419
category
450144

Chìa khoá nào cho nạn ùn tắc nghiêm trọng tại các “nút thắt” giao thông?

Hải Anh 18/11/2020 17:37

Thành phố Hà Nội đã thông xe đường vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng, nhằm san sẻ áp lực phương tiện cho tuyến đường dưới thấp. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông tại Ngã Tư Sở lại tái diễn vào giờ cao điểm, thậm chí còn trầm trọng hơn, so với thời điểm trước khi thông xe tuyến đường Vành đai 2. Và đỉnh điểm của câu chuyện tắc đường là sau cơn mưa chiều 16/11 nhiều người chật vật di chuyển trên các tuyến phố Hà Nội, các phương tiện ùn ứ và trong tình trạng kẹt xe thì mức tiêu thụ nhiên liệu của ô tô báo cao ở mức đột biến, có người đốt ở mức hơn 50 lít xăng cho 100km.

Thực tế, câu chuyện tắc đường không phải đến bây giờ người ta mới đưa ra bàn luận mà từ đã có nhiều giải pháp đưa ra để chống kẹt xe, có nhiều cuộc thi và tuyên bố về tổ chức giao thông hiện đại cho Hà Nội. Đề xuất hạn chế xe máy, rồi tiến đến cấm xe máy. Người dân chuyển sang mua xe ôtô cá nhân, kết quả là ôtô lại tăng lên và đường giao thông lại tắc hơn. Điều cốt lõi là mật độ dân số tập trung ở trung tâm thành phố càng ngày càng tăng, các trường đại học quá dày đặc ở trung tâm thành phố. Đặc biệt tuyến đường đi qua cụm các trường đại học (ĐH): Kinh tế quốc dân, Xây dựng, Bách khoa thường xuyên lâm vào tình trạng ùn tắc như nêm vào nhiều khung giờ. Tương tự, tuyến đường Nguyễn Trãi đoạn từ Ngã Tư Sở đến quận Hà Đông cũng là cửa ngõ của nhiều trường đại học, mỗi khi tan trường đổ vào dòng xe cộ như “ong vỡ tổ” khiến ngã tư sở trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người…

Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra với chiều hướng phức tạp hơn sau khi đưa một đoạn đường VĐ2 trên cao vào khai thác…

Hay thử làm một phép tính, bình quân mỗi trường ĐH tại đây có khoảng 10 nghìn sinh viên (ĐH, sau ĐH và các loại hình đào tạo khác) vào giờ cao điểm tất cả cùng đổ về cổng trường, tham gia giao thông trên đường cũng đủ hình dung được con đường đó sẽ tắc như thế nào. Trên một con đường Xuân Thuỷ (Cầu Giấy) có đến 3 trường đại học và lượng sinh viên tại các trường lân cận không ngừng gia tăng hàng năm là nguyên nhân chính làm các nút giao thông trên tái ùn tắc. Hay con phố nhỏ Chùa Láng chiều dài khoảng 500m, mặt đường nhỏ 6m mà phải cõng lên mình 3 trường đại học lớn: ĐH Ngoại Thương, ĐH Ngoại Giao, Học viện Thanh Thiếu niên.

Mà một thực trạng từ đợt xảy ra dịch bệnh chúng ta có thể nhận ra rõ một vấn đề rằng những ngày nghỉ, giãn cách xã hội khi số học sinh, sinh viên được nghỉ thì Hà Nội không còn cảnh tắc đường, hay thời điểm những ngày hè khi sinh viên các trường ĐH về nghỉ hè thì ùn tắc tại một số tuyến phố, nút giao thông qua các trường ĐH giảm rõ rệt. “Tôi ở Hà Nội, sau những ngày nghỉ lễ dài sinh viên chưa lên học. Chỉ có những người phải đi làm, tôi có cảm giác đường thoáng rộng và đỡ ùn tắc hơn rất rất nhiều”, bạn Hương chia sẻ.

Chính vì vậy mà, một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn nạn tắc đường đó chính là di dời các trường đại học. Mặc dù, chủ trương di dời các trường đại học ra khỏi trung tâm Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ lâu. Tuy nhiên, cho đến nay việc di dời các công trình này gần như vẫn “giậm chân, tại chỗ”. Thiết nghĩ, cần phải có sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ngành và quyết tâm về công tác tư tưởng của lãnh đạo các nhà trường.

Thực tế, câu chuyện tắc đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân chứ không đơn thuần là lượng sinh viên tập trung đông. Nguyên nhân của tắc đường xuất phát từ nhiều yếu tố: Đầu tiên là ý thức người tham gia giao thông, thứ đến là cơ sở hạ tầng đường xá chật hẹp, xuống cấp; thứ đến là điều kiện hạ tầng về các phương tiện giao thông công cộng thiếu thốn, lạc hậu đến hàng vài chục năm; thứ đến là quy hoạch khu dân cư (như nhà chung cư), khu sản xuất công nghiệp, trường học…rất thiếu khoa học và tùy tiện; sự gia tăng dân số đô thị quá nhanh, cả về người thường trú và tạm trú… Từng đấy thứ đã đủ để làm cho tình trạng tắc đường, kẹt xe ngày càng chở nên trầm trọng.

Thiết nghĩ để giải quyết ùn tắc đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp từ vi mô đến vĩ mô. Về vi mô, trong giờ cao điểm, tình trạng các phương tiện dừng đỗ ven đường vẫn xảy ra cần xử lý ngay để tránh tạo thành nút cổ chai gây tắc. Vĩ mô là các giải pháp liên quan đến phát triển nhà ở, giãn dân ra khỏi khu vực nội đô, di dời các trường đại học, cơ sở sản xuất ra ngoại thành. Tất cả các giải pháp này cần tính toán cho kĩ, như di dời các trường học, cơ sở ra ngoại thành phải quyết liệt làm, đồng thời việc di dời này cũng cần phải làm đồng bộ tránh chuyện trụ sở di dời ra một chỗ mà chỗ ở vẫn ở nơi cũ chắc chắn sẽ gia tăng việc ách tắc. Với góc nhìn của người tham gia giao thông hàng ngày, thiết nghĩ, chúng ta cần có cuộc khảo sát và đánh giá một cách căn cơ một số tiêu chí, đưa ra các giải pháp hữu hiệu để dư luận có cách nhìn đúng mực và sẻ chia.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều