28
category
408984

Chàng trai lập ‘ngân hàng’ máu lưu động ở Tây Nguyên

13/07/2020 06:03

8 năm qua, nhóm hiến máu lưu động của Hoàng Công Minh đã giúp đỡ được khoảng 2000 bệnh nhân ở khu vực Tây Nguyên.

‘Ngân hàng’ máu lưu động

Người ta thường nói, hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp nhưng với chàng trai Hoàng Công Minh (SN 1992 Đắk Lắk), hành động này chỉ đơn giản như hạt cát nhỏ.

Minh bắt đầu hiến máu từ năm 2011, khi là sinh viên trường ĐH Tây Nguyên. Chẳng ngờ, đây là bước ngoặt lớn, thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của chàng thanh niên 9X.

Từ người vô lo, vô nghĩ, Minh biết sống tích cực hơn, mang sức lực của mình cống hiến cho cộng đồng. Tới nay, Minh đã tham gia hiến máu nhân đạo được 15 lần và anh sẽ tiếp tục hiến khi sức khỏe còn đạt yêu cầu.

Chàng trai lập 'ngân hàng' máu lưu động ở Tây Nguyên
Công Minh tham gia hiến máu khi còn là sinh viên

Minh chia sẻ: “Ban đầu, tôi xác định tham gia cho vui nhưng một lần vào bệnh viện, gặp các ca bệnh phải thoi thóp chờ nguồn máu, có người không chờ được, mãi mãi ra đi. Thực sự, tôi thấy sốc. Tôi không nghĩ cuộc đời có những số phận bất hạnh đến thế. Sau đó, tôi đi hiến máu nhiều hơn”.

Ngoài tự đi hiến máu, Công Minh còn tuyên truyền, thuyết phục bạn bè, người thân tham gia.

Năm tháng ngồi trên giảng đường, Minh quản lý CLB hiến máu của trường, nhiều thành viên CLB học bên khoa y biết nhiều ca cần máu gấp. Họ liên hệ với Minh nhờ giúp đỡ tìm người có nhóm máu phù hợp với bệnh nhân.

Năm 2013, Minh thành lập một nhóm, chuyên hiến máu khi cần, do mình điều động, phụ trách. Minh gọi vui đó là “Ngân hàng hiến máu lưu động”.

Để tiện viện quản lý, liên hệ, Minh lập danh sách các thành viên sẵn sàng hiến máu mọi lúc, mọi nơi, bao gồm: Họ tên, nhóm máu, địa chỉ, số điện thoại và 1 số tổng đài do Minh cầm. Khi cần máu, các bác sĩ, bạn bè giới thiệu cho người nhà bệnh nhân gọi vào số đó.

Sau khi xác minh thông tin bệnh nhân, Minh sẽ dò theo danh sách, huy động tình nguyện viên lên hiến. Thời gian đầu, nhóm chỉ hoạt động ở tỉnh Đắk Lắk, dần nhóm mở rộng địa bàn ra toàn bộ khu vực Tây Nguyên.

Minh chia sẻ, nhóm hiến máu lưu động của anh đã giúp đỡ được khoảng 2000 bệnh nhân trong suốt 8 năm qua.

Bất kể ngày hay đêm, chỉ cần có điện thoại của bệnh nhân, Minh nhanh chóng dò số, huy động mọi người đến bệnh viện. Nhiều ca bệnh nhờ đó, được cấp cứu kịp thời.

Chàng trai lập 'ngân hàng' máu lưu động ở Tây Nguyên
 Minh tham gia tổ chức trung thu cho học sinh trường tiểu học ở vùng sâu, vùng xa

“Điều kiện tham gia nhóm hiến máu là cân nặng trên 45kg, không sử dụng các chất kích thích và hiến máu gần nhất là trên 3 tháng. Các TNV trong CLB cũng thường xuyên kiểm tra sức khỏe, giữ lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất để đảm bảo nguồn máu chuyển đến bệnh nhân đạt chất lượng”, Minh cho biết.

Mẹ quỳ gối cảm ơn ân nhân hiến máu cho con

Minh thừa nhận, nhóm hiến máu của anh hoạt động theo dạng tự phát, không tổ chức nào hỗ trợ. Thời điểm mới hoạt động, nhóm cũng gặp không ít trở ngại, chưa nhận được sự tin tưởng từ phía bệnh viện, kinh phí không có.

Từ ngày ra trường, Minh dành dụm những đồng lương ít ỏi của mình để duy trì nhóm.

