Chặn đứng tham vọng của Trung Quốc, Tổng thống Trump đang khiến thế giới thay đổi mãi mãi như thế nào?

08/07/2019 20:53

Mối quan hệ dần lỏng lẻo hơn giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng đến mọi thứ, từ những thứ to tát như chiến lược địa chính trị đến những thứ nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày của bạn.

Tại hội nghị G20 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp mà ông Trump gọi là “tuyệt vời”, dẫn đến một “thỏa thuận ngừng bắn” để thị trường có thể tạm thở phào.

Tuy nhiên, đối với Alfred LaSpina, kết quả của cuộc gặp này không có nhiều ý nghĩa. Khi vị tân phó chủ tịch của eLumigen, công ty có trụ sở đặt ở Troy, Michigan, bắt đầu nghĩ về 1 chuỗi cung ứng cho các sản phẩm chiếu sáng công nghiệp mà startup của ông sản xuất ra, Trung Quốc tự động hiện ra ngay thức khắc. Đã từng có kinh nghiệm với việc đặt nhà máy sản xuất ở Trung Quốc, LaSpina có thể dễ dàng tìm thấy các nhà cung ứng đáng tin cậy và dày dặn kinh nghiệm.

Tuy nhiên động thái bất ngờ tăng thuế hồi đầu tháng 5 của Tổng thống Trump khiến ông phải suy nghĩ lại và nghiêng về phương án tìm những lựa chọn thay thế ở Đông Nam Á. Với mối quan hệ Bắc Kinh – Washington quá bấp bênh như hiện nay, LaSpina cho rằng đó là một lựa chọn sáng suốt.

Chặn đứng tham vọng của Trung Quốc, Tổng thống Trump đang khiến thế giới thay đổi mãi mãi như thế nào?
Chặn đứng tham vọng của Trung Quốc, Tổng thống Trump đang khiến thế giới thay đổi mãi mãi như thế nào?

Tình thế của LaSpina chỉ là 1 ví dụ nhỏ cho thấy cuộc đối đầu giữa hai cường quốc kinh tế đang định hình lại thế giới – theo cả 2 hướng tích cực và tiêu cực – như thế nào, và thậm chí cả khi 2 bên đạt được thỏa thuận thương mại thì quá trình thay đổi cũng sẽ không vì thế mà chậm lại.

Mối quan hệ dần lỏng lẻo hơn giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng đến mọi thứ, từ những thứ to tát như chiến lược địa chính trị đến những thứ nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày của bạn: các mặt hàng được bán trong Walmart sẽ không còn được làm ra tại Trung Quốc, những việc làm nào sẽ mất đi hoặc được sinh ra, công nghệ nào mà bạn sẽ sử dụng, và ai sẽ ngồi chung giảng đường với con bạn tại Harvard hay bạn sẽ đầu tư tiền nhàn rỗi vào đâu.

Thế giới đang đứng trước thời khắc lịch sử

Kể từ những năm 1990, các nhà hoạch định chính sách và giới kinh doanh đều nhất trí rằng thế giới sẽ ngày càng trở nên gắn kết hơn, và có lẽ biểu tượng vĩ đại nhất chính là mối quan hệ kinh tế Mỹ – Trung. Mặc dù là 2 cường quốc với 2 hệ thống chính trị và tư tưởng đối lập, nền kinh tế của họ ngày càng gắn bó chặt chẽ trên nhiều khía cạnh, từ thương mại, tiền tệ đến các mối quan hệ cá nhân. Mối quan hệ thân thiết đến mức đã xuất hiện 1 khái niệm mới để miêu tả mối quan hệ này: Chimerica.

Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của một mạng lưới thương mại chằng chịt. Mặc dù vẫn có những phàn nàn về một số vấn đề như mức độ bảo hộ cao trong khi mức độ mở cửa thị trường còn thấp, với sự sụp đổ của Liên minh Xô Viết và sự kết thúc của chiến tranh lạnh, thế giới hòa hợp là tương lai không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên điều đó không còn đúng nữa. Dù mối quan hệ Mỹ – Trung có tốt đẹp trở lại sau những rạn nứt vừa qua, các doanh nghiệp vẫn đang vẽ lại “bản đồ sản xuất toàn cầu”. Apple có dự định chuyển 1/3 hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Mới đây Terry Gou, nhà sáng lập Foxconn – công ty chuyên lắp ráp cho Apple – cho biết ông sẽ thúc giục Apple rời khỏi Trung Quốc.

Một công ty ít được biết đến hơn nhưng cũng là nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới – Giant Manufacturing – đã di dời dây chuyển sản xuất phục vụ khách hàng Mỹ từ đại lục về quê nhà Đài Loan, và cũng đang mở 1 nhà máy mới ở Hungary.

Đây không phải là những trường hợp cá biệt. Theo một khảo sát được Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc thực hiện từ tháng 5, khoảng 40% người được hỏi cho biết họ đã hoặc đang xem xét chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc.

Và chiến tranh thương mại đóng vai trò là 1 chất xúc tác cực mạnh trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tính đến chuyện ra đi vì chi phí ở Trung Quốc tăng cao. Nhà sản xuất đồ chơi Hasbro (Mỹ) đã giảm tỷ lệ sản phẩm “made in China” từ mức 80% trong năm 2012 xuống còn 67% tính đến cuối năm 2018 và con số sẽ tiếp tục giảm trong những năm sắp tới.

