Châu Âu chấn động sau vụ biểu tình, đập phá của hơn 100.000 người

Bảo Trâm 21/10/2022 11:30

Giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao khiến nguy cơ bất ổn xã hội lan rộng trên khắp châu Âu trước mùa đông tới. Sự bất mãn của người dân với chính phủ cũng gia tăng do các chính sách không thực sự phù hợp đã thúc đẩy các cuộc biểu tình lớn nổ ra tại nhiều thành phố của châu Âu.

Khoảng 70.000 người đã biểu tình tại Praha để phản đối chính phủ (Ảnh: Reuters).

Cuối tuần qua, khoảng 70.000 người đã tập trung tại Quảng trường Wenceslas, trung tâm thủ đô Praha, Cộng hòa Séc để biểu tình phản đối các biện pháp của chính phủ trước tình trạng khủng hoảng năng lượng và giá điện, khí đốt tăng cao kỷ lục. Đây là cuộc biểu tình phản đối Chính phủ có quy mô lớn nhất kể từ khi chính phủ Séc được thành lập vào năm 1993.

Người dân Séc cho rằng các biện pháp ứng phó của chính phủ đối với khủng hoảng năng lượng hiện nay không đạt hiệu quả cũng như cần có thay đổi trong chính sách với vấn đề Nga – Ukraine. Cuộc biểu tình cũng diễn ra một ngày sau khi Chính phủ Séc vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Quốc hội.

Dòng người biểu tình tại Praha

Ngày 17/9, hàng chục nghìn người Áo không hài lòng với phản ứng chậm chạp của chính phủ trong việc giải quyết chi phí sinh hoạt tăng mạnh đã đổ xuống đường phố thủ đô Vienna và 8 thành phố lớn khác của Áo.

Liên đoàn công đoàn Áo OeGB đã kêu gọi cuộc biểu tình trên toàn quốc nhằm gây sức ép với liên minh Xanh-Bảo thủ, vốn bị đổ lỗi là “lười nhác khi cuộc sống của chúng ta trở nên quá đắt đỏ.”

Các thành viên OeGB cáo buộc nhiều doanh nghiệp lớn đang bóc lột người tiêu dùng khi họ phải vật lộn để trả các hóa đơn năng lượng, sưởi ấm và thực phẩm tăng vọt.

Người tham gia biểu tình tại Vienna, Áo. (Nguồn: vienna.at)

Theo OeGB, khoảng 20.000 người Áo đã ủng hộ cuộc biểu tình “Giảm giá” ở trung tâm thành phố Vienna.

Khoảng 10.000 người biểu tình khác đã tập trung ở Linz, Bruck an der Mur, Salzburg, Innsbruck, Klagenfurt St. Polten, Eisenstadt và Bregenz.

Không dừng lại, ngày 18/9, hàng nghìn người đã tham gia biểu tình tại thủ đô Chisinau của Moldova. Theo những người dân ở thủ đô, đám đông tập trung tại quảng trường chính ở Chisinau lên tới 20.000 người, trong khi các nhà tổ chức biểu tình cho biết hơn 40.000 tham gia hoạt động này. Những người biểu tình còn dựng lều trại bên ngoài trụ sở chính phủ yêu cầu Tổng thống Maia Sandu từ chức và tiến hành bầu cử sớm.

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Moldova kể từ khi bà Sandu đắc cử tổng thống năm 2020 với cam kết xóa bỏ tận gốc nạn tham nhũng. Moldova – quốc gia có diện tích nhỏ nhất trong số các nước thuộc Liên Xô trước đây, với dân số 3,5 triệu người – đang đối mặt những khó khăn kinh tế nghiêm trọng liên quan giá năng lượng cao. Tháng 9 này giá năng lượng tại Moldova đã tăng 29%, sau khi tăng gần 50% trong tháng 8. Nước này đã hạ dự báo tăng trưởng năm nay xuống còn 0% do lạm phát tăng lên mức kỷ lục 34,3% và lãi suất ở mức 21,5%.

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Moldova kể từ khi bà Sandu đắc cử tổng thống

Trước đó, các làn sóng biểu tình ở Anh, bức xúc về giá cả năng lượng, cũng đã diễn ra. Một nhóm ẩn danh tổ chức chiến dịch biểu tình – mang tên Don’t Pay UK – cho biết hàng chục nghìn người đã đăng ký và tham gia biểu tình ở nhiều địa phương cũng như sẽ không thanh toán hóa đơn năng lượng nếu chính phủ không có những thay đổi phù hợp. Trong một diễn biến tương tự, tại Hungary, người dân nước này đã tổ chức các cuộc biểu tình trong bối cảnh đồng tiền Forint mất giá, thuế tăng và chính phủ áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm ứng phó trước mối đe dọa về việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt đến châu Âu.

Liên tiếp trong gần 1 tháng qua, châu Âu ghi nhận 2 tin xấu là Nga tiếp tục cắt giảm khí đốt khi đóng đường ống khí đốt Nord Stream 1 tới Đức nhưng không nêu thời gian mở lại và lạm phát ở mức cao nhất kể từ năm 1997. Đường ống Nord Stream 1 cũng là tuyến huyết mạch mang khí đốt của Nga tới châu Âu, đóng góp khoảng 35% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu năm ngoái.

Có ít nhất 40.000 người biểu tình ở Moldova

Hai động thái mới nhất này đã giáng thêm đòn vào kinh tế châu Âu. Kể từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, xuất khẩu năng lượng từ Nga sang EU giảm mạnh, khiến chi phí khí đốt và điện tăng cao. Việc này làm dấy lên lo ngại về khả năng châu Âu đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trong mùa đông và giá khí đốt tăng cao.

Động thái đóng đường ống khí đốt Nord Stream 1 cũng khiến cho những bất ổn chính trị đang gia tăng tại Đức. Hàng loạt các cuộc biểu tình tại Berlin và Leipzig đã diễn ra nhằm phản đối việc tăng giá năng lượng và yêu cầu chính phủ có các biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Chi phí năng lượng tăng cao và những lo ngại sự thiếu hụt khí đốt trong mùa đông tới đang gây ra những bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia và đặt ra những thách thức cho chính phủ các nước về biện pháp giải quyết khủng hoảng năng lượng, cũng như có các chính sách về kinh tế – an sinh phù hợp đối với từng quốc gia và toàn khối EU.

Bảo Trâm 

Đọc nhiều