Chàng trai lập 'ngân hàng' máu lưu động ở Tây Nguyên
Nhóm hiến máu lưu động khu vực Tây Nguyên do Minh phụ trách 

Một giai đoạn, Minh cùng các thành viên tổ chức bán báo gây quỹ cho nhóm nhưng mọi người còn kiếm kế sinh nhai nên việc này phải dừng lại.

“Nhóm tôi làm phi lợi nhuận, bệnh nhân không phải trả bất cứ khoản phí nào. Tuy vậy, tình nguyện viên ở xa, khi cần huy động số lượng máu lớn, họ bắt xe đến bệnh viện, mình cũng phải lo tiền tàu xe, ăn uống cho họ nên tôi thường bỏ tiền túi ra”, Minh nói thêm.

Bố mẹ thấy anh làm vất vả, đêm hôm mưa bão nguy hiểm cũng đi xe lên bệnh viện, nhiều lần khuyên con trai từ bỏ.

“Tôi bảo bố mẹ một giọt máu con cho đi, một cuộc đời được ở lại. Dần dần, bố mẹ cũng hiểu, động viên tôi cố gắng. Tới giờ, tôi cũng cân bằng được công việc với việc điều phối máu. Các bạn trong CLB hỗ trợ nên mọi thứ dễ dàng hơn”, Minh nói.

Nhiều năm gắn bó với công việc này, Minh kể, có nhiều kỷ niệm khó phai. Anh nhớ như in người mẹ nghèo, con mắc bệnh tan máu bẩm sinh được nhóm đã giúp đỡ cách đây 1 năm.

Gia đình chị là đồng bào dân tộc thiểu số, lên bệnh viện chữa bệnh. Con chị cần truyền máu nhưng đúng lúc bệnh viện hết nhóm máu của bé. Tiền bạc trong túi gần cạn, người mẹ khốn khổ nghĩ hết hi vọng, định quay lưng đưa con về.

Một bác sĩ cho chị số của Minh nhưng chị tần ngần không gọi, vì sợ nhờ vả sẽ mất tiền. Đến lúc mọi người động viên, chị liều bấm máy.

Việc hiến máu diễn ra nhanh chóng. Đến khi xong xuôi, gặp Minh cùng các tình nguyện viên, chị dúi vào tay anh tờ tiền 100 nghìn đồng.

“Tôi trả lại chị rồi lấy bánh, sữa cho cháu bé ăn. Chẳng ngờ, chị bất ngờ quỳ xuống, cảm ơn nhóm giữa bệnh viện. Tôi chỉ biết lúng túng đỡ chị đứng dậy”, Minh kể.

Chàng trai lập 'ngân hàng' máu lưu động ở Tây Nguyên
Thành viên CLB hiến máu lưu động tặng sữa cho bệnh nhi mắc bệnh về máu

Minh chia sẻ thêm, ở khoa huyết học của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, có nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh, đau lòng nhất, là có trường hợp cả nhà cùng bị.

Như bệnh nhân Đinh Ngọc Trường (18 tuổi), có bố và em trai cũng mắc bệnh này nhưng em trai Trường vắn số, đã qua đời.

Nhà Trường khó khăn đến mức không có tiền để đi xe khách lên bệnh viện điều trị. Trường phải vay mượn chữa bệnh. Để giảm bớt gánh nặng cho Trường, mỗi lần lên bệnh viện, Minh hỗ trợ Trường tiền đi lại, ăn uống.

Chàng trai lập 'ngân hàng' máu lưu động ở Tây Nguyên
Minh và bệnh nhân Đinh Nhật Trường tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên

Hiện nhóm của Minh cũng giúp đỡ máu cho 100 bệnh nhi mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh. Đôi lần lòng minh chùng xuống khi hay tin bệnh nhân mình hiến máu qua đời. Gần đây nhất, một bệnh nhân bị ung thư máu giai đoạn cuối.

Nguyện vọng của họ là được truyền hai đơn vị tiểu cầu để cầm cự về đến nhà. Minh bố trí TNV đến hiến nhưng máy tách tiểu cầu bị trục trặc, chưa kịp tách thì họ mất. Nghe tin, Minh nghẹn lại, cảm giác như mất mát trong lòng.

Minh bộc bạch: “Tôi hi vọng, những đóng góp của mình và các thành viên sẽ giúp được nhiều người hơn nữa. Chúng ta được khỏe mạnh, được vui chơi là một đặc ân của cuộc đời. Tại sao không chia sẻ những đặc ân đó, để cuộc đời ý nghĩa hơn”.

Diệu Bình/ VNN

Đọc nhiều