2
category
349308

‘Chế tài nặng với tài xế uống rượu bia mang ý nghĩa nhân văn’

07/01/2020 11:57

“Chế tài nặng nhằm gửi đi thông điệp ‘Đừng vi phạm’, chứ không phải để lực lượng thực thi công vụ chung chi, tiêu cực”, ông Khuất Việt Hùng chia sẻ với PV. 

Nghị định 100 Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 khiến không ít người e ngại khi mức xử phạt với vi phạm về nồng độ cồn tăng cao, chế tài xử phạt rất nghiêm khắc.

Chia sẻ với PV sau gần một tuần Nghị định có hiệu lực, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, nói ông “không ngờ quy định mới này lại nhận được sự ủng hộ cao đến vậy”.

“Tuần qua tôi tham dự khá nhiều sự kiện có sử dụng rượu, bia. Tôi thấy thực sự chính sách này đang có tác động rất lớn và tích cực nên đến hành vi của người dân”, ông Hùng nói.

Không mấy ai đến quán chỉ để uống một cốc bia

– Nghị định 100 có hiệu lực ngay ngày đầu tiên của năm mới. Với những chế tài xử phạt nghiêm khắc, tình hình tai nạn giao thông dịp Tết Dương lịch ở Việt Nam chuyển biến như thế nào, thưa ông?

– Đến nay chưa có con số toàn diện, đầy đủ. Nhưng theo số liệu thống kê sơ bộ chúng tôi nắm được thì trong hai ngày 1-2/1, số tử vong do tai nạn giao thông là 37, tức là mỗi ngày trung bình hơn 18 người. Trong khi đó, con số bình quân số người tử vong do tai nạn giao thông năm 2019 là gần 21 người.

Như vậy, số nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông trong 2 ngày lễ thấp hơn ngày bình thường.

'Che tai nang voi tai xe uong ruou bia mang y nghia nhan van' hinh anh 1 hung_zing.jpg
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng.

Tất nhiên chúng ta chưa thể đánh giá toàn diện là nó sẽ có hiệu quả đến đâu, nhưng qua hai ngày đầu tiên, tôi đánh giá nó đã có tác động rất tích cực trong kéo giảm tai nạn giao thông.

– Trên mạng xã hội có quan điểm cho rằng nếu chỉ uống 1 cốc bia mà phải đi taxi, xe ôm đến quán thì không hợp lý. Ông nghĩ sao?

– Ý kiến này khá cực đoan, đi ngược với đa số ủng hộ quy định mới. Là một người cũng uống bia rượu, tôi có thể khẳng định không mấy ai đến quán chỉ để uống một cốc bia.

Cứ cho rằng là mình thèm bia quá, phải đi xe ôm đến uống một chai bia về, nhưng như thế còn rẻ hơn rất nhiều nếu không may mình lái xe gây tai nạn

Quan trọng hơn, chúng tôi làm một khảo sát thực nghiệm bằng cái thiết bị mô phỏng đối với người điều khiển môtô, xe máy cùng với trường Đại học Việt Đức thì thấy, người uống một lon bia có nguy cơ gây tai nạn giao thông gấp 3 lần người không uống bia.

Cứ cho rằng là mình thèm bia quá, phải đi xe ôm đến uống một chai bia về, nhưng như thế còn rẻ hơn rất nhiều nếu không may mình lái xe gây tai nạn.

Không gì so sánh được với sức khỏe, sinh mạng con người, dù là người nghèo hay người giàu cũng đều quan tâm đến sức khỏe, sinh mạng của mình.

Chưa có trường hợp nào ăn trái cây bị xử lý nồng độ cồn

– Có thực nghiệm việc ăn hoa quả, uống siro ho dẫn đến nồng độ cồn trong hơi thở. Các cơ quan chức năng đã đánh giá việc này như thế nào?

– Mức cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0 đối với lái xe ôtô đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ 2008, đến nay ta đã thực hiện được 12 năm rồi.

Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin thống kê chính thức từ các nước, liên quan đến chuyện những người mà ăn hoa quả rồi bị xử phạt vì trong hơi thở hay trong máu có nồng độ cồn.

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông thì trong 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ, có khoảng dưới 2,5% số người lái ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp (dưới 0,25 mg/l khí thở), cũng chưa có trường hợp nào khiếu nại việc bị xử phạt.

Tài xế vi phạm bỏ xe sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất

Còn trong trường hợp nếu người dân bị kiểm tra mà chắc chắn mình bị oan, họ có thể đề nghị lực lượng chức năng kiểm tra mẫu thử máu. Cho đến nay, chưa có trường hợp nào ăn trái cây mà thử máu vẫn có nồng độ cồn.

Lực lượng CSGT của Việt Nam xử lý vi phạm nồng độ cồn đã nhiều năm, họ có đủ kinh nghiệm, trình độ và trang thiết bị theo đúng tiêu chuẩn quốc tế để xử lý nghiêm, khiến những người nhận quyết định xử phạt “tâm phục khẩu phục”.

'Che tai nang voi tai xe uong ruou bia mang y nghia nhan van' hinh anh 2 ruourbia_zing.jpg
Trong 1 tuần qua, rất nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã phải nhận mức phát nghiêm khắc theo Nghị địn 100.

– Thực tế xử phạt những ngày qua cho thấy nhiều trường hợp bỏ xe chứ không chịu nộp phạt, vì giá trị xe thấp hơn tiền nộp phạt. Tình huống này được xử lý thế nào?

