8
category
439281

Chỉ huy công trình Rào Trăng 3 nói gì trước khi xảy ra sạt lở

Hồng Anh 16/10/2020 08:01

Trời mưa nhiều ngày trước khi xảy ra sự cố đất đá vùi lấp lán trại của công nhân ở Thuỷ điện Rào Trăng 3, nhiều người muốn về nhà nhưng không thể.

Là một trong những người thoát nạn, ông Nguyễn Đình Minh (63 tuổi, quê Quảng Trị) nói khu vực xây dựng thuỷ điện có một số điểm sạt lở nhỏ do mưa khiến việc đi lại gặp khó khăn. Ngày 8/10, từ sân trộn bê tông, đất đá tràn xuống, xô đổ một xe chở xi măng bột khoảng 30 tấn.

Ông Minh kể lại sự việc.

Chiều 11/10, người chỉ huy công trình nói ông Minh nấu cơm cho anh em ăn sớm “để còn đi tránh nạn”. Đề phòng lũ, công nhân di chuyển xe máy xuống bãi gạch táp lô phía dưới khu nhà ở. Máy móc trong nhà vận hành cũng được chuyển đi.

Sau bữa tối lúc 17h30, nhóm công nhân chia nhau về lán trại, phân chia theo hạng mục đảm nhận thi công. Tại nhà điều hành lúc này có khoảng 17 người là nhân viên kỹ thuật, vận hành máy cẩu, máy xúc. Trước đó, theo lệnh của chỉ huy, họ phải chuyển đi song 17 người xin ở lại khu nhà điều hành với lý do “xung quanh đất đá đều sạt lở, không biết ở chỗ nào thì an toàn”.

Cùng lán với ông Minh, tối hôm đó, anh Hồ Văn Điều (22 tuổi, trú huyện Đrakông, Quảng Trị) rót vài ly rượu sâm cau mời hai anh Nghĩa và Thịnh, công nhân lái máy cẩu quê huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) uống thử. Thịnh và Nghĩa sau đó rủ xuống nhà điều hành nằm ngủ vì còn trống hai chỗ nhưng anh Điều từ chối với lý do “mưa nên ngại đi”.

“Tôi nói hai anh đưa một chiếc đèn để trực. Nếu có sạt lở thì hét báo tin”, anh Điều kể. Khoảng 23h sạt lở xảy ra. Đất đá tràn xuống khu nhà điều hành. 0h ngày 12/10, nghe thấy tiếng động khá lớn, anh vội chạy ra ngoài, ở phía sau cả dãy dài lán trại và nhà điều hành bị vùi lấp. Nghĩa và Thịnh ở trong đó.

Khu nhà điều hành từng bị sạt lở, trước khi bị đất đá nhấn chìm. Ảnh: Nhân chứng cung cấp.
Khu nhà điều hành từng bị sạt lở, trước khi bị đất đá nhấn chìm. Ảnh: Nhân chứng cung cấp.

Ở cùng với ông Minh và Điều, anh Hồ Văn Thoàng (27 tuổi, quê Quảng Trị) sau khi bị nhấn chìm xuống nước đã cố gắng bật dây, hô lớn “anh em mô hết rồi”. “Đáp lại trong đêm tối là những tiếng trả lời với âm thanh yếu ớt: Còn sống, còn sống”, Thoàng kể.

Khi chưa nhìn ra đồng nghiệp đang ở đâu vì trời tối om, anh Thoàng bị bùn đất vùi một lần nữa. Trong tiếng đất đá đổ xuống, Thoàng vẫn nghe tiếng “cứu em với, cứu em với” nên cố cào, gạt chướng ngại vật xung quanh để thoát ra ngoài. Trong lán của anh trước đó có 7 người.

Đất đá cuốn bay tất cả mọi vật dụng trong lán trại, từ quần áo đến đồ đạc. Anh Thoàng may mắn vơ được chiếc điện thoại trong lớp đất đá. Sau ít phút tự trấn tĩnh, Thoàng bật đèn pin điện thoại để soi đường.

Trong ánh sáng lập loè, anh và nhiều người phụ giúp kéo anh Hồ Văn Triều (25 tuổi, quê Quảng Trị) bị bong gân đang chôn chân ở giữa khu lán trại với nhà vệ sinh. Ông Minh bị cây đè lên người cũng được cứu thoát.

Bảy người tìm thấy nhau trong đống hoang tàn. Một số người bị thương ở chân, vùng mặt. Cả nhóm mò mẫm tìm đường ra được con suối nhỏ lúc 1h. Họ không dám tiếp tục di chuyển trong đêm tối, mà tìm một quả đồi cao ráo để ngồi chờ trời sáng trong mưa lạnh và đói.

Anh Thoàng (áo trắng) cùng ba công nhân được điều trị ở Bệnh viện Bình Điền.

Khoảng 6h, mọi người bàn tính “ngồi ở chỗ nào cũng sợ” nên quyết định dìu nhau về hướng Thuỷ điện Rào Trăng 4, cách Rào Trăng 3 khoảng 10 km về phía hạ nguồn.

Ông Minh và anh Triều được các đồng nghiệp cõng đi. Người khoẻ hơn thay phiên nhau cõng vì đất bùn lút đến gần đầu gối, di chuyển khó khăn. Dọc đường, họ nhặt được vài gói mì tôm nên chia nhau ăn lấy sức. Trưa 12/10, nhóm công nhân đến Rào Trăng 4. Tại đây, họ gặp hơn 30 người nữa cùng ở Rào Trăng 3 về, trong đó có 3 chuyên gia Ấn Độ.

