2
category
441381

Chi hàng tỉ “đô”, ngập vẫn ngập

22/10/2020 07:26

Loạt dự án dang dở, đề án “thuốc chữa ngập” nằm trên giấy… sai lầm từ quy hoạch đến tư duy chống ngập khiến TP.HCM loay hoay gần 2 thập niên, chi hàng tỉ USD vẫn chưa thoát ngập.

TP.HCM còn ngập đến bao giờ? /// Ảnh: Ngọc Dương
TP.HCM còn ngập đến bao giờ?

Triều cường, ngập cứ năm nay phá kỷ lục năm trước

Từ khoảng giữa tháng 9 đến nay, TP.HCM liên tục đón những cơn mưa dai dẳng, rải rác từ sáng đến đêm. Ngập nước cũng xảy ra thường xuyên khắp các tuyến đường ở TP.HCM. Không chỉ Nguyễn Hữu Cảnh, Huỳnh Tấn Phát, Ung Văn Khiêm, Thảo Điền (ở Q.Bình Thạnh, Q.2)… là những “rốn ngập”, ngay cả những nơi địa hình cao như Q.9, Thủ Đức cũng đã trở thành những “con đường đen tối”, hễ mưa là ngập.

Trên một trang web tổng hợp những tuyến đường hễ mưa là ngập tại TP.HCM – nơi người dân thường xuyên chia sẻ hình ảnh, lộ trình để cùng tránh ngập – ước tính toàn TP hiện có tới 66 điểm ngập. Trong khoảng 2 tuần vừa qua, cơn bão số 7 đổ bộ vào miền Trung cũng khiến miền Nam ảnh hưởng không nhỏ với nhiều trận mưa liên tiếp, kết hợp cùng triều cường khiến tình trạng ngập lụt càng trở nên nghiêm trọng.

Theo bản tin dự báo ngày 18.10 của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, ngày 19.10, triều cường giảm theo chu kỳ, đạt mức 1,66 m tại trạm đo Nhà Bè và Phú An. Tuy nhiên, số liệu đo thực tại trạm đo Nhà Bè chiều 19.10, lại bất ngờ lên 1,67 m và trạm Phú An là 1,68 m, vượt mức báo động 3. Không chỉ ngập gây tắc nghẽn giao thông, hàng trăm hộ dân sinh sống gần cầu Thanh Đa (Bình Thạnh) và khu vực đường Trần Xuân Soạn (Q.7), Huỳnh Tấn Phát (H.Nhà Bè)… khốn khổ vì phải bì bõm tát nước ra khỏi nhà, đúng bữa cơm chiều.

Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo và phục vụ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết tại TP.HCM, triều cường sẽ dâng cao nhất vào các đợt tháng 10, 11, 12. Từ nay đến cuối năm, mỗi tháng sẽ có 2 đợt triều cường, có khả năng mực nước sẽ tương đương hoặc cao hơn đợt dâng ngày 19.10 vừa qua, nghĩa là người dân TP sẽ còn hứng chịu với khoảng 6 – 7 ngày ngập do triều. Cùng với đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 7 cùng cơn bão số 8 dự báo vào tới Biển Đông ngày 26 – 27.10 tới, mùa mưa của TP sẽ kéo dài đến hết tháng 11. Mưa kết hợp với triều cường, dự báo gây ngập dữ dội.

“Không chỉ biến đổi khí hậu, các hiện tượng thiên tai dị thường xuất hiện ngày càng nhiều mà tình trạng bê tông hóa, sụt lún do khai thác nước ngầm vô tội vạ sẽ khiến TP.HCM ngày càng ngập nặng. Suốt 100 năm qua, TP đã trải qua nhiều trận mưa lịch sử, còn kinh khủng hơn nhiều nhưng không ngập nặng như hiện nay. Nhiều khu vực như ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh), trước đây, lượng mưa 70 – 80 mm nước mới mấp mé vào đến hẻm, nay chỉ cần 30 – 40 mm là cả hẻm đã ngập. Về mặt tự nhiên, tình trạng ngập sẽ ngày càng nghiêm trọng. Triều cường năm sau đè năm trước, ngập năm sau phá kỷ lục của năm trước”, bà Lan nhận định.

Chi hàng tỉ “đô”, ngập vẫn ngập - ảnh 1
Mưa ngập trên đường Nguyễn Siêu, Q.1 sau Nhà hát Thành phố. ảnh: khả hòa

Ai chịu trách nhiệm?

