Châu Âu và câu chuyện “lấy đá ghè chân mình”

Lan Hoa 06/07/2022 15:34

Đã hơn 5 tháng kể từ ngày Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, ngày qua ngày, kinh tế Châu Âu đã và đang phải chịu đựng những thiệt hại vô cùng to lớn, kéo theo hàng loạt nỗi lo về tình trạng lạm phát và suy thoái kéo dài.

Người dân Châu Âu đang phải gánh chịu mức lạm phát cao chưa từng có

Theo các chuyên gia, kinh tế Châu Âu đặc biệt dễ bị tổn thương do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga-Ukraine, các lệnh trừng phạt liên quan và yếu tố nguồn cung năng lượng.

Mới đây, dữ liệu chính thức vừa được Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat) công bố cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý II/2022 chỉ đạt 0,2%. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức tăng 0,3% trong cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tại EU trong tháng 6 vừa qua đã tăng 7,5% – mức cao nhất từ trước đến nay, nguyên nhân chủ yếu do giá năng lượng tăng vọt.

Ngoài ra, lạm phát hàng năm ở 19 quốc gia sử dụng đồng Euro đã tăng lên mức kỷ lục 8,1% trong tháng 6, từ mức 7,4% của tháng 5. Giá cả đã tăng trong 10 tháng liên tiếp và không có dấu hiệu giảm nhẹ, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt của người dân và buộc các nhà hoạch định chính sách Châu Âu phải cam kết nhiều biện pháp để giảm bớt tác động. Tình trạng này diễn ra khi giá năng lượng, lương thực tăng kỷ lục do chiến sự Nga – Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tới kinh tế châu lục.

Ủy ban Châu Âu gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế xuống 2,7% trong năm nay, giảm từ mức 4% ước tính vào mùa đông. Ủy ban đồng thời lưu ý, lạm phát đang chạm mức kỷ lục và dự kiến ​​ở mức trung bình 6,8% trong năm nay. Ngày càng nhiều nhà kinh tế cảnh báo Châu Âu có thể rơi vào tình trạng suy thoái mạnh hoặc suy thoái hoàn toàn trước khi kết thúc năm.

Kinh tế Châu Âu lâm nguy nếu loại bỏ hoàn toàn dầu mỏ và khí đốt Nga

Đặc biệt, chi phí năng lượng tiếp tục là yếu tố lớn nhất đẩy giá tiêu dùng và doanh nghiệp tăng với mức kỷ lục 39,2%, trong khi thực phẩm chế biến, rượu và thuốc lá tăng 7%.

Các nhà lãnh đạo Châu Âu đã đạt được một thỏa thuận chính trị vào tuần này về lệnh cấm vận hầu hết dầu nhập khẩu của Nga. Biện pháp này nhằm trừng phạt Nga, nhưng các nhà kinh tế cho rằng sẽ gây tổn hại thêm cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp Châu Âu khi cấm vận góp phần đẩy giá lên cao hơn nữa.

Từ đây, nhiều cảnh báo cho thấy Châu Âu sẽ tiếp tục chịu nhiều sức ép trước sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn cung năng lượng, nhất là khi cuộc xung đột có nguy cơ còn kéo dài. Đặc biệt, trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) đang thúc đẩy áp đặt lệnh cấm vận mới đối với Nga liên quan đến chiến sự tại Ukraine, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cảnh báo việc ngừng đột ngột nhập khẩu khí đốt Nga có thể khiến các nền kinh tế mới nổi ở Châu Âu, Trung Á và Bắc Phi mất đi sự phục hồi hậu đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo của EBRD, việc ngừng nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ là “một đòn giáng mạnh nhất” vào các nước thành viên EU vốn phụ thuộc vào Nga cả về khí đốt lẫn dầu thô như Séc, Hungary và Slovakia. EBRD cho rằng tăng trưởng GDP của khu vực sẽ giảm xuống còn 1,1% so với mức mà ngân hàng này đưa ra hồi tháng 3 là tăng trưởng 1,7%. Bộ Lao động Đức cảnh báo, việc đơn phương áp đặt cấm vận khí đốt của Nga sẽ khiến nước Đức rơi vào “một cuộc khủng hoảng kép”, đó là khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng lạm phát.

EuroZone ghi nhận mức lạm phát cao kỷ lục kể từ năm 1997

Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách cùng sự gia tăng nợ công dẫn đến nguy cơ lạm phát bùng nổ. Một số chuyên gia kinh tế của Mỹ dự báo lạm phát Châu Âu, vốn đã tăng nhanh trong 30 tháng qua, có khả năng sẽ tăng thêm 2-3% trong năm 2022 và được dự báo có thể tăng thêm từ 1,5-2% năm 2023.

Có thể thấy rằng, những lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại Nga đã được ví như những vũ khí kinh tế phá hủy hàng loạt nhằm làm sụp đổ nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, các biện pháp trừng phạt này giống như con dao 2 lưỡi, chúng gây tổn thất cho Nga nhưng cũng khiến chính những quốc gia áp trừng phạt phải trả giá.

Phương Tây, trên thực tế, đang rơi vào một cái bẫy: Các lệnh trừng phạt và cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá hàng hóa và năng lượng lên cao, từ đó khiến Nga có doanh thu cao hơn bất chấp việc xuất khẩu của nước này giảm đáng kể. Khi giá hàng hóa toàn cầu tăng cao, lạm phát sẽ gia tăng, gây ra những vấn đề trong nước cho các quốc gia áp trừng phạt.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: CEPS

Thời gian gần đây, phương Tây đang tìm cách gây ra “cú sốc và sự sợ hãi” cho Nga như thể để nhấn mạnh rằng trừng phạt cũng là một hình thức chiến tranh. Tuy nhiên, cũng giống xung đột vũ trang, như những gì diễn ra trong cuộc chiến ở Ukraine, kết quả của các lệnh trừng phạt đôi khi trở nên khó lường và thường dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

Các nhà hoạch định chính sách cho rằng, lệnh cấm có thể khiến các nền kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái. Hungary đã nhiều lần phản đối kế hoạch cấm vận dầu mỏ Nga vì lo sợ lệnh cấm gây khó khăn cho cuộc sống của người dân nước này, nơi vốn có mức sống thấp hơn những nước như Đức hoặc Pháp. Trái lại các nhà hoạch định chính sách của Pháp đang xem xét thời gian hợp lý để ban hành lệnh cấm sau cuộc bầu cử năm nay.

Trong khi đó, người dân Châu Âu phải chi trả nhiều hơn cho năng lượng, hàng hóa và các dịch vụ khác. Nguy cơ suy thoái cũng gia tăng trên khắp khu vực. Đáng lo ngại hơn là những biện pháp này có thể ảnh hưởng tới các nước nghèo ở Châu Phi và Châu Á. Nhiều quốc gia trong số đó vẫn phải nhập khẩu dầu mỏ và ngũ cốc của Nga để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Lan Hoa

Đọc nhiều