Chiều hôm sau, 5 người bị thương nhẹ trong nhóm anh Điều được đưa về Bệnh viện Bình Điền. Hai người bị thương nhẹ hơn nên được cho về nhà. Đến chiều 14/10, tại thủy điện Rào Trăng 4, lực lượng cứu hộ đưa được 19 người ra ngoài an toàn. Tại thủy điện Rào Trăng 3, một thi thể được tìm thấy.

Tại thủy điện Rào Trăng 4, các công nhân bị cô lập do mưa lũ, giao thông chia cắt, lương thực dự trữ chỉ đủ dùng một ngày. Lực lượng cứu hộ đã dùng trực thăng thả nhu yếu phẩm xuống. Nhà chức trách xác định khoảng 17 công nhân mất tích sau vụ sạt ở đất.

Quá trình cứu hộ nhóm công nhân thủy điện, đêm 12/10, nhóm 13 cán bộ, chiến sĩ trong đó có Phó tư lệnh Quân khu 4 cũng mất tích do sạt lở đất tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng 67 – cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 10 km. Chiều 15/10, tất cả các thi thể đã được tìm thấy tại đây, đưa về bệnh viện quân y 268 ở TP Huế.

Chủ đầu tư Thủy điện Rào Trăng 3 là ai?

Liên quan sự cố sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 (ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) khiến 17 công nhân thi công dự án gặp nạn do sạt lở, trong đó 3 người chết và 14 người mất tích.

Được biết, Thủy điện Rào Trăng 3 được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép giao cho Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn thực hiện vào tháng 11/2008. Dự án được xây dựng trên sông Rào Trăng (nhánh cấp I của sông Bồ), thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đây là nhà máy thủy điện thứ 13 tại Thừa Thiên Huế được cấp phép đầu tư xây dựng. Thời điểm cấp phép, dự án có công suất lắp máy 11 MW, tổng nguồn vốn đầu tư 290 tỉ đồng.

Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha; trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ.

Cứu hộ Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đang chờ lệnh vì thời tiết bất lợi

Vào năm 2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 2631/QĐ-BCT về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch thủy điện nhỏ tỉnh Thừa Thiên Huế đối với dự án thủy điện Rào Trăng 3. Dự án có nhiệm vụ chính là phát điện lên lưới điện quốc gia.

Sơ đồ khai thác gồm đập chính dâng kết hợp đập tràn xả lũ trên sông Rào Trăng, tuyến năng lượng bờ phải và nhà máy thủy điện kiểu hở xả nước trở lại sông Rào Trăng.

Sau khi Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, dự án Thuỷ điện Rào Trăng 3 có công suất nhà máy được nâng lên 13MW và điện lượng trung bình hàng năm là 44,343 triệu kWh.

Dự án cũng được thay đổi nhà đầu tư từ Công ty TNHH tư vấn xây dựng Trường Sơn sang Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 tại địa chỉ tại Số 43 đường số 06 Khu đô thị An Cựu, Phường An Đông, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế.

Công ty này được thành lập vào tháng 6/2011, ngành nghề đăng ký kinh doanh bao gồm sản xuất, truyền tải và phân phối điện; Xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi, điện cao thế, thủy điện;…

Được biết tại Thừa Thiên Huế, có tới 3 dự án quy hoạch thủy điện được lập, trong đó có 2 quy hoạch do Bộ Công Thương lập và 1 quy hoạch thủy điện nhỏ của tỉnh.

Doanh nghiệp đầu tư Thủy điện Rào Trăng 3 nơi 13 bộ đội đang mất liên lạc là ai?
Hình ảnh ngập lụt ở Thừa Thiên Huế trong những ngày qua.

Các dự án thủy điện theo quy hoạch là 21 dự án với tổng công suất 450MW nhưng tập trung chủ yếu vào 5 công trình: A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, A Lin 1 và Tả Trạch với tổng công suất 360 MW.

Đối với các thủy điện nhỏ, thường được gọi là thủy điện bậc thang, theo Quyết định số 1666/QĐ-UBND ngày 23/07/2008 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh, tổng số các dự án là 11 dự án; tổng công suất các nhà máy khoảng 105,8 MW.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các công trình thủy điện đã và đang xây dựng ở Thừa Thiên Huế phần lớn là các công trình đập lớn với hồ chứa có dung tích chứa nước từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu m3, khi xây dựng đập thường làm ngập một diện tích đất đai lớn trong khu vực lòng hồ, đồng thời trong quá trình vận hành, khai thác cũng gây tác động tới tài nguyên và môi trường trong lưu vực sông.

Từ năm 2011, Bộ TN&MT đã cảnh báo về những bất cập trong xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện ở Thừa Thiên Huế.

Chẳng hạn như sự thay đổi chế độ dòng chảy hạ lưu các tuyến đập làm tốc độ bồi lắng trên sông Hương và các chi lưu như sông Đông Ba, Như Ý, La Ỷ… diễn ra nhanh, mạnh, làm hẹp diện tích thoát nước của các sông ngòi, tăng tình trạng ngập úng trong mùa lũ lụt, gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô hạn.

Đối với môi trường tự nhiên, các nhà khoa học cho rằng cần xem xét đánh giá kỹ lưỡng tác động của một số dự án trong quy hoạch thủy điện nhỏ, như dự án thủy điệm cụm Rào La, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 do ảnh hưởng đến khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền; nghiên cứu điều chỉnh giảm mức nước trước lũ ở các hồ chứa, tăng dung tích phòng lũ của các công trình hồ chứa thủy điện;…

Đọc nhiều