419
category
440892

Chế độ dân chủ đa nguyên không có đất để “nảy mầm” ở Việt Nam

sông trà 19/10/2020 16:59

Cùng với những thành tựu trong xây dựng nhà nước pháp quyền trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng, những trào lưu, quan điểm đề cao xã hội dân sự (XHDS) cũng được nhắc đến thường xuyên. Đáng chú ý hơn cả là luận điệu của các thế lực thù địch muốn lợi dụng XHDS như một tổ chức để làm đối trọng chống đối Nhà nước pháp quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Trên trang Thông luận – Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tiếp tục tuyên truyền một dự án gọi là dự án chính trị “Khai sáng Kỷ nguyên thứ hai”. Trong đó nói rằng Đảng cộng sản không còn duy trì được sự độc tài trong nội bộ đảng vì họ không còn lý tưởng, thậm chí một ảo tưởng (là chủ nghĩa cộng sản). Qua đó muốn thiết lập một thể chế dân chủ đa nguyên cho Việt Nam.

Thế lực thù địch ra sức tuyên truyền dự án chính trị mang tên “Khai sáng Kỷ nguyên thứ hai”

Dự án chính trị cổ xúy cho chế độ dân chủ đa nguyên

Rất nhiều những nội dung trong dự án chính trị “Khai sáng Kỷ nguyên thứ hai” mà Tập hợp Dân chủ Đa nguyên tuyên truyền đó là luôn luôn khẳng định Đảng cộng sản Việt Nam không tồn tại hoặc đã chết vì những nhược điểm của nó.

Hoặc là, nói Đảng cộng sản đã mất đồng thuận vì chủ nghĩa cộng sản đã chết. Họ chỉ còn là một đám đông gắn kết với nhau vì quyền lợi vì vậy sự đấu đá nội bộ để tranh dành quyền lực và quyền lợi chỉ có thể gia tăng.

Theo đó, Đảng cộng sản Việt Nam không phải là một tổ chức chính trị đúng nghĩa. Ba triệu đảng viên cộng sản đương chức nắm giữ mọi quyền sinh sát và quyết định vận mệnh của gần 95 triệu người Việt Nam còn lại. Đó là điều không thể chấp nhận được. Và muốn thay đổi thực trạng thì trí thức và người dân Việt Nam phải thành lập, tham gia hoặc ủng hộ cho các tổ chức dân chủ đối lập.

Từ đó, những người lập nên dự án này cho rằng, chỉ có một tổ chức dân chủ đối lập hùng mạnh mới có thể mang lại thay đổi cho Việt Nam. Chúng ta không cần và không đợi chính quyền cho phép. “Họ là họ mà ta là ta”. Khi họ mạnh ta yếu thì ta cần phải bí mật, khi nào ta mạnh ngang với họ khi đó ta sẽ công khai. Cái ta cần là chiến thắng sau cùng không thể đảo ngược.

“…Chúng ta đã rất chậm trễ trong cuộc hành trình của nhân loại về tự do và của các quốc gia về dân chủ. Cho đến nay dù có lịch sử khá dài nhưng trong thực tế chúng ta đã chỉ có những chế độ nô lệ; các giai đoạn tự chủ cũng chỉ có tác dụng thay thế ách nô lệ ngoại bang bằng ách nô lệ bản xứ. Cuộc vận động dân chủ chính là cuộc đấu tranh để đưa dân tộc từ bóng đêm của nô lệ vào ánh sáng của tự do, mở ra kỷ nguyên dân chủ, kỷ nguyên lịch sử thứ hai của nước ta. Tùy theo chọn lựa và thái độ của những con người hôm nay mà họ sẽ được các thế hệ mai sau đánh giá là đã đóng góp cho cuộc cách mạng trọng đại nhất trong lịch sử nước ta hay đã khiếp nhược trốn tránh trách nhiệm vào lúc đất nước cần nhất.” – Trích Khai sáng Kỷ nguyên thứ hai (Dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên).

Để thuyết phục hơn, lấy dẫn chứng Mỹ ra để so sánh với Việt Nam, rằng tại Mỹ thì chúng ta có thể thấy là xã hội Mỹ phát triển quá nhanh khiến giới chính trị Mỹ không theo kịp và hệ quả là Donald Trump trở thành tổng thống 45 của Mỹ. Việt Nam cũng thế, Đảng cộng sản hoàn toàn lạc hậu và tụt hậu so với xã hội Việt Nam. Trình độ quan chức quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội, hệ quả là các phát biểu của quan chức từ nhỏ đến to đều trở thành trò cười cho thiên hạ.

Đó là lý do khiến các chế độ độc tài toàn trị cấm đoán xã hội dân sự. Trong trường hợp Việt Nam đó cũng là lý do khiến chế độ cộng sản vẫn tồn tại sau rất nhiều sai lầm: Đại đa số những người chống đối chế độ chỉ chống đối với tư cách cá nhân.

