo luận để thực hiện kích cầu liên quan đến các ngày lễ địa phương của từng khu vực. Nội các Thái Lan đã thông qua kế hoạch tạo thêm 8 ngày nghỉ đặc biệt trong năm 2021 để trợ giúp ngành Du lịch, cố gắng tạo ra những kỳ nghỉ dài ngày.

Chính phủ Australia vừa quyết định hỗ trợ hơn 1 tỷ AUD để các hãng hàng không giảm 50% giá vé các chuyến bay nội địa nhằm thúc đẩy ngành Du lịch phục hồi. Từ ngày 1-4-2021, khoảng 800 nghìn vé máy bay nội địa sẽ được chính phủ Australia trợ giá. Mỗi tuần, người dân nước này sẽ có cơ hội mua 46 nghìn vé máy bay giá rẻ tới 13 điểm du lịch nổi tiếng của Australia. Ngoài ra, các khách sạn, nhà hàng, quán bar và các công ty lữ hành sẽ được hỗ trợ để khôi phục hoạt động. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng, với khoản hỗ trợ mới, sẽ có nhiều người dân đi du lịch hơn; các khách sạn, nhà hàng và điểm du lịch sẽ có nhiều khách hơn, từ đó tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy nền kinh tế. “800 nghìn vé máy bay có giá giảm 50% sẽ giúp nền kinh tế phục hồi”, Thủ tướng Scott Morrison kỳ vọng.


Nhân viên sân bay Bali (Indonesia) chào đón khách du lịch nội địa.

Thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến khích người dân đi du lịch trong nước như phát phiếu giảm giá khách sạn, khu nghỉ dưỡng… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cùng Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) cho biết, 29 tỷ won (25 triệu USD) đã được phân bổ cho chương trình cung cấp phiếu giảm giá tới người dân dùng dịch vụ lưu trú. Mỗi người dân có thể dùng 1 voucher khi đặt phòng trực tuyến qua nền tảng của 27 đơn vị lữ hành. KTO còn chuẩn bị nhiều chương trình khác như trợ giúp người khuyết tật tận hưởng kỳ nghỉ. Ông Kim Seok, cán bộ phụ trách du lịch và phúc lợi tại KTO, cho biết: “Chúng tôi khuyến khích những công ty du lịch quy mô vừa và nhỏ tham gia chương trình và sẽ hỗ trợ để họ vượt qua khó khăn”.

Tại Nhật Bản, chính phủ nước này chuẩn bị nối lại chương trình kích cầu nội địa có tên “Go to travel Campaign” (Chiến dịch đi du lịch), chi 12,6 tỷ USD nhằm hỗ trợ 50% kinh phí cho các chuyến du lịch trong nước, bao gồm phí lưu trú và phí vận chuyển. Mỗi người dân đi du lịch sẽ được hỗ trợ không quá 20 nghìn yên (khoảng 4 triệu đồng). Các doanh nghiệp tham gia chương trình được yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Đánh giá về các chương trình kích cầu du lịch nội địa, Hội đồng chuyên gia du lịch UNWTO chỉ ra rằng, sự lên ngôi của du lịch nội địa sẽ thúc đẩy nhu cầu về các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên và du lịch nông thôn. Các chuyên gia cũng đề cập tới sự nổi lên của xu hướng “du lịch chậm” và du lịch cộng đồng, hướng tới những trải nghiệm chân thực, trách nhiệm và bền vững.

Với tốc độ phục hồi nhanh hơn du lịch quốc tế, du lịch nội địa sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Hương Giang

Đọc nhiều