Châu Âu muốn làm lành với Trung Quốc nhưng lại sợ bị trả đũa
Châu Âu đang vạch ra một hướng đi mới cho mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng giới chức của khu vực vẫn lo ngại về khả năng bị trả đũa nếu toan tính sai lầm…
Theo hãng tin CNBC của Mỹ, ý tưởng về việc giảm bớt rủi ro trong mối quan hệ với Trung Quốc đang được đẩy mạnh ở châu Âu. Trước đó, tại một cuộc họp của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển G7, châu Âu đã nhất trí giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc thay vì cắt đứt các kết nối. Tuy nhiên, trao đổi với hãng tin CNBC, một nhà ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu đề nghị không công khai danh tính nói rằng “chắc chắn” có một luồng nhận thức trong châu Âu về việc Trung Quốc có thể trả đũa. “Đó chính là lý do vì sao chúng tôi cần phải thảo luận về vấn đề này”, nhà ngoại giao cho biết.
Những năm gần đây, trong khi Mỹ ngày càng coi Trung Quốc là một mối đe doạ lớn về an ninh quốc phòng thì về phần mình, các nhà hoạch định chính sách châu Âu lại có một phương pháp tiếp cận thận trọng hơn, bởi họ nhận thức được tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với các doanh nghiệp châu Âu. Trên thực tế, quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc đang trải qua giai đoạn sóng gió nhất trong khoảng 3 thập kỷ trở lại đây, bắt đầu bằng các thay đổi về nhận thức chiến lược của châu Âu từ cuối năm 2019, khi khối này lần đầu tiên công khai xác định Trung Quốc là “đối thủ hệ thống”, kéo theo đó là các chính sách ngày càng cứng rắn hơn của châu Âu với Trung Quốc, mà đỉnh điểm là việc châu Âu lần đầu có kế hoạch trừng phạt 7 công ty Trung Quốc do cáo buộc cung cấp vũ khí cho Nga hồi đầu tháng 5.
Động thái đó của châu Âu đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Trung Quốc, khiến cho quan hệ song phương lao dốc trầm trọng nên các hiệp định đầu tư đầy tham vọng mà hai bên đã đàm phán xong cũng bị đóng băng cho đến nay. Sau một thời gian không có động thái đáng kể nào để cải thiện quan hệ, đồng thời các cuộc tiếp xúc trực tiếp cũng bị gián đoạn bởi tình hình địa chính trị căng thẳng, các nhà lãnh đạo châu Âu hiện nay nhận thức được rằng, dù muốn hay không, họ cũng không thể hành động trên phạm vi toàn cầu mà không có sự tương tác với Trung Quốc – một siêu cường quốc về kinh tế và một cực quyền lực không thể bỏ qua.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên châu Âu xem trọng vai trò của Trung Quốc. Bởi gần đây nhất, tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu vừa diễn ra vào hai ngày 23 và 24/4 vừa qua tại Brussels, mặc dù các chủ đề về Trung Quốc không có trong chương trình nghị sự nhưng các nguồn tin ngoại giao cho biết, các lãnh đạo cấp cao châu Âu đã thảo luận rất nhiều về quan hệ với Trung Quốc, và quan điểm chiếm thế áp đảo là châu Âu không thể “để mất Trung Quốc”. “Để mất” ở đây theo nghĩa là khiến quan hệ với Trung Quốc đổ vỡ như quan hệ châu Âu – Nga bởi sau khi đã đánh mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga, châu Âu không thể mất nốt mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của khối này và đang đóng vai trò mang tính sống còn với một số tập đoàn lớn của châu Âu, vốn đang âm thầm chuẩn bị kịch bản di rời sản xuất khỏi châu Âu nếu châu lục này không cải thiện được năng lực cạnh tranh so với Mỹ và Trung Quốc.
Song song lĩnh vực kinh tế, châu Âu cũng muốn Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn giúp giải quyết xung đột tại Ukraine do tầm ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc đối với Nga. Mặc dù hiện nay mức độ hoài nghi của châu Âu đối với bản kế hoạch hoà bình 12 điểm nhằm giải quyết xung đột Ukraine mà Trung Quốc công bố cuối tháng 2/2023 vẫn đang ở mức cao nhưng nhiều lãnh đạo châu Âu cũng đã công khai cho rằng cần thảo luận trực tiếp với các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc để tìm hiểu kỹ hơn các đề xuất này.
Cũng trong tháng 4, hôm 6/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã có chuyến thăm đến Trung Quốc. Về tổng thể, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ giúp giới lãnh đạo châu Âu hiểu rõ hơn ý định thực sự cũng như năng lực hành động của Trung Quốc đối với xung đột tại Ukraine. Dù có thể các cuộc tiếp xúc cấp cao này không mang lại kết quả kỳ vọng nhưng ít nhất châu Âu cũng có thể phần nào ngăn được kịch bản mà khối này lo sợ nhất, đó là Trung Quốc trợ giúp toàn diện cho Nga về mặt quân sự.
Về chiến lược lâu dài hơn, các chuyến đi đến Trung Quốc của nhiều lãnh đạo cấp cao châu Âu cũng nằm trong nhận thức của khối này, đó là muốn xây dựng một “con đường thứ 3”, vừa hợp tác vừa cạnh tranh với Trung Quốc chứ không đi theo hướng đối đầu toàn diện như Mỹ.
Từ Trung Quốc, khi được đề nghị bình luận về chuyến thăm của Tổng thống Pháp và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh nhấn mạnh “sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc – châu Âu là vì lợi ích của cả hai bên và có lợi cho hòa bình và ổn định trên toàn thế giới. Trước bối cảnh quốc tế đầy biến động, thách thức an ninh toàn cầu gia tăng và phục hồi kinh tế chậm chạp, Trung Quốc và châu Âu sẽ nêu cao tinh thần tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, vượt qua gián đoạn và khó khăn, tập trung vào sự đồng thuận”, bà phát biểu.
Lan Hoa