130115
topics
524780

Chỉ thị 19 của Thủ tướng quy định giãn cách xã hội thế nào?

15/06/2021 11:56

Chỉ thị 19 của Thủ tướng về giãn cách xã hội yêu cầu áp dụng phương châm ‘4 tại chỗ’, tuyệt đối không lơ là, chủ quan…

Ngày 14.6, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, quyết định TP.HCM sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg trên toàn thành phố thêm 2 tuần, riêng Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) chuyển từ áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg sang Chỉ thị 15/CT-TTg kể từ ngày 15.6. Sau 1 tuần, tùy theo tình hình thực tế, một số khu vực trên địa bàn TP.HCM có thể chuyển sang Chỉ thị 16/CT-TTg hoặc Chỉ thị 19/CT-TTg.

Vậy nội dung cách ly, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ như thế nào?

Chỉ thị 19/CT-TTg: “Chống dịch như chống giặc”

Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới được ban hành ngày 24.4.2020 và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Chỉ thị 19 quy định, các cơ quan ban ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Đồng thời thực hiện mục tiêu tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm với sự quản lý cụ thể của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Một người dân sống trong khu phong tỏa tại P.Thạnh Lộc, Q.12 (TP.HCM) nhận quà tiếp tế từ các nhà hảo tâm /// Ảnh: Phạm Thu Ngân
Một người dân sống trong khu phong tỏa tại P.Thạnh Lộc, Q.12 (TP.HCM) nhận quà tiếp tế từ các nhà hảo tâm

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đồng thời với việc làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong; phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, được nới lỏng các biện pháp hạn chế để phục vụ phòng, chống dịch đã thực hiện phù hợp với diễn biến dịch bệnh; khôi phục các hoạt động kinh tế – xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là tại TP.HCM và Hà Nội

Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu

Bên cạnh việc nới lỏng các biện pháp hạn chế để phục vụ phòng, chống dịch đã thực hiện phù hợp với diễn biến dịch bệnh, Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.

Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, quán bar, vũ trường…) và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác theo quyết định hoặc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn…) trừ các cơ sở dịch vụ không thiết yếu, khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Đối với hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh, Chỉ thị 19 cho phép được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ GT-VT.

Riêng đối với vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, áp dụng các biện pháp phù hợp đặc thù ngành hàng không, bảo đảm an toàn cho hành khách, ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh.

Các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết được tổ chức

Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh.

Đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan đơn vị một cách phù hợp bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên.

Không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời gian, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Riêng đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: đeo khẩu trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách; thực hiện giám sát về y tế; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng.

Duy Anh

Đọc nhiều