6
category
611056

Châu Âu cân nhắc tạm dừng trồng trọt vì khủng hoảng năng lượng

Tuệ Ngô 22/10/2022 10:19

Trên khắp Bắc và Tây Âu, các nhà sản xuất rau đang dự tính tạm dừng các hoạt động của họ vì ảnh hưởng tài chính từ cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu, đe dọa thêm nguồn cung cấp thực phẩm, theo Reuters đưa tin.

Trên khắp Bắc và Tây Âu, các nhà sản xuất rau đang dự tính tạm dừng các hoạt động của họ vì ảnh hưởng tài chính từ cuộc khủng hoảng năng lượng

Như đã biết, giá năng lượng tăng mạnh trong năm nay do căng thẳng Nga – Ukraine bùng nổ làm giảm dòng chảy khí đốt sang châu Âu.

Là một trong những đường ống cung cấp khí đốt chính của Nga cho châu Âu, việc Dòng chảy phương bắc 1 khóa van vô thời hạn làm dấy lên mối lo ngại mới về tình trạng thiếu hụt khí đốt, và có thể buộc các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) phải áp dụng phân bổ khí đốt theo hạn mức trong mùa đông tới.

Giá nhiên liệu tăng vọt trong năm nay đã khiến người tiêu dùng châu Âu gặp khó khăn do chi phí tăng cao, đồng thời buộc một số ngành công nghiệp phải tạm dừng sản xuất.

Ở châu Âu, giá điện và khí đốt tăng cao sẽ ảnh hưởng đến các loại cây trồng trong nhà kính được sưởi ấm trong suốt mùa đông, chẳng hạn như cà chua, ớt và dưa chuột, cùng với những loại cần được đặt trong kho lạnh, chẳng hạn như táo, hành và rau diếp.

Các loại rau củ trồng trong nhà kính có cơ hội sẽ phải loại bỏ

Rau diếp đặc biệt “đói” năng lượng. Sau khi thu hoạch củ vào mùa thu, chúng được bảo quản trong nhiệt độ thấp hơn đóng băng và sau đó được trồng lại trong các thùng chứa được kiểm soát nhiệt độ để cho phép sản xuất quanh năm.

“Chúng tôi thực sự tự hỏi liệu chúng tôi có thu hoạch được gì trên cánh đồng vào mùa đông này hay không”, Lefebvre, một người nông dân sản xuất hàng nghìn tấn nông phẩm tại trang trại của mình ở miền bắc nước Pháp hàng năm, nói với Reuters.

Nông dân châu Âu đang cảnh báo tình trạng thiếu hụt năng lượng. Tác động về sản lượng và tăng giá đã đẩy các siêu thị chuyển sang tìm nguồn cung ứng từ các nước ấm hơn như Maroc, Tunisia và Ai Cập. Thổ Nhĩ Kỳ là một khả năng khác.

Nông dân cho biết giá xăng tăng cao là chi phí lớn nhất mà nông dân trồng rau trong nhà kính phải đối mặt. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp không chỉ phải đối mặt với giá năng lượng đang leo thang. Chi phí phân bón, đóng gói và vận chuyển đều đang tăng lên và gây bất lợi cho lợi nhuận.

Giá tiêu dùng đối với điện, khí đốt và các nhiên liệu khác tăng 25% trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 12 năm 2021.

Ngay cả ở những quốc gia có ánh nắng mặt trời như Tây Ban Nha, nông dân trồng rau quả đang phải vật lộn với chi phí phân bón tăng 25%.

Tập đoàn công nghiệp nhà kính Glastuinbouw Nederland cho biết có tới 40% trong số 3.000 thành viên của họ đang gặp khó khăn về tài chính. Một số nông dân đang cân nhắc về việc để trống nhà kính để hạn chế chi phí ở mức thấp nhất có thể.

Jack Ward, giám đốc điều hành của Hiệp hội Nông Dân Anh, cho biết việc sản xuất trái cây và rau quả sẽ chuyển sang khí hậu ấm hơn là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên điều này không dễ dàng gì khi Ma-rốc và Tunisia, hai quốc gia Maghreb có tiềm năng nông nghiệp lớn phải đối mặt với áp lực năng lượng và có thể không được trang bị tốt để đáp ứng nhu cầu lương thực.

Hai quốc gia Maghreb khác, Libya và Algeria không có mối quan ngại về năng lượng, nhưng dự kiến ​​sẽ không thể hiện bất kỳ mối quan tâm cũng như khả năng nào trong việc phát triển hợp tác trồng trọt với châu Âu. Một yếu tố kìm hãm chính khác là tình trạng thiếu nước ở Maroc và Tunisia do cạn kiệt nguồn thủy lực và hiện tượng nóng lên toàn cầu

Trước mùa đông này, các quốc gia Âu Châu đã vạch ra nhiều biện pháp khác nhau để bảo tồn năng lượng, với việc Đức ký kết các hợp đồng khí đốt tự nhiên hóa lỏng với các nhà sản xuất ở Vịnh Ba Tư, trong khi Pháp đang chạy đua để vận hành các lò phản ứng hạt nhân cũ trước khi đông đến, theo Reuters.

Tuệ Ngô (Theo Reuters)

Đọc nhiều