Mưa ngập triền miên, tiền đổ vào chống ngập cũng tỷ lệ thuận. Giai đoạn 5 năm qua, từ 2016 – 2020, tổng chi phí TP đầu tư cho chống ngập là 25.998 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD), nhưng ngập vẫn hoàn ngập.

Đối với những sách lược ảnh hưởng chung đến đời sống của người dân như chống ngập, phải có thống nhất, đồng bộ giữa tất cả các cấp, ban, ngành. Thống nhất sách lược mới đề ra chiến lược, phương hướng triển khai rồi giao từng bộ phận chuyên môn xử lý. Quan trọng nhất là phải giao trách nhiệm cho cá nhân, đơn vị cụ thể. Không có cơ quan nào thi hành kỷ luật những người vô trách nhiệm, ngân sách chống ngập thì cứ chi lãng phí mà không hiệu quả… ngập lụt, khốn khổ, chỉ “đổ đầu” dân.   

PGS-TS Nguyễn Lê Ninh

Đầu năm 2019, công tác chống ngập ở TP.HCM chính thức được “gộp” về một đầu mối là Sở Xây dựng với kỳ vọng sẽ giúp các dự án chống ngập “chạy” nhanh hơn. Bởi trước đó, Trung tâm chống ngập, đơn vị được giao phụ trách, xử lý ngập nước trên địa bàn TP nhưng lại không có chức năng quản lý nhà nước, không được chủ động xét duyệt các dự án. Điều này khiến việc xét duyệt dự án chậm trễ, mất thời gian.

Thế nhưng, công tác quản lý chống ngập hiện vẫn vô cùng rắc rối. Cụ thể, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) được giao thay mặt UBND TP làm chủ sở hữu, tổ chức quản lý vận hành, bảo trì toàn bộ hệ thống thoát nước, kiểm soát triều, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, xử lý bùn thải trên địa bàn TP… Tuy nhiên, khi liên hệ hỏi thông tin các dự án chống ngập, đại diện cơ quan này lại nói các dự án thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP, trung tâm không nắm thông tin. Giải pháp một nơi, dự án một nẻo, việc chống ngập vẫn “chạy” nhiều cửa không kém gì trước đây.

Trong bối cảnh đó, rất nhiều dự án quan trọng lại đang ì ạch hoặc bị “bỏ quên”. Đơn cử, dự án chống ngập 10.000 tỉ do Trung Nam Group làm chủ đầu tư dự kiến hoàn thành vào ngày 30.4.2018, nhưng sau nhiều lần trễ hẹn, đến giờ này vẫn chưa thể về đích. Cũng trong năm 2018, sau đề xuất của 1 doanh nghiệp, TP đã khảo sát, dự tính xây dựng 7 hồ điều tiết ngầm tại nhiều vị trí rải rác khắp TP. Hồ điều tiết được hầu hết các chuyên gia đánh giá là “thuốc chữa ngập”, giải pháp căn cơ khi mà diện tích thoát nước, thấm nước của TP ngày càng bị thu hẹp.

Thế nhưng, sau 2 năm, vẫn chưa có hồ điều tiết nào được triển khai xây dựng. Trả lời PV, đại diện đơn vị đề xuất ngán ngẩm chia sẻ: “Ý tưởng này được nhiều chuyên gia cùng lãnh đạo TP thời đó phụ trách mảng đô thị ủng hộ. Tuy nhiên từ khi vị này chuyển sang phụ trách mảng khác, các sở, ngành phía dưới cũng ngưng luôn, hồ sơ bị ngâm đến bây giờ vẫn chẳng có động tĩnh gì”.

PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học – kỹ thuật – môi trường thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM, đánh giá tất cả những bất cập trên là do sự thiếu trách nhiệm từ sách lược, chiến lược cho đến quá trình triển khai thực thi của các cấp quản lý. Tình trạng ngập hiện nay phần lớn là do lỗi quy hoạch thiếu tầm nhìn, phát triển chỉ nghĩ lợi ích trước mắt mà không tính toán được hệ lụy lâu dài. Trong quá trình loay hoay khắc phục sai lầm, toàn bộ cơ cấu điều hành của khối lãnh đạo lại không thống nhất, thiếu trách nhiệm, đời lãnh đạo này ưu tiên giải pháp này, đến đời lãnh đạo sau lại bỏ bê, tập trung làm giải pháp khác.

PV/TN

Đọc nhiều