Từ đó những nhà “dân chủ” lập luận, muốn đất nước có dân chủ thì phải đấu tranh và phải đấu tranh có tổ chức. Bởi các cá nhân, dù xuất sắc đến đâu cũng không thể tác động được lên xã hội. Muốn tác động lên xã hội, dù để bảo vệ, hay cải thiện, hay thay đổi nó, cần có tổ chức. Tổ chức tạo ra sức mạnh cho sự thay đổi và cũng là điều kiện bắt buộc để có thay đổi.

Thế nhưng, điều nực cười là họ biết bức tranh chính trị – xã hội, thể chế chính trị… giữa Mỹ và Việt Nam khác nhau nhưng vẫn cố tình lờ đi và đưa ra những lập luận so sánh khập khiễng để mong tìm ra một thể chế dân chủ cho Việt Nam.

Và dường như người ta cũng cố tình lờ đi bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang theo và bỏ qua những giá trị thực tiễn nhân văn mà Đảng, Nhà nước, chế độ Việt Nam đã và đang mang lại cho đất nước, nhân dân.

Chế độ chủ nghĩa xã hội vẫn đang minh chứng tính ưu việt ở Việt Nam

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, đại dịch Covid-19 là phép thử lớn nhất kể từ khi thành lập Liên hợp quốc, làm rung chuyển thế giới, gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của loài người, hệ lụy của nó với những dự báo có thể còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009…

Trong những lúc khó khăn, gai góc nhất, đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.
Thắng lợi bước đầu quan trọng này là kết quả của sự quyết tâm cao, ý chí thống nhất trong hành động của toàn Đảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước.

Điều này thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khẳng định tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của hệ thống chính trị nước ta.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kết quả chúng ta làm được trong phòng chống dịch Covid-19 vừa rồi là rất mừng, qua đây củng cố niềm tin trong dân, tăng thêm uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, dân tin Đảng, tin chế độ, thể hiện qua nhiều bài thơ, bài hát đi vào lòng người. Kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, từ cụ già tới em nhỏ; dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, đoàn kết nhân ái, lá lành đùm lá rách, trong khó khăn càng thể hiện rõ tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau.”

Trong khi đó, dự án chính trị cổ súy cho chế độ dân chủ đa nguyên mà ở đó người ta ca ngợi cái gọi là XHDS tốt đẹp, nhưng thực tế xã hội đó lại đang rất mơ hồ, để lại nhiều tranh cãi. Và thực tế, sự tồn tại của nó cũng chỉ tùy thuộc vào đường lối, chế độ chính trị của mỗi quốc gia. Giả dụ: Từ góc độ đối xứng tương tác, người ta cho rằng XHDS là tổ chức ngoài nhà nước, bên cạnh nhà nước, không thuộc nhà nước. Nếu hiểu theo cách này thì trên thế giới hiện nay chưa có một tổ chức nào như thế.

Từ góc độ xác định chủ thể của sự vật hiện tượng thì Tổ chức Liên minh thế giới vì sự tham gia của công dân (CIVICUS) cho XHDS là diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi người bắt tay nhau để thực hiện quyền lợi chung. Theo cách diễn đạt này thì XHDS quá đơn giản, bởi chế độ chính trị nào, dù phản động hay tiến bộ đều có tuyên ngôn vì quyền lợi chung của đất nước mình, nhân dân mình.

Theo đó, hiện chưa có một tổ chức, quốc gia nào đưa ra được khái niệm đầy đủ, rõ ràng về XHDS. Quan niệm về XHDS còn rất mơ hồ, chưa hình dung nổi nếu có một XHDS thật sự thì nó có quyền lực gì, chi phối xã hội ra sao? Mỗi nước, mỗi tổ chức có một cách hiểu khác nhau về XHDS, tùy theo cách tiếp cận.

Chính những điều đó phần nào nói lên XHDS là một vấn đề cần phải được nghiên cứu, làm sáng tỏ để thống nhất chung về nhận thức trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay.

Vì vậy, kêu gọi Nhà nước Việt Nam phải cho phép tự do thành lập các tổ chức XHDS, công nhận hoạt động của các tổ chức XHDS theo tiêu chuẩn, ý chí và pháp luật của nước khác về XHDS là một sự khiên cưỡng, gượng ép, một đòi hỏi phi lý, không thể chấp nhận. Điều này cũng có nghĩa,  dự án chính trị của Tập hợp Dân chủ đa nguyên sẽ không nhận được sự ủng hộ của người dân và trí thức Việt Nam.

Nói thẳng ra, chế độ dân chủ đa nguyên sẽ không có đất để “nảy mầm” ở Việt Nam. Nơi mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Vì lý tưởng cao cả của chủ nghĩa xã hội vẫn là niềm mơ ước của loài người tiến bộ và đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn là xu thế tất yếu của xã hội loài người trong thời đại ngày nay.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều