Chàng trai thợ may trở thành thủ khoa khối A sau 3 năm bỏ học

27/08/2020 19:57

Chán học, cuối năm lớp 10 Kiên bỏ nhà vào trong Nam. Ba năm đi làm thuê với đủ thứ nghề, cậu nhận thấy: “Hóa ra đi làm khổ cực hơn mình nghĩ”. 

Nguyễn Văn Kiên (1999), cựu học sinh Trường THPT Phụ Dực (Quỳnh Phụ, Thái Bình), vừa trở thành 1 trong 2 thủ khoa khối A của cả nước với số điểm 29,75, trong đó đạt 10 điểm môn Toán, 10 điểm môn Hóa học và 9,75 điểm môn Vật lý.

Khi bạn bè cùng trang lứa đã ổn định tại giảng đường đại học, Kiên mới bắt đầu vào lớp 10. Xuất phát điểm chậm hơn, nhưng cậu học trò này đã làm nên điều kỳ tích. Nói như cô Bùi Thị Miên – giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1: “Lần này, Kiên đã ‘rũ bùn đứng dậy sáng lòa’”.

Chàng thợ may quê lúa trở thành thủ khoa khối A sau 3 năm bỏ học
Kiên và cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Miên

Câu học trò không thích đi học

Những năm cấp 2, Kiên vốn là cậu học trò thông minh, có thành tích học tập khá tốt. Đỗ vào một ngôi trường cấp 3 của huyện, việc phải đi học thường xuyên khiến cậu không cảm thấy hứng thú nữa. Kiên thích chơi game hơn. Vì thế, một tuần đi học 6 ngày, cậu bỏ học quá nửa.

“Em cảm thấy việc đi học không có tương lai nên đã quyết định bỏ dở”.

Quyết định này của Kiên khiến cả bố và mẹ đều sốc. “Mẹ em khóc suốt, còn bố em những tưởng sẽ mắng rất nặng vì bố vốn là người nghiêm khắc – thì giờ lại im lặng không nói bất cứ điều gì. Trước đó, có những lần bắt được em đi chơi game, khi về nhà bố đã lôi hết sách vở ra đốt”.

Vài ngày sau khi đã trấn tĩnh lại, bố mẹ gọi Kiên ra khuyên nhủ. Nhưng dù bố mẹ có thuyết phục thế nào, cậu cũng nhất quyết không đi học nữa.

Nghỉ học, Kiên bỏ vào Nam làm đủ thứ nghề phổ thông như xin đi làm thợ may. Mỗi ngày như thế, Kiên kiếm được 200.000 đồng.

“Ban đầu em thấy tự do lắm! Em thuê phòng trọ hết 1 triệu/ tháng, ăn hết 2 triệu/ tháng. Chi tiêu các khoản, em vẫn còn để dư ra một ít”.

Nhưng một thời gian sau, khi phải liên tục tăng ca, làm từ 7 giờ sáng đến 9 – 10 giờ tối mới về đến nhà, Kiên bắt đầu thấy hối hận: “Làm việc liên tục khiến em cảm thấy mệt mỏi. Giai đoạn đầu khi mới vào Nam, thi thoảng em cũng bị bắt nạt, thậm chí bị lừa. Em muốn quay lại để được đi học, nhưng vì đã bỏ học rồi, giờ quay lại em cũng cảm thấy rất ngại”.

Chàng thợ may quê lúa trở thành thủ khoa khối A sau 3 năm bỏ học
Nguyễn Văn Kiên (1999), cựu học sinh Trường THPT Phụ Dực (Quỳnh Phụ, Thái Bình)

Những đêm nằm một mình trong phòng trọ, Kiên nhớ tới mẹ. “Mẹ em thường đi chợ bán hoa quả và mía. Ngày nào khá bán được 200.000 đồng, còn không cũng chỉ được vài chục nghìn. Có hôm trời mưa còn bị lỗ vốn vì hoa quả thối, không bán được nữa. Em bỗng thương mẹ và cảm thấy mình đang phụ lòng của bố mẹ”.

Kiên quyết định gọi điện về nhà. Lần này, bố mẹ cậu lại ra sức thuyết phục con: “Con cứ học đi, tốn bao nhiêu tiền bố mẹ cũng nuôi được. Kể cả không có tiền, bố mẹ cũng có thể đi vay, chỉ cần con học tốt”.

Câu nói này khiến Kiên như “tỉnh ngộ”. Cậu quyết định quay trở về học lại sau quãng thời gian 3 năm bỏ dở.

Nỗ lực gấp 10 lần bình thường

Bắt đầu lại cùng các em khóa dưới, Kiên vừa hồi hộp, vừa lo lắng không biết mình có theo kịp không.

“Nghỉ học 3 năm, em gần như quên hết mọi thứ căn bản”, Kiên nói.

Cậu bắt đầu học lại từ con số 0. Giai đoạn đó, theo Kiên, bản thân đã phải nỗ lực hơn gấp 10 lần bình thường. Nhờ sự thông minh và quyết tâm, chỉ sau 1 tháng liên tục, Kiên đã học lại được tất cả những kiến thức cơ bản.

“Em vốn là người rất yêu thích môn Hóa. Thế nhưng, khi quay lại học, em thậm chí phải bắt đầu lại từ kiến thức về nguyên tử khối”.

Những kiến thức vốn nằm trong chương trình lớp 8, lớp 9, Kiên tự lên mạng tìm tòi để học lại. Đến năm lớp 11, cậu đã đuổi kịp các bạn trong lớp.

Lúc này, Kiên thường xuyên tự học trước bài vở để lên lớp tiếp thu bài nhanh hơn. Ngoài ra, cậu cũng chăm chỉ luyện đề nhiều hơn để nhớ các dạng bài tập. Đến cuối kỳ 1 năm lớp 12, Kiên đã học xong hết chương trình và đầu tư thời gian cho việc luyện đề.

“Với các môn Tự nhiên, không có bí quyết học nào tốt hơn là việc phải luyện thật nhiều bài tập”, Kiên nói.

Kết quả, với số điểm 29,75, Kiên đã trở thành thủ khoa khối A của cả nước.

“Nếu không có kiến thức, mãi mãi không có tương lai”

Từng cảm thấy rất hối hận khi đã bỏ học, nhưng giờ đây, nhìn lại sau tất cả, Kiên nói rằng, nếu thời điểm đó không bỏ học, có lẽ em sẽ không có động lực để đạt được kết quả này.

“Khi đi làm, em thấy rất vất vả. Nếu không có kiến thức, mãi mãi mình vẫn chỉ là người làm việc tay chân không có tương lai. Em cũng từng chứng kiến những người lao động xung quanh mình và cảm thấy họ khổ nhọc vô cùng”.

Cậu cũng biết ơn các thầy cô tại ngôi trường cấp 3 của mình, đặc biệt là thầy hiệu trưởng và hai cô giáo chủ nhiệm đã tạo điện kiện cho bản thân được chuyển từ lớp cơ bản sang học tại lớp mũi nhọn của trường.

Nhắc đến cậu học trò đặc biệt, cô giáo Bùi Thị Miên cho rằng, “đó là một câu chuyện rất dài”. Nhận thấy Kiên có năng lực học tập tốt, cô Miên đã bàn với giáo viên chủ nhiệm của Kiên xin cho cậu được chuyển vào lớp 12A1 để học. Đây vốn là lớp xếp “đầu bảng” của trường.

Sau 2 năm, từ cậu học trò bắt đầu “bằng con số 0”, Kiên đã lọt vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi tỉnh môn Hóa học và đoạt giải Nhất.

Với cô Miên, đây là kết quả ngoài mong đợi và bản thân Kiên đã phải nỗ lực rất nhiều.

Sau đó, Kiên đăng ký tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng không đạt được như nguyện vọng. Cô Miên lo học trò thất vọng, thi tốt nghiệp THPT sẽ không được như mong muốn.

“Cả đêm mình thao thức không dám mở điện thoại ra để tra điểm. Đến khi Kiên thông báo với cô đạt 29,75 điểm, mình thở phào nhẹ nhõm. Gắn bó với em mấy năm, cùng trải qua rất nhiều cung bậc, cho nên kết quả này khiến mình thấy xúc động”, cô Miên nói.

Mặc dù không được tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội như kỳ vọng, nhưng Kiên đã chắc chắn có một suất học tại ngôi trường này. Hiện tại, cậu đang tiếp tục ôn tập để dự thi vào Lớp Tài năng Khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Cô Miên cho biết, ngoài Kiên, lớp 12A1 của Trường THPT Phụ Dực cũng có 2 thí sinh khác lọt vào top 100 học sinh đạt điểm khối A cao nhất cả nước.

Thúy Nga/VNN

Đọc nhiều