130115
topics
522409

Chân dung đại gia xây hầm cất vàng và 500 tỷ ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19

Hồng Anh 06/06/2021 11:29

Ông Lê Văn Kiểm cho biết bản thân cảm thấy rất vui khi đóng góp 500 tỷ đồng cho quỹ vaccine của Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đóng góp hàng nghìn tỷ cho quỹ vaccine.

Mặc chiếc áo vest gắn nhiều huân, huy chương và cả danh hiệu Anh hùng lao động, ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành, gây ấn tượng mạnh trong số hàng chục doanh nhân có mặt tại lễ phát động quỹ vaccine do Chính phủ tổ chức tại Nhà hát lớn (Hà Nội) vào tối 5/6.

Được nhiều người biết đến với biệt danh “ông chủ sân golf Long Thành”, ông Kiểm là người đã trao tặng quỹ vaccine số tiền 500 tỷ đồng.

“Khi làm việc này, tôi thấy rất vui”, ông Kiểm nói với PV. Doanh nghiệp của ông Kiểm là một trong hàng chục doanh nghiệp đã đóng góp cho quỹ vaccine. Cùng với các tổ chức và cá nhân khác, quỹ vaccine hiện nay đã tiếp nhận trên 6.600 tỷ đồng.

Chân dung ông chủ Golf Long Thành ủng hộ 500 tỷ vào quỹ Vaccine chống Covid-19: Doanh nhân thế hệ đầu của Việt Nam, từng phải xây hầm chứa vàng vì quá nhiều tiền
Vợ chồng ông Lê Văn Kiểm bà Trần Cẩm Nhung.

Đại gia xây hầm cất vàng

Chủ tịch Golf Long Thành nói rằng gia đình ông từng ra miền Bắc tập kết sau năm 1954, bản thân ông được học tập và nuôi dưỡng tại trường học sinh miền Nam, trưởng thành trong quân đội, tham gia trong chiến tranh.

“Là một cựu chiến binh có điều kiện làm ăn, có chút thành công, tôi rất mong muốn cùng Chính phủ chung tay đóng góp để có nguồn vaccine, để có thể tiêm cho mọi người dân trong nước, đất nước sớm vượt qua dịch bệnh”, ông Kiểm chia sẻ.

Có lẽ ít người biết, đứng sau Golf Long Thành chính là đại gia Lê Văn Kiểm, một trong những doanh nhân Việt đi đầu thời mở cửa kinh tế những năm 1980.

Sinh năm 1945 tại Thừa Thiên-Huế, ông Kiểm tốt nghiệp đại học và có bằng kỹ sư. Tuy là con liệt sỹ nhưng ông vẫn tình nguyện gia nhập quân đội, tham gia kháng chiến. Ông từng đi vào chiến trường Lào, Campuchia và chiến trường B2 sau đó về làm trong nhà nước giai đoạn nửa sau thập niên 1970.

Năm 1978, cùng với vợ mình là bà Trần Cẩm Nhung, ông Kiểm bắt đầu bước vào con đường khởi sự kinh doanh. Khi ấy, họ phải bán tài sản giá trị duy nhất của mình là chiếc Honda cũ, trị giá 1 lượng vàng, để mua một chiếc mô tơ chế tạo máy trộn thức ăn gia súc. Cơ sở sản xuất thức ăn gia súc nhãn hiệu Huy Hoàng đã ra đời tại địa chỉ nhà riêng ở 39, Phan Xích Long, Phú Nhuận.

“Hai vợ chồng tôi ngày làm việc Nhà nước, tối làm thức ăn gia súc. Công thức gồm cám, bột sò, vỏ đậu phộng, dầu dừa, bắp…trộn lên thành một hỗn hợp, bán rất chạy”.

“Hiệu quả cao, tiền vô thấy sướng quá trời”, ông Kiểm từng kể lại như vậy trên Forbes Việt Nam.

Một thời gian sau, sản phẩm Huy Hoàng xuất hiện khắp nơi. Vợ chồng ông Kiểm nghiên cứu sản phẩm kế tiếp, ép dầu từ hạt cao su để làm sơn.

Hạt cao su được thu mua ở khắp miền Nam về ép lấy dầu để sản xuất sơn, còn bã thì làm phân bón. Riêng tiền bán bã ép đã đủ trả tiền mua hạt, nhân công. Công việc nhiều, vợ chồng ông Kiểm thuê các nơi khác gia công cho mình.

Sau sơn đến sản xuất bột màu xây dựng, gia đình ông Kiểm tiếp tục nghiên cứu sản xuất ngay trong nhà. Việc kinh doanh “1 lời 10” khiến cho ông tích lũy được tới cả ngàn cây vàng.

“Tiền về rất nhiều, chưa bao giờ chúng tôi có nhiều tiền đến thế. Mỗi tháng phải làm được cả 10 lượng vàng, mà cái nhà phố ở Phan Đăng Lưu lúc đó chỉ đáng 10 lượng vàng”, ông Kiểm nói.

