“Chạy chức” nguy hại hơn tham nhũng

09/07/2020 06:15

“Nâng đỡ không trong sáng” là cụm từ được sử dụng lần đầu tiên trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về các sai phạm liên quan đến vụ thăng tiến “thần tốc” của bà Trần Vũ Quỳnh Anh (dư luận thường gọi là “hot girl” xứ Thanh) ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa năm 2017.

Thế nhưng trong thực tế, vấn nạn này đã có từ lâu. Theo đó, “nâng đỡ không trong sáng” được hiểu là cố tình tuyển dụng, cất nhắc những người không xứng đáng một cách mờ ám, không đúng quy định, gắn với việc “chạy chức”, “chạy việc”, ưu ái bổ nhiệm người thân… Có thể nói, đây là mối nguy lớn đối với đất nước và xã hội, bởi nó chính là nguồn gốc, nguyên nhân đẻ ra tham nhũng, tiêu cực; làm suy yếu tổ chức; khiến quần chúng và cán bộ, đảng viên bức xúc, chán nản, mất niềm tin…

Không đủ tiêu chuẩn vẫn thăng tiến “thần tốc”

Thời gian qua, trong các cơ quan đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp ở nước ta đã xảy ra không ít trường hợp kiểu “nâng đỡ không trong sáng”, như: Tuyển dụng công chức, viên chức và bổ nhiệm cán bộ “thần tốc”, không đủ tiêu chuẩn, thậm chí cố tình không thực hiện đúng quy trình công tác nhân sự…

Điển hình là một số vụ việc khiến dư luận rất bất bình: Bà Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm “thần tốc” làm Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, đề nghị quy hoạch chức danh Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa; ông Trịnh Xuân Thanh dù có nhiều sai phạm nghiêm trọng, đang bị kiểm tra, xem xét và đã bị cho thôi các chức vụ về Đảng và chính quyền tại Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), nhưng vẫn được cất nhắc nhanh chóng qua nhiều chức vụ, lên đến Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; ông Vũ Minh Hoàng 26 tuổi đã được bổ nhiệm không đúng quy định làm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (nay cơ quan này đã giải thể); ông Lê Phước Hoài Bảo là con của ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015, mặc dù chưa đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn “thần tốc” giữ chức Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này… Bên cạnh đó, còn không ít cơ quan, địa phương, doanh nghiệp nhà nước có hiện tượng “cả họ làm quan”, “gia đình trị”, chỉ ưu tiên bổ nhiệm “cánh hẩu”, khiến dư luận bức xúc.

Nhiều vụ việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức không đúng quy định đã được các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý. Thế nhưng tình trạng “nâng đỡ không trong sáng” vẫn còn nhức nhối ở nhiều nơi, nhất là cấp cơ sở. Vừa qua, thông qua đơn, thư tố cáo và báo chí tiếp tục phát hiện hàng loạt vụ việc, như: Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắc Nông bổ nhiệm kế toán trưởng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắc Nông và tuyển dụng 11 trường hợp không đúng quy định năm 2019. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hương là Giám đốc Sở Y tế đã ký quyết định tuyển dụng con mình khi không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; sau khi tuyển dụng được 3 ngày vào Trung tâm Y tế huyện Đăk R’lấp lại tiếp tục ban hành quyết định chuyển công tác… Giữa tháng 6 vừa rồi, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đã ký quyết định thu hồi hai quyết định bổ nhiệm Phó trưởng phòng và Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch thị xã Bỉm Sơn đối với ông Tống Văn Thọ-người trước đó được bổ nhiệm “thần tốc” khi không bảo đảm các quy định về công tác cán bộ…

Mới đây nhất, sau khi có đơn tố cáo, Ban Thường vụ Thành ủy Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đã chỉ đạo dừng quy trình tái cử ban chấp hành đảng bộ và giới thiệu bầu chức danh lãnh đạo phường Lê Hồng Phong đối với hai vị cựu lãnh đạo phường này từng bị kỷ luật cách chức năm 2018 do trục lợi chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Thử vào Google tìm kiếm cụm từ “bổ nhiệm thần tốc”, chúng tôi thấy hiện lên gần 9 triệu kết quả; “nâng đỡ không trong sáng” gần 20 triệu kết quả; “tuyển dụng không đúng quy định” lên tới gần 200 triệu kết quả; “chạy chức” là hơn 100 triệu kết quả… Qua đó phần nào cho thấy vấn nạn này rất “nóng”, dư luận rất quan tâm.

