Sinh năm 1957, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, tân Ủy viên Bộ Chính trị không chỉ thành danh trên con đường học vấn, mà mỗi nghiên cứu khoa học của ông đều có những đóng góp nhất định cho sự định hình phát triển kinh tế chung của đất nước.
Với vai trò là thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Thắng năng nổ, trực tiếp tham gia chủ trì nhiều dự án – thảo luận, tìm ra các chính sách phát triển kinh tế cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế toàn cầu. Ông mở ra khá nhiều hội thảo, lắng nghe ý kiến của nhiều doanh nghiệp quốc tế, tiếp thu các ứng dụng phát triển kinh tế của các quốc gia mới nổi trên thế giới, tìm những đường hướng mới cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Từ đó tư vấn, khuyến nghị cho Thủ tướng về các chiến lược phát triển bền vững về kinh tế – xã hội. Có thể nói, thành công chung về sự phát triển kinh tế vượt bậc của đất nước trong những năm, có một phần sự đóng góp đáng kể của ông.
Với vai trò là Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, dưới sự điều hành của ông, Học viện thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, tổ chức các lớp cao cấp lý luận chính trị cho các học viên, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, Học viện đã chủ động nghiên cứu và chắt lọc kết quả nghiên cứu xây dựng được các báo cáo khuyến nghị về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đóng góp trong việc soạn thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, được ghi nhận, đánh giá cao, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách kịp thời, sát hợp với tình hình diễn biến của thực tiễn đất nước.
Thông qua dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Nguyễn Xuân Thắng chủ trương lấy ý kiến nhân dân góp ý, lắng nghe hơi thở của thực tiễn cuộc sống, qua đó tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của đất nước trong thời gian tới. Ông đặc biệt quan tâm đến đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế đồng bộ kinh tế ở nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, để xã hội phát triển đồng bộ, đời sống người dân được thay đổi theo hướng tích cực, thoát nghèo bền vững, chỉ số hạnh phúc tăng trưởng hơn nữa.
Trên các cương vị công tác, ông luôn nỗ lực, phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức.