Chây ì trả nhà công vụ: Không thể để “luật cho dân, lệ cho quan”
Nếu như vẫn còn hiện tượng “luật cho dân, lệ dành cho quan” thì câu chuyện “nhà công vụ như khoản nợ xấu, khó đòi” sẽ không có hồi kết.
Sau nhiều lần “đòi” nhà công vụ mà không được phản hồi, Bộ Xây dựng gửi thông báo, nêu đích danh 12 quan chức đã nghỉ hưu chưa trả lại nhà công vụ theo quy định.
Một lần nữa, vấn đề nhà công vụ bị chiếm giữ, bị sử dụng sai mục đích, lại khiến dư luận bàn luận sôi nổi; khiến những cán bộ, đảng viên liêm chính, gương mẫu bị tổn thương; khiến những người dân phải băn khoăn đặt câu hỏi: Phải chăng đang có chuyện “luật cho dân, lệ dành cho quan”?
Mặc dù sau khi bị nêu đích danh trên công luận, các quan chức này đã liên hệ “xin khất” thời điểm trả nhà; mặc dù có người biện minh, những căn nhà công vụ đó đang khóa cửa để không, hoặc người nhà của quan chức ở, nhưng rõ ràng, chừng ấy cũng không thể khỏa lấp sự “chây ì” của họ; không thể lý giải được, vì sao họ không chịu trả khối tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình!
Nhà công vụ, theo quy định của pháp luật là loại tài sản công, thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Nhà nước dùng ngân sách để chi trả những chi phí trong quá trình cán bộ công chức đương chức có nhu cầu và đủ điều kiện sử dụng. Khi cán bộ công chức nghỉ hưu có nghĩa tài sản ấy phải được hoàn trả để tiếp tục sử dụng theo quy định.
Nhưng lâu nay, bên cạnh những lãnh đạo chủ động trả lại nhà công vụ khi kết thúc công tác thì có không ít trường hợp không chịu trả lại. Cơ quan quản lý Nhà nước phải đi “đòi”, mà “đòi” nhiều lần, quan chức ấy vẫn không chịu trả. Nhiều lý do được đưa ra, nhưng dường như chẳng có lý do nào chính đáng. Bởi họ là người “quyền cao chức trọng”, hầu hết không khó khăn về nhà ở, thậm chí còn có nhà để cho thuê hoặc biệt thự, những khu đất không chỉ tính bằng mét vuông.
Vậy thì tại sao họ cứ khư khư giữ cái không phải của mình? Tại sao câu chuyện “nhà công vụ” cứ dùng dằng hết năm này đến năm khác? Phải chăng họ hy vọng để lâu rồi của công sẽ thành “của ông”?
Không khó để trả lời những câu hỏi đó, nhưng cái khó là làm sao lấp được khoảng trống trong ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức công dân, ý thức về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; khoảng trống trong việc thực thi chính sách.
Ngay từ Quốc hội khóa X, cử tri đã rất bức xúc về sự lỏng lẻo trong quản lý và sử dụng nhà công vụ, yêu cầu cần làm rõ, công khai, minh bạch những sai phạm trong công tác này cũng như cá nhân người vi phạm.
Cũng tại nhiều kỳ họp Quốc hội, các đại biểu nêu ý kiến siết chặt quản lý nhà công vụ, xử lý một số cá nhân chiếm giữ nhà công vụ. Nhưng tới nay, sau hàng chục năm, vẫn xảy ra câu chuyện 12 quan chức dây dưa không chịu trả lại nhà cho Nhà nước; gây ồn ào dư luận, làm tổn thương lòng tin của dân, ảnh hưởng đến những cán bộ, đảng viên liêm chính.
Rõ ràng, đây là hậu quả của việc cán bộ, công chức quen với đặc quyền, tự cho phép đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của tập thể, lợi ích của nhân dân. Đó còn là hậu quả của tình trạng nể nang, không kiên quyết trong xử lý sai phạm. Hệ thống pháp luật về lĩnh vực này không thiếu. Từ Luật Nhà ở, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công đến Nghị định, Thông tư hướng dẫn… đều đã có. Vấn đề đặt ra là tổ chức thực hiện như thế nào? Vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý, người có thẩm quyền ra sao? Làm sao để không nảy sinh thắc mắc về sự công bằng, đối với sai phạm của dân thì xử lý nhanh thế, rốt ráo thế; trong khi quan chức chây ì hết lần này đến lần khác thì không thể cưỡng chế, thu hồi?
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Quan chức dù lớn đến đâu trước hết là một công dân và là cán bộ đảng viên cấp cao càng phải nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật; tuân thủ nguyên tắc của Đảng, quy chế đạo đức công vụ. Khi họ cố tình chây ì; khi lòng tự trọng trở nên “xa xỉ” thì cần thiết phải sử dụng các biện pháp, chế tài nghiêm khắc. Nếu như vẫn còn hiện tượng “luật cho dân, lệ dành cho quan” thì câu chuyện “nhà công vụ như khoản nợ xấu, khó đòi” sẽ không có hồi kết.
Đàm Hoa/ VOV