Vô cùng nguy hại

“Nâng đỡ không trong sáng” là cách nói có vẻ trừu tượng, nhẹ nhàng, nhưng bản chất là tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ thiếu khách quan, vi phạm các quy định của pháp luật. Ngoài việc ưu ái, thiên vị vì tình cảm cá nhân, như: Người trong gia đình, dòng họ, quê hương, quan hệ bạn hữu… thì nhiều khi là sự thỏa thuận “tôi giúp người của anh, anh giúp người của tôi”; cũng không ít trường hợp là “chạy” bằng tiền bạc, vật chất kiểu mua bán. Vì thế, lâu nay trong dân gian đã lưu truyền câu vè: “Nhất hậu duệ/Nhì tiền tệ/Ba quan hệ/Tư trí tuệ”. Thậm chí, để hợp lý hóa việc “nâng đỡ không trong sáng” khi đã nhận tiền của đối tượng “chạy”, có những cán bộ còn nói dối với ban lãnh đạo và nhân viên trong cơ quan rằng “trường hợp này là cấp trên nhờ giúp đỡ”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cán bộ cấp trên.

Hệ lụy của vấn nạn “chạy chức”, “chạy việc”, bổ nhiệm “nhầm” cán bộ, suy cho cùng còn nguy hại hơn cả tham nhũng, vì đây chính là nguồn gốc, nguyên nhân đẻ ra tham nhũng, tiêu cực; làm suy yếu tổ chức; khiến quần chúng và cán bộ, đảng viên bức xúc, chán nản, mất niềm tin…

Lẽ đương nhiên, khi ai đó đã đầu tư để “chạy” thì sẽ phải nghĩ cách… thu hồi vốn. Với thu nhập chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức (lương, phụ cấp) như hiện nay, những người đã mất hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng để “chạy” thì rất khó có thể làm việc một cách vô tư trong sáng, thực sự là công bộc, không tham nhũng, tiêu cực. Thực tế cho thấy, càng ở những nơi, những công việc “màu mỡ, dễ kiếm tiền”, phải đầu tư lớn để “chạy” vào, thì ở đó càng hay xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Và thật vô cùng nguy hiểm khi đối tượng “chạy chức” lại được giữ cương vị lãnh đạo hoặc làm công tác tổ chức cán bộ. Khi đó họ sẽ lại ưu ái sử dụng những nhân viên cấp dưới và người xin việc biết “dùng phong bì, đi cửa sau” (để thu hồi vốn và còn có tiền “chạy” tiếp). Cái vòng “chạy chọt” cứ thế nảy nở, xoay tròn. Người thực sự có tâm, có tài lại không được trọng dụng. Khi trong tập thể có nhiều đối tượng “chạy” thì việc xấu dễ được a dua, hùa theo; người tốt thường bị cô lập, loại trừ. Có những người vốn trong sáng và thực sự xứng đáng, nhưng ở hoàn cảnh “mình không chạy thì người khác chạy mất”, họ cũng đành nhắm mắt đưa chân (thậm chí còn bị người thân, gia đình thúc ép phải “chạy” hoặc “chạy” hộ)… Lệ “chạy” vì thế có nguy cơ trở thành “phong trào”-vô cùng nguy hại.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khóa XIV đã bày tỏ lo ngại về việc cất nhắc cán bộ kiểu hậu duệ, đồ đệ, tiền tệ: “Các cụ ta thường nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Một người trọng tiền, chiếm đoạt quyền lực để ban phát, đổi chác thì đương nhiên người kế tiếp cũng sẽ như vậy”.

Sự nguy hại của việc “chạy chức”, “chạy việc”, bổ nhiệm cán bộ sai còn ở chỗ “cán bộ nào thì phong trào ấy”! “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” mà lại không xứng đáng, thậm chí tham nhũng, tiêu cực thì tổ chức không thể trong sạch, vững mạnh. Những cán bộ, nhân viên tốt thấy việc tuyển dụng, bổ nhiệm không trong sáng sẽ sinh ra chán nản, thậm chí bất mãn, thành “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, khiến nội bộ mất đoàn kết, tổ chức càng suy yếu thêm. Tư tưởng “chạy” cũng sẽ thủ tiêu ý chí, động lực phấn đấu của rất nhiều người. Và nguy hiểm nhất là vấn nạn này gây mất niềm tin của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân vào từng cấp ủy, chính quyền cơ sở nói riêng và Đảng, Nhà nước nói chung. Đây cũng là nguyên cớ để kẻ xấu lợi dụng thổi phồng, chống phá, đe dọa đến tính chính danh của Đảng và sự sống còn của chế độ, kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Cần làm gì để ngăn chặn, đẩy lùi được vấn nạn “chạy chức”, “chạy việc”, bổ nhiệm “nhầm” cán bộ, “nâng đỡ không trong sáng” là mối quan tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân. Vấn đề này sẽ được đề cập ở bài viết sau.

(còn nữa)

HUY QUANG/QDND

Đọc nhiều