5
category
609546

Chỉ thị “đặc trị” nạn thiếu thuốc, bệnh nhân nằm chờ

Công Luân 21/09/2022 15:39

Một bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện một tuần nhưng vẫn thoi thóp nằm chờ vì thiếu thuốc giải độc; Hàng loạt bệnh viện phải bó tay trước những bệnh nhân tim mạch dù đã là tuyến cuối vì thiếu thuốc Protamin sulfat; Hàng trăm nghìn người bệnh có bảo hiểm y tế phải tự bỏ tiền mua thuốc bên ngoài với giá cắt cổ không thời hạn… Đó là một vài ví dụ về thực trạng nhức nhối do tình trạng thiếu thuốc trầm trọng của nước ta hiện nay. Nền sức khỏe của toàn dân bị đe dọa, vì đâu nên nỗi?

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi người bệnh tại khu vực nhà thuốc Bệnh viện Chợ Rẫy.

Đại dịch Covid-19 đã qua đi nhưng nó vẫn là một lý do vô cùng hoàn hảo để đổ lỗi cho mọi thứ. Ví dụ như việc thiếu thuốc và vật tư ngành y tế trầm trọng. Thế nhưng, dù có lấp liếm cỡ nào cũng không thể thay đổi được những câu chuyện hậu trường về quá trình đấu thầu mà trong đó trách nhiệm của những người đứng đầu không phải là nhỏ.

Xin khẳng định, một quy trình đấu thầu thuốc phải diễn ra trong vòng từ 4 đến 5 tháng. Có nghĩa là chính các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh đã phải lên kế hoạch tính toán được số lượng thuốc và vật tư y tế cần dùng. Điều đó bao gồm việc khám bệnh trở lại ồ ạt của người dân sau khi dịch bệnh chấm dứt và cả số lượng người sẽ tới khám theo diện bảo hiểm y tế. Nhưng do chủ quan với lối làm việc ỷ y, chủ quan, rập khuôn, khi thiếu thuốc hoặc vật tư y tế, cơ sở y tế có thể vay, mượn đơn vị cung cấp trước, sau đó làm hồ sơ trả sau. Tuy nhiên, thời gian gần đây như Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thẳng thắn chia sẻ: “Có tâm lý e dè của người đứng đầu“, công bộc của dân sợ sai còn nhà cung cấp vật tư y tế thì sợ thanh tra, thành ra mới dẫn đến tình trạng thiếu thuốc nghiêm trọng. Trong khi đó, người bệnh vì lý do duy trì sức khỏe của mình vẫn cứ phải tự cắn răng, móc hầu bao để chi trả dù phải chịu vô vàn thiệt thòi.

Chính giám đốc bệnh viện tại TP.HCM đã từng thừa nhận rằng, từ cuối tháng 6 Bộ Y tế đã chính thức có thông báo về nguyên nhân tình trạng thiếu thuốc và vật tư. Trong đó nhấn mạnh, lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh. Chính vì thế, dù thiếu thuốc, vật tư nhưng sợ bị phê bình nên các bệnh viện không dám thông tin bởi sợ truy trách nhiệm người đứng đầu tại sao để thiếu. Và điều này cũng phần nào lý giải cho việc Bộ Y tế xin trả lại 800 tỷ, trong 14 nghìn tỷ đồng đầu tư công, chưa sử dụng trong khi tình trạng khan hiếm và thiếu hụt vô cùng nghiêm trọng.

Mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị. Tuy nhiên, tâm lí lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra vẫn diễn ra. Đủng đỉnh tới mức, chính Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phải lên tiếng chỉ đạo:”Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm“. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các cơ quan phải nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo giải quyết việc cấp bách thiếu thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Quy hẳn trách nhiệm cho người đứng đầu, tránh tình trạng cha chung không ai khóc. Có thể nói, Chỉ thị số 16 là một công cụ pháp lý rất cấp thiết và kịp thời, giải quyết nỗi lo cho người dân và đảm bảo việc nâng cao sức khỏe cho toàn dân.

Việt Nam vừa đi qua đỉnh dịch được một năm. Đại dịch đã hằn lại những vết dấu xác xơ, nhưng cũng là cơ hội tăng sức đề kháng, giúp nền y tế chuyển mình, chống chịu mạnh mẽ hơn trước những tai họa khó lường trong tương lai và cũng là để vá lại những vết hổng rất lớn mà trước giờ vẫn kêu gọi nhưng không ai trả lời!

Công Luân

Đọc nhiều