“Điều mà các công ty đang làm là đẩy nhanh tiến độ kế hoạch rời khỏi Trung Quốc càng sớm càng tốt”, Stephen Lamar, phó chủ tịch Hiệp hội dệt may và da giày Mỹ, cho biết. Ông gọi đây là “cuộc dịch chuyển mang tính thế hệ”.

Ai lợi, ai thiệt trong làn sóng dịch chuyển này?

Đối với một số quốc gia, đây là tin tốt lành. Các công ty muốn rời khỏi Trung Quốc đang nhắm đến những nền kinh tế mới nổi khác. Lịch sử kinh tế hiện đại cho thấy những việc làm mà cá công ty này tạo ra tại những nước đang phát triển có thể thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và giảm bớt nghèo đói, mà bản thân Trung Quốc chính là ví dụ điển hình.

Trong khi đó, Mỹ gặp phải nhiều xáo trộn. Không giống như ông Trump thường tự hào, không nhiều công ty Mỹ trở về quê nhà: trong khảo sát nói trên chỉ có 6% cho biết đang xem xét lựa chọn này). ĐIều đó có nghĩa là thâm hụt thương mại mà Tổng thống Trump luôn than phiền sẽ chỉ dịch chuyển sang đối tác thương mại khác mà không biến mất.

Còn đối với Trung Quốc, làn sóng dịch chuyển gây sức ép buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải “tiến lên trên chuỗi giá trị”. Không còn có thể dựa vào hoạt động sản xuất cơ bản phục vụ xuất khẩu để duy trì việc làm, các chủ doanh nghiệp Trung Quốc giờ đây phải học cách sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao hơn, nhiều chất xám hơn để có thể tiếp tục tạo ra phép màu tăng trưởng. Đó cũng là mục tiêu mà chính sách công nghiệp của Trung Quốc đang hướng đến: thúc đẩy các công nghệ tiên tiến – từ xe điện đến microchip – với sự hỗ trợ của nhà nước.

Tuy nhiên, chính sách công nghiệp của Trung Quốc cũng chính là gốc rễ gây ra xung đột với Mỹ. Nội các của ông Trump đang nỗ lực giữ những công nghệ quan trọng của Mỹ nằm ngoài tầm với của các doanh nghiệp Trung Quốc, bằng cách cấm các công ty Mỹ bán linh kiện quan trọng (như chop) cho các công ty công nghệ nòng cốt của Mỹ (như Huawei).

Những biện pháp này, cùng với tham vọng tự tạo ra các công nghệ tiên tiến của Trung Quốc, có thể chia cách Mỹ và Trung Quốc về mặt kỹ thuật số, với người tiêu dùng ở mỗi nước sẽ sử dụng các phần mềm và thiết bị công nghệ khác hẳn nhau. Bắc Kinh cũng đã bắt đầu sử dụng tường lửa để ngăn cản nhiều công ty Mỹ hoạt động ở thị trường Trung Quốc. Kết quả là cư dân mạng Trung Quốc giống như đang sống trong 1 thế giới khác, sử dụng tiểu blog Sina Weibo thay vì Twitter, và tìm kiếm trên Baidu chứ không phải Google…

Không chỉ trong thế giới ảo, ngoài đời thực người dân Trung Quốc và Mỹ cũng đang dần xa cách. Các nhà khoa học Trung Quốc có liên quan đến quân đội sẽ không được nghiên cứu hoặc học tập tại Mỹ. Tháng này, Bộ Giáo dục Trung Quốc phát đi cảnh báo các sinh viên “cần phải nghiên cứu kỹ hơn các rủi ro khi đi du học ở Mỹ”. Ngược lại, Huawei gần đây đã sa thải các nhân viên người Mỹ khỏi phòng nghiên cứu và phát triển tại trụ sở ở Thâm Quyến.

Xung đột Mỹ – Trung còn tạo ra một xu hướng mới trong các mối quan hệ quốc tế. Ví dụ, Trung Quốc và Nga có thể trở nên thân thiết với nhau hơn. Ở châu Âu, mối quan hệ giữa Italy và Mỹ đang trở nên xấu đi trong khi nước này vừa trở thành thành viên đầu tiên trong nhóm G7 tham gia vào sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc. Ngày càng có nhiều quốc gia cảm thấy khó xử hơn khi vừa phải duy trì mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc vừa không làm đồng minh Mỹ phật lòng, mà trong trường hợp này Australia chính là ví dụ điển hình.

Mỹ và Trung Quốc từng là đại diện của xu hướng hợp tác toàn cầu, giờ đây họ lại cũng chính là những biểu tượng cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và làn sóng chống toàn cầu hóa. Sự thay đổi này sẽ có mức độ sâu rộng đến đâu?

Lamar cho rằng nếu 2 bên đạt được thỏa thuận và dỡ bỏ thuế quan, một số doanh nghiệp có thể quay trở lại như xưa – vì chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc là điều không hề dễ dàng vì hệ thống đang hoạt động quá hiệu quả. Tuy nhiên, kể cả khi ông Trump đã hết nhiệm kỳ và không còn ngồi trong Nhà Trắng, quan hệ Mỹ – Trung đã mãi mãi thay đổi.

(Theo Soha News)

Đọc nhiều