Vào khoảng năm 1984 – 1985, ông Kiểm đưa Huy Hoàng lên thành một trong những công ty tư nhân đầu tiên, cũng là tiền thân của Tập đoàn KN – Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành sau này.

doanh nghiep dong gop cho quy vaccine anh 1
Ông Lê Văn Kiểm trao tặng tiền cho quỹ vaccine.

Thời điểm ấy, Việt Nam nhận được rất nhiều đơn hàng may mặc theo kiểu “hàng đổi hàng” với thị trường Đông Âu. Ông Kiểm cho biết, giữa 1988 – 1990, Huy Hoàng là công ty đầu tiên đầu tư đồng bộ hiện đại dây chuyền sản xuất với máy móc thiết bị nhập từ Nhật, không chỉ làm gia công mà còn xuất khẩu trực tiếp theo phương thức FOB. Xuất hàng may mặc, đổi lấy xi măng, sắt thép và nhiều loại hàng hóa khác nhập khẩu về nước, ông Kiểm kể, việc đổi hàng thường là lời “1 ăn 5”.

“Tiền nhiều kinh khủng. Tôi mua hai xe tải, mua nhà mới ở số 9 Nơ Trang Long, Bình Thạnh, và mua dự trữ rất nhiều vàng”. Thậm chí, ông còn xây hẳn hầm vàng trong nhà, bên trên xây một chuồng gấu ngựa, ban đêm khi thợ về thì chất vàng xuống giấu, rồi mua hai con gấu ngựa về nuôi.

Năm 1990, ông Kiểm bắt đầu đầu tư vào bất động sản, đặc biệt mua nhiều vị trí đắc địa ở trung tâm quận 2, TP.HCM. Nhưng về sau, chính việc thế chấp đất đai, đầu tư từ tiền vay ngân hàng của ông đưa đến rủi ro, khi khủng hoảng tài chính xảy ra dẫn đến thị trường địa ốc đóng băng. Gia đình ông đã phải trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn.

Rất may 3 năm sau, thị trường địa ốc ấm lên, giá bất động sản tăng vọt. Giá đất ở quận 2, TP.HCM có lúc lên đến 40-50 triệu đồng/m2. Vị đại gia chuộc được gần hết đất, bán đất có tiền để trả toàn bộ số nợ, cộng cả lãi suất ngân hàng.

Vừa trả được hết nợ, năm 2001, ông Kiểm quyết định xây dựng sân Golf Long Thành với kinh phí đầu tư trên 600 tỷ đồng, diện tích 340 ha. Đây là sân golf đầu tiên của Việt Nam hoàn toàn do người Việt tự quy hoạch, thiết kế, tự thi công xây dựng và tự quản lý điều hành đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đa phần nhân viên trong công ty là con em các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ hoặc đã từng tham gia bộ đội và các gia đình nghèo tại địa phương.

Trong nhiều năm liền, sân golf Long Thành được bình chọn là sân golf đẹp nhất, tốt nhất, là sân golf thân thiện với môi trường nhất ở Việt Nam và là một trong những sân golf đẹp nhất Châu Á.

Bên cạnh sự phát triển thịnh vượng của Sân Golf Long Thành, Ông Lê Văn Kiểm còn tiếp tục đầu tư phát triển dự án Khu đô thị, sân golf nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào vào năm 2012. Con trai ông, Lê Huy Hoàng, phụ trách cụm dụ án này, cộng với một dự án khai thác khoáng sản vàng mà tổng vốn đầu tư hiện ước tính khoảng 100 triệu USD tại thời điểm đó.

Ở trong nước, nắm bắt nhu cầu nhà ở cao cấp tại TP.HCM nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung, công ty của ông Kiểm đã kết hợp cùng những tên tuổi lớn trong ngành bất động sản nước ngoài, triển khai hàng loạt dự án nổi bật như Khu biệt thự cao cấp Riviera, các khu căn hộ cao cấp The Vista An Phú, Vista Verde, Feliz en Vista, Waterina Suites.

Đặc biệt năm 2015, Tập đoàn KN của ông Kiểm đã đầu tư dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp KN Paradise tại tỉnh Khánh Hòa. Dự án sở hữu quy mô 800 ha, được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ngoài ra, khu du lịch Thùy Dương tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Khu du lịch Hồ Than Thở tại Đà Lạt, Lâm Đồng cũng thuộc sở hữu của gia đình ông Kiểm.

Trong suốt chặng đường kinh doanh hàng chục năm của mình, ông Kiểm và vợ luôn dành nhiều thời gian, tiền bạc vào công việc từ thiện và xã hội. Ông bà bắt đầu xây dựng nhà tình nghĩa từ những năm đầu thập niên 1990, những hoạt động từ thiện được chú trọng nhiều hơn sau thời điểm đã vượt khó khăn. Tổng số tiền từ thiện mà gia đình ông Kiểm đóng góp tính đến cuối năm 2020 đã lên tới hơn 1.200 tỷ đồng.

doanh nghiep dong gop cho quy vaccine anh 2
Nhiều doanh nghiệp trao tặng ủng hộ quỹ vaccine vào tối 5/6.

Trải suốt dọc dài của đất nước, vợ chồng doanh nhân Lê Văn Kiểm và Trần Cẩm Nhung đã tự thành lập cũng như đóng góp cho nhiều quỹ học bổng, ví dụ Quỹ học bổng giúp đỡ sinh viên nghèo Trường đại học Thủy Lợi, Quỹ khuyến học cho con cháu cựu chiến binh Việt Nam, Quỹ học bổng “Trần Cẩm Nhung-Chắp cánh ước mơ”, ủng hộ “Chương trình Sữa học đường”,…Ông Kiểm còn ký cam kết vận động đóng góp 5 triệu USD vào Quỹ Vietnam Health Fund cùng Tỷ phú Mỹ Bill Gates giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe cho người Việt nghèo ở trong và ngoài nước…

Năm 2019, tạp chí Forbes bình chọn và công bố danh sách 30 Anh hùng từ thiện châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có sự góp mặt của hai doanh nhân Việt Nam là ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung. Ông bà là người Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách, cả hai xếp thứ 7 trong top 10 nhà từ thiện hào phóng nhất.

Ngày 28/112020, ông bà được trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là lần đầu tiên có hai vợ chồng cùng được vinh danh và lần thứ hai ông Lê Văn Kiểm được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.

Ông bà từng chia sẻ tâm niệm giản dị của mình như sau: “Vợ chồng tôi cùng các con luôn có chung suy nghĩ, bài tập thể dục thứ nhất cho trái tim là động tác đưa đôi tay của mình giúp đỡ cộng đồng”.

Quỹ vaccine sẽ giúp 70% dân số được tiêm miễn phí

Phát biểu về quỹ vaccine, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để Việt Nam thoát khỏi đại dịch Covid-19.

“Đảng, Nhà nước, Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm với cộng đồng, từ sự chia sẻ với Nhà nước”, Thủ tướng nói.

Người đúng đầu Chính phủ nhấn mạnh Chính phủ sẽ đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết.

“Sự chia sẻ, trách nhiệm, cảm thông của nhân dân với Nhà nước là nhân tố quan trọng để chúng tôi tin rằng quỹ vaccine sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài”, ông nói.

Ông cũng tin rằng Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc – chiến thắng đại dịch Covid-19.

doanh nghiep dong gop cho quy vaccine anh 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để Việt Nam thoát khỏi đại dịch Covid-19.

Nói với PV, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết quỹ vaccine sẽ giúp bổ sung tiền, cùng với ngân sách Nhà nước, đủ để tiêm chủng cho 70% dân số. Theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm được 70% dân số, Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vaccine. Tương ứng, số tiền bỏ ra để mua vaccine cần khoảng 25.000 tỷ đồng. Hiện tại, ngân sách Nhà nước đã bố trí được 14.100 tỷ đồng.

Số tiền còn lại cần huy động tiền đóng góp của dân, các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân, để đảm bảo đủ tiền mua 150 triệu liều.

“Bước đầu, quỹ vaccine sẽ giúp chúng ta tiêm chủng miễn phí cho khoảng 70% dân số”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói.

Bộ trưởng Phớc cho biết căn cứ vào quyết định của Thủ tướng về việc mua vaccine theo từng đợt, Bộ Tài chính sẽ chuyển tiền cho Bộ Y tế tương ứng. Bộ Y tế là đầu mối mua vaccine trực tiếp và sẽ tiến hành tiêm cho người dân.

Mọi cá nhân, tổ chức có thể nhắn tin trực tiếp ủng hộ quỹ vaccine về đầu số 1408. Cách làm: Soạn tin theo cú pháp “COVID NK gửi 1408”. Trong đó, N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2.000. Số tiền đóng góp bằng 1.000 đồng nhân n lần.

Hàng loạt doanh nghiệp ủng hộ cho quỹ vaccine. Công ty Golf Long Thành ủng hộ 500 tỷ đồng. Vingroup ủng hộ 4 triệu liều vaccine tương đương 480 tỷ đồng. Tập đoàn Viettel ủng hộ 450 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ủng hộ 400 tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam ủng hộ 400 tỷ đồng. Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam ủng hộ 400 tỷ đồng. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước ủng hộ 200 tỷ đồng..

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam ủng hộ 200 tỷ đồng. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ủng hộ 200 tỷ đồng. Tập đoàn Sơn dầu Việt Nam ủng hộ 200 tỷ đồng. Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam ủng hộ 200 tỷ đồng. Tổng công ty Viễn thông MobiFone ủng hộ 200 tỷ đồng. Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh ủng hộ 170 tỷ đồng. Tập đoàn T&T Group ủng hộ 1 triệu liều vaccine tương đương 120 tỷ đồng. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam ủng hộ 100 tỷ đồng…

Hồng Anh

Đọc nhiều