– Bỏ xe là không hợp tác, không tuân theo hiệu lệnh và yêu cầu xử lý vi phạm của người thực thi công vụ. Những hành vi đấy sẽ bị xử phạt với mức chế tài nặng nhất.

Việc ai đó sau khi bị xác định vi phạm mà bỏ xe lại thì vẫn bị xử phạt bình thường, vì chiếc xe không liên quan gì. Khi xử lý vi phạm nồng độ cồn, ta có quy định tạm giữ phương tiện 7 ngày nhằm ngăn chặn hành vi tiếp tục điều khiển phương tiện, khiến có thể gây TNGT.

– Là một người không tránh khỏi các cuộc hội họp, liên hoan có sử dụng rượu bia, ông nghĩ thế nào về việc ép uống rượu bia, hoặc uống say vẫn bất chấp lái xe?

– Người Việt Nam có văn hóa hiếu khách, quý bạn nên thường mời chén rượu, cốc bia. Nhiều khi mời cố thì thành ép uống, có người say quá nên ép người khác uống một cách quá khích. Nhưng người được mời hay người bị ép hoàn toàn có nhiều cách để từ chối.

Sáng nay, tôi có đọc được một câu chuyện trên mạng xã hội về việc một nhóm người đang ngồi nhậu, sau đó một người say đã gọi điện cho đến đón về. Sau 10 phút, vợ anh này đến mang áo ấm đến và chở anh về, khiến cả bàn nhậu rất xúc động.Hơn nữa, bất kỳ ai cũng đủ khả năng chuẩn bị cho mình phương án đi lại trước khi có một cuộc nhậu.

Những cách thức như vậy vừa an toàn cho người uống, vừa văn minh, lịch sự và trong chừng mực nào đấy như trường hợp trên, nó còn có thể gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Chế tài nghiêm truyền thông điệp “Đừng vi phạm”

– Xử phạt nghiêm khắc có thể khiến nhiều người e sợ. Nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại mức phạt quá cao dễ làm nảy sinh tiêu cực, chung chi trong lực lượng thực thi nhiệm vụ. Ông nhìn nhận thế nào về quan điểm này?

– Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ chúng ta đã và đang làm rất mạnh. Muốn ngăn ngừa tệ tham nhũng, chung chi, tất cả người dân hãy chuẩn bị cho mình tâm thế đừng vi phạm, vì mình không vi phạm thì không ai phạt mình.

Nếu đã vi phạm hãy nhận thức rằng, bên cạnh trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt, mình còn có trách nhiệm trong việc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.

Như vậy, cùng với nỗ lực thanh tra, kiểm tra, giám sát phòng, chống tiêu cực từ các cơ quan chức năng chắc chắn chúng ta sẽ ngăn chặn được chuyện này.

'Che tai nang voi tai xe uong ruou bia mang y nghia nhan van' hinh anh 3 nd100_zing.jpg
Chế tài đối với tài xế uống rượu bia theo Nghị định 100 và quy định cũ. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Chuyện chúng ta đưa chế tài nặng là nhằm gửi đi thông điệp “Đừng vi phạm”, chứ không phải để lực lượng thực thi công vụ chung chi, tiêu cực.

Chuyện ta đưa chế tài nặng nhằm gửi đi một thông điệp là đừng vi phạm, chứ không phải đưa chế tài nặng để cho lực lượng thực thi công vụ như CSGT chung chi, tiêu cực.

Chế tài xử phạt nặng chính là thông điệp mà Nhà nước muốn gửi đến cho mọi công dân rằng hành vi vi phạm này nguy hiểm cho sức khỏe, sinh mạng của bản thân họ và xã hội. Họ hãy nhớ lấy để không vi phạm, đó là ý nghĩa rất nhân văn.

– Nhiều người mừng khi rượu bia đã bớt trên bàn tiệc, nhưng không ít cơ sở kinh doanh lại “khóc” vì quán ế ẩm, vắng khách. Ông nghĩ thế nào về việc một chính sách ban hành ra tác động tích cực đến người này, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới người khác?

– Một số người cho rằng chính sách mới sẽ làm tác động đến kinh tế của đất nước. Nhưng đừng quên rằng những quốc gia có quy định rất ngặt nghèo về nồng độ cồn như Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia phương Tây… vẫn có ngành công nghiệp rượu, bia phát triển tốt.

Điều quan trọng là chúng ta sử dụng rượu, bia một cách có văn hóa và thực hiện đã uống rượu, bia không lái xe.

Chế tài nặng nhằm gửi đi thông điệp “Đừng vi phạm”, chứ không phải để lực lượng thực thi công vụ chung chi, tiêu cực

Đặc biệt, những cơ sở kinh doanh phải có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe, sinh mạng cho khách của mình. Đó cũng chính là hành động để giữ khách, giúp cho họ kinh doanh và kiếm lợi nhuận bền vững hơn.

Ban đầu việc này có thể chưa quen nhưng dần dần sẽ đi vào đời sống. Những dịch vụ đưa đón khách về, hay việc sau khi uống rượu gọi người thân, bạn bè đến đón… sẽ trở thành những thói quen mới rất văn minh trong xã hội.

Tôi nghĩ rất nhanh thôi, chúng ta sẽ lại thấy quán ăn lại vẫn tiếp tục tấp nập, sầm uất. Trong khi đó, có thêm những ngành dịch vụ khác cùng phát triển, lại giảm được thương vong thiệt hại do tai nạn giao thông vì những người uống rượu bia gây ra. Đó là mục tiêu nhân văn mà chúng ta hướng đến.

– Xin cảm ơn ông! 

Hoài Thu/ Zing

Đọc nhiều