Chiến lược 3 mũi giáp công và hành trình kiến tạo hệ thống “thành đồng vách sắt” trên biển của riêng Việt Nam
Cùng hành lang chủ quyền trong lãnh hải, 2 “hành lang chủ quyền” do Việt Nam kiến tạo trên thềm lục địa và quần đảo Trường Sa đã tạo nên 3 “vách sắt” cho “thành đồng trên biển“.
Trong một phân tích công bố hôm 10/10/2019 trên báo mạng Hồng Kông Asia Times, chuyên gia Richard Javad Heydarian cho rằng phản ứng kiên quyết của Việt Nam trước những hành động gần đây của Trung Quốc bắt nguồn từ một chiến lược đã được hoạch định từ trước để ngăn chặn việc Trung Quốc thâu tóm toàn bộ Biển Đông. Đây là một chiến lược ba mũi giáp công, với ba mặt trận được triển khai song song nhằm bổ khuyết thế yếu về mặt quân sự của Việt Nam khi phải kháng cự lại một lực lượng Trung Quốc hùng mạnh hơn.
Mặt trận thứ nhất là ngoại giao, theo chuyên gia Heydarian, Việt Nam đã áp dụng chính sách ngoại giao chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ các định chế khu vực và quốc tế, cũng như vận động cộng đồng quốc tế lên án Trung Quốc khi nước này đang đe dọa hàng hải và tự do hàng không ở Biển Đông.
Trên bình diện chiến lược và quân sự Việt Nam đã tăng cường đối tác chiến lược với một loạt cường quốc khu vực và thế giới. Từ Nga, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản… các cường quốc này đều đã tích cực giúp Việt Nam tăng cường năng lực giám sát và đảm bảo an ninh trên Biển Đông. Nổi bật trong các đối tác này là Nga, theo ông Heydarian Nga là nước chủ chốt giúp Việt Nam tăng cường năng lực quân sự và Việt Nam hiện đang tìm mua các phương tiện tiên tiến của Nga từ các loại tàu ngầm lớp Kilo cho đến chiến đấu cơ tiên tiến có thể được triển khai ở Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc. Việt Nam cũng mời các tập đoàn năng lượng Nga đến thăm dò tại các khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo ghi nhận của ông Heydarian việc Việt Nam mời gọi dầu khí Nga vào Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc bớt hung hăng.
Mặt trận thứ 3 mà Việt Nam đang triển khai chính là cố gắng giảm sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Việt Nam đã liên kết với các khối kinh tế lớn không có Trung Quốc. Tư cách kinh tế của Việt Nam trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP 11) cũng như là Hiệp định Tự do mới với Liên hiệp Châu Âu sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa hơn nữa nền thương mại của mình. Bên cạnh đó theo TS Bùi Hải Đăng nhận định: “Việt Nam đã xây dựng thành công hệ thống phòng thủ “hai hành lang, một vành đai trên Biển Đông”.
Các hoạt động bí mật và khẩn trương của Việt Nam đối với hai “hành lang chủ quyền” này đã củng cố thành công các “vách sắt” cho việc triển khai sớm nền tảng của “vành đai kinh tế” với các hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí đa phương trên Biển Đông ngay trong thập niên 1990 – nền tảng lợi ích chung về kinh tế cho sự hoàn chỉnh của một bức “thành đồng” đại diện cho mạng lưới an ninh đa phương do các nước nhỏ điều phối trong vùng biển của mình trên Biển Đông.
Cùng với hành lang chủ quyền trong khu vực lãnh hải, hai “hành lang chủ quyền” do Việt Nam kiến tạo trên khu vực thềm lục địa và quần đảo Trường Sa đã tạo nên ba “vách sắt” xương sống cho sự hình thành hệ thống “thành đồng trên biển” của riêng Việt Nam.
Việt Nam cũng tích cực hoàn thiện “vành đai kinh tế” hợp tác khai thác dầu khí ở thềm lục địa từ thập niên 1990, và đã duy trì được sự hiện diện của một số lượng các tập đoàn dầu khí khổng lồ của các nước lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ,… dưới sự lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) Việt Nam.
Từ đó tạo nên áp lực ngoại giao từ các cường quốc liên quan đến các hoạt động “tấn công vùng xám” của Trung Quốc. Các phát ngôn từ Bộ Ngoại giao Mỹ, từ văn phòng Tổng thống Nga và từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ khi Trung Quốc cử hải cảnh và tàu Hải dương 8 xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam cho thấy sự hiệu quả của chiến lược đa phương hoá “vành đai kinh tế” hiện hữu.
Từ những phân tích kể trên, có thể thấy, Việt Nam đang từng bước hoàn thành hệ thống “thành đồng, vách sắt” trên Biển Đông với sự đan cài lợi ích kinh tế giữa các cường quốc và dung hoà năng lực pháp lý và khả năng điều phối với các bên còn lại trong ASEAN. Đây chính là “điểm sáng” trong cách hành xử phi vũ lực và phù hợp với chủ trương đàm phán hoà bình, thượng tôn pháp luật cần thiết trong việc giải quyết các “điểm nóng” về tranh chấp chủ quyền trong một thế giới còn quá nhiều “vùng xám” về pháp lý.
Hà Nhiên (T.H)