Chặn hội chứng “vượt đèn đỏ” bằng “bàn tay sắt”

15/08/2019 12:59

Vượt đèn đỏ trong tham gia giao thông đường bộ vốn đã nguy hiểm, đe dọa đến sự an toàn của người và phương tiện, gây ra những hệ lụy cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, ở nước ta, hiện tượng ấy chẳng thấm tháp gì so với hội chứng “vượt đèn đỏ” trong lãnh đạo, quản lý.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rất kiên quyết và đưa ra nhiều giải pháp chỉ đạo phòng, chống tham nhũng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rất kiên quyết và đưa ra nhiều giải pháp chỉ đạo phòng, chống tham nhũng.

Đèn đỏ bố trí ở các ngã ba, ngã tư đường bộ nhằm để cơ quan chức năng điều tiết giao thông, trành tai nạn cho người và phương tiện. Còn “đèn đỏ” trong công tác lãnh đạo, quản lý được hiểu là các quy định được tích hợp trong quyết định, chỉ thị của Đảng và các loại văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

Đèn đỏ trong giao thông đường bộ được bố trí cố định, dễ thấy. Còn “đèn đỏ” trong các quyết định, chỉ thị của Đảng và các loại văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước không hẳn ai cũng thấy hết được.

Chặn hội chứng “vượt đèn đỏ” bằng “bàn tay sắt” - ảnh 1
Khu nhà HH02 do Tập đoàn Mường Thanh xây vượt tầng so với quy hoạch được duyệt tại khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 là một trong những nghi vấn có sự tiếp tay của cán bộ nhà nước, địa phương.

Hiện tượng vượt đèn đỏ trong tham gia giao thông đường bộ có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tựu chung lại vẫn là do ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật của người Việt Nam thiếu bền vững và kiên định. Còn hội chứng “vượt đèn đỏ” trong lãnh đạo, quản lý thì xuất phát chủ yếu từ lợi ích.

Người vượt đèn đỏ trong tham gia giao thông không chỉ gây nguy hiểm tính mạng bản thân mà còn có nguy cơ đe dọa tính mạng, phương tiện của người khác. Người “vượt đèn đỏ” trong lãnh đạo, quản lý thì ít bị phát hiện và nếu có bị cơ quan chức “tuýt còi”, xử lý thì cũng rất lâu sau mới bị ảnh hưởng đến quyền lợi chính trị, kinh tế. Thậm chí có trường hợp cán bộ “vượt đèn đỏ” nhưng vẫn thăng quan, tiến chức.

Xin đưa ra một số sai phạm về công tác cán bộ thời gian gần đây để thấy rằng, hội chứng “vượt đèn đỏ” trong công tác lãnh đạo, quản lý đã đến mức báo động.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đưa ra kết luận tại Bộ Y tế và 4 đơn vị trực thuộc, chỉ ra nhiều sai sót, vi phạm trong công tác cán bộ.

Chặn hội chứng “vượt đèn đỏ” bằng “bàn tay sắt” - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm công tác cán bộ trong một hội nghị tổ chức tháng 7/2019.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Y tế cần rốt ráo chỉ đạo 4 đơn vị trực thuộc rà soát tiêu chuẩn của 447 viên chức được bổ nhiệm mới không có quy hoạch. Trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm theo quy định thì hủy quyết định bổ nhiệm…

Trong tháng 7, Thanh tra Bộ Nội vụ ban hành Thông báo số 297/TB-TTBNV về kết luận thanh tra tại Tổng cục Thuế và 17 đơn vị thuộc, trực thuộc trong công tác quản lý, bổ nhiệm, nâng bậc lương trước thời hạn với công chức, viên chức, số lượng cấp phó; quản lý hồ sơ công chức, viên chức.

Kết quả kiểm tra còn tới 141 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng một hoặc một số điều kiện, tiêu chuẩn đối với chức vụ hiện giữ theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế; 4 trường hợp quá tuổi bổ nhiệm lần đầu; 8 trường hợp lãnh đạo, quản lý cấp phòng, chi cục nhưng giữ ngạch cán sự hoặc tương đương; 2 trường hợp được tiếp nhận năm 2011, 2012 chưa thực hiện đầy đủ quy trình tuyển dụng công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.

Trong công tác xây dựng cơ bản, những trường hợp “vượt đèn đỏ” rất đáng nể phải kể đến Tập đoàn Mường Thanh do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Từ nhiều năm nay, đơn vị này đã thực hiện nhiều dự án tại các thành phố lớn và các tỉnh trong cả nước, trong đó có cả những dự án chưa được phê duyệt quy hoạch nhưng đã xây dựng.

Dư luận cho rằng, phải chăng tập đoàn này coi thường pháp luật Việt Nam, coi thường chính quyền hay là còn có nguyên nhân khác quan trọng hơn. Các chuyên gia thì cho rằng, tỷ lệ việc ông Thản được cán bộ, công chức, người có chức vụ trong bộ máy chính quyền ở các bộ, ngành và địa phương tiếp tay cho các sai phạm là rất lớn. Đó chính là hội chứng “vượt đèn đỏ”.

Có thể lấy rất nhiều dẫn chứng về hội chứng “vượt đèn đỏ” của đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực xây thủy điện, năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế.

Theo kết quả tại Phiên họp thứ 16 mà Ủy ban quốc gia phòng, chống tham nhũng công bố, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 nghìn đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Điều này cho thấy, hội chứng “vượt đèn đỏ” trong đội ngũ cán bộ của bộ máy công quyền ngày càng diễn biến phức tạp và rất cần đến những “bàn tay sắt”.

Có nhà khoa học đã chứng minh, hội chứng “vượt đèn đỏ” trong lãnh đạo, quản lý có nguyên nhân trực tiếp từ sự không sợ vi phạm vì có quá nhiều người vi phạm mà không bị phát hiện.

Điều nguy hại do hội chứng “vượt đèn đỏ” gây ra là làm cho tình trạng tham nhũng trong bộ máy chính quyền tăng lên, gây ra bất bình đẳng xã hội, làm cho cạnh tranh mất đi động lực và tăng phân hóa giàu nghèo.

Đặc biệt hơn, hội chứng “vượt đèn đỏ” sẽ làm cho niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý điều hành của Nhà nước ngày càng giảm trầm trọng hơn, đòi hỏi phải có một “bàn tay sắt” chấn chỉnh.

Mới đây, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo trong Phiên họp thứ 16 của Ủy ban quốc gia phòng, chống tham nhũng đã mang đến cho nhân dân niềm tin mới.

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo: “Các cơ quan thanh tra, kiểm toán tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, nhất là các dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm”.

Hy vọng “bàn tay sắt” này sẽ giúp cán bộ trong bộ máy công quyền của Việt Nam được thanh lọc, liêm khiết, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

(Theo Viettimes)

Đọc nhiều