419
category
327553

Chỉ vì ’em chồng của vợ’?!

04/10/2019 09:00

Dư luận bàn tán râm ran về tít của một tờ báo: ‘Vợ ông Triệu Tài Vinh bị kiểm điểm vì để em chồng tác động nâng điểm thi cho con’.

Minh họa: Ngọc Diệp

 

Thông tin này bắt nguồn từ ngày 1/10, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã thông báo kết quả kiểm tra, xem xét xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Có tới 151 cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm sửa điểm trong kỳ thi TPHT quốc gia năm 2018 tại tỉnh này. Trong đó có 46 cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm đã bị xử lý kỷ luật.

Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh và ông Vũ Văn Sử, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT đã bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đang kiểm tra việc thi hành kỷ luật Đảng.

Để ra được thông báo này, Hà Giang đã thành lập 36 đoàn kiểm tra, trong đó Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy lập 15 đoàn; các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy lập 21 đoàn.

Đây có lẽ là vụ kiểm điểm liên quan nhiều người nhất trong lịch sử thi cử nước ta nhưng có lẽ không vì lẽ đó mà vụ việc được người ta bàn tán nhiều đến vậy.

Dư luận đang hết sức chú ý tới hành vi được xác lập trong thông báo kết luận kỷ luật ở mức khiển trách của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang với nhiều cán bộ, đảng viên.

Cụ thể là hành vi “để người khác tác động” nâng điểm cho con. Quả là một cách diễn đạt chưa từng có trước đó.

Đáng lưu ý là trong 151 trường hợp bị nêu danh, có rất nhiều người không tự tác động nâng điểm thi cho con mà “để người khác tác động”. Thật lạ, cán bộ không lo việc của mình lại chăm chăm đi tác động nâng điểm cho… con người khác.

Thử đọc lại một trường hợp: “Bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (vợ ông Triệu Tài Vinh, người đứng đầu Tỉnh ủy Hà Giang ở thời điểm vụ gian lận thi cử xảy ra – NV) phải kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm vì để em chồng tác động nâng điểm thi cho con”.

Nhiều người bình luận hài hước rằng: “Em chồng” bà Phạm Thị Hà ở đây không phải em ruột ông Triệu Tài Vinh, mà chỉ là em chồng của vợ ông ý. Một cách nói loanh quanh khiến người ta “ung thủ”.

Xin nhắc lại một chi tiết đáng chú ý, trong vụ Công ty CP VN Pharma bán thuốc giả xuất hiện một tình tiết: Phó tổng giám đốc Pharma là em chồng Bộ trưởng Bộ Y tế và trước đó Bộ trưởng cam đoan không hề có người thân tại công ty này. Lý do đơn giản thôi, trả lời báo chí, Thứ trưởng bộ này viện dẫn luật khẳng định em chồng không phải là người thân.

Nếu như thế thì em chồng bà Phạm Thị Hà không phải là người thân của bà Hà. Không phải người thân của bà Hà vì sao vô cớ tác động nâng điểm thi để bà bị kiểm điểm?

Tóm lại, sự diễn đạt loanh quanh thể hiện cán bộ không có văn hóa nhận lỗi, nhận trách nhiệm, cách xử lý vẫn còn có xu hướng nói giảm, nói tránh. Vẫn là thói quen xưa nay thành tích thì nhận lấy, ôm vào, còn lỗi thì đùn đẩy cho người khác, cho khách quan.

Mới đây, dư luận đã cực kỳ hoan nghênh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi ông thay mặt Bộ Chính trị đã ký Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Trong đó nghiêm cấm “Để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ”.

Nhiều người cho rằng, nếu quy định này mở rộng, không chỉ chống chạy chức, chạy quyền mà còn cả chạy điểm thì chắc chắn nhiều quan chức là đảng viên ở Hà Giang sẽ phải nhận mức án kỷ luật nghiêm khắc hơn.

Nguyễn Thế Thịnh/Giao Thông

